Xây dựng sản phẩm OCOP: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu

15/01/2020 - 13:31

BDK - Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh, thành phố được Trung ương lựa chọn chỉ đạo điểm về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và được sự quan tâm sâu sát của Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Ðề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu cốt lõi của đề án là “Hành động địa phương - Hướng đến toàn cầu”.

Tham quan gian hàng sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Hữu Hiệp

Tham quan gian hàng sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Hữu Hiệp

“Bà đỡ” cho nông sản đặc sản

Năm 2019, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh đã đánh giá, xếp hạng OCOP lần thứ I. Kết quả, toàn tỉnh có 52 sản phẩm của 19 chủ thể tham gia đánh giá, xếp hạng, trong đó có 45 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng. Sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên có 14 sản phẩm, từ 4 sao trở lên có 31 sản phẩm. Sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được cấp và dán nhãn OCOP cùng với số sao trên bao bì sản phẩm để giúp người tiêu dùng nhận biết.

Ðiển hình một số sản phẩm của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã được chứng nhận OCOP 4 sao như: kẹo dừa sầu riêng lá dứa Bến Tre, kẹo dừa ca cao Bến Tre, kẹo dừa gừng Bến Tre, kẹo dừa sầu riêng Bến Tre, kẹo dừa béo nguyên chất Bến Tre (Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Ðông Á); bánh hoa dừa vị sầu riêng Tiến Ðạt, kẹo sữa dừa vị sầu riêng Yến Hoàng… (Công ty TNHH Vĩnh Tiến); rượu Cả Cọp Bình Khương Thôn Spirit 10 năm 40% vol (Công ty TNHH MTV Gia Thái); mật ong ruồi, mật ong hoa nhãn (Công ty cổ phần mật ong Tín Phát); rau cần, rau diếp cá, rau dền, cà tím, rượu trắng… (HTX nông nghiệp Phú Ngãi); trái bưởi da xanh (HTX nông nghiệp Châu Hưng); nước màu dừa Hồng Thúy (Cơ sở Hồng Thúy); dừa sấy giòn hương gừng, dừa sấy giòn hương tỏi ớt (Công ty TNHH Funny Fruit)…

“Hồi mới nghe về OCOP, tôi còn mơ hồ, chưa hiểu OCOP có mục đích làm gì. Nhưng càng quan tâm, tôi thấy chương trình này rất quan trọng. Các tiêu chí chấm OCOP rất khắt khe. Nhưng tôi nghĩ, chính các tiêu chuẩn khắt khe đó đảm bảo cho sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn. Nếu muốn vươn ra thế giới, DN đủ tự tin vì đã đủ các điều kiện để đi”, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, TP. Bến Tre phấn khởi nói. Kết quả bước đầu, Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long được xét đạt chuẩn OCOP 4 sản phẩm, gồm: 3 sản phẩm được xét 4 sao (mặt nạ dừa tự nhiên, mặt nạ dừa 2 trong 1 và mặt nạ dừa collagen) và 1 sản phẩm 3 sao là xà bông dừa.

Từ việc nhận thức về tầm quan trọng của sản phẩm OCOP, chị Ngô Song Ðào - người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc cho biết định hướng trong thời gian tới: “Mình nghĩ sản phẩm được dán nhãn OCOP 3 sao, 4 sao lên bao bì thì sẽ tạo thuận lợi lớn để DN đưa hàng ra thị trường. Mình định hướng trong năm 2020 là phải tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu để sản phẩm đạt lên 4 sao”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập khẳng định: Ðây là hoạt động thiết thực và quan trọng nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; liên kết tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung; định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu phát triển thị trường.

“Chúng tôi kỳ vọng thông qua các hoạt động của OCOP, tỉnh sẽ hình thành các mối liên hệ bền vững giữa DN sản xuất và DN phân phối, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DN Bến Tre cũng như DN của các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với công tác kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Phấn đấu đạt OCOP 5 sao

Theo đề án, chương trình được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã với 100% số xã có sản phẩm tham gia chương trình. Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng phát triển. Ðến năm 2020, toàn tỉnh có từ 80 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; phát triển mới 10 - 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hình thành mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng, có liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Ðể thực hiện đạt mục tiêu trên, theo ông Huỳnh Quang Ðức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện đề án trong thời gian tới cần xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng điểm, có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Việc thành công của chương trình phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm cũng như trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức; cán bộ các cấp và chủ thể hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, cách thức thực hiện chương trình. Trước mắt cần tập trung công tác đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình và chủ DN, HTX, tổ hợp tác, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh.

Các địa phương cần đào tạo tập huấn đối với chủ thể sản xuất trước khi họ đề xuất ý tưởng sản phẩm. Thứ tư phải xác định rõ và phân công nhiệm vụ đối với các sở, ngành, huyện như lựa chọn và bố trí cán bộ có chuyên trách, kiêm nhiệm để thực hiện là nội dung hết sức quan trọng trong việc triển khai.

Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương khẳng định: Sản phẩm đạt chuẩn 5 sao sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường thế giới. Vì thế, việc triển khai đề án tiếp tục lưu ý nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh tế, DN, HTX tham gia chương trình OCOP về tiêu chuẩn hóa sản phẩm, về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm OCOP. Thực hiện kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất sản phẩm OCOP với các nhà cung ứng chuỗi hỗ trợ sản xuất, các nhà tiêu thụ theo chuỗi và tiêu thụ qua thương mại điện tử, dần từng bước hình thành sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia.

Với tinh thần trách nhiệm đối với người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ quản chương trình OCOP Quốc gia mong muốn các địa phương tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các nhà sản xuất OCOP nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để thúc đẩy chương trình OCOP ngày càng phát triển.

Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN