Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

25/12/2019 - 09:18

BDK - Năm 2019, chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung cho sản phẩm đặc sản của tỉnh, đặc biệt đối với 45 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP mức độ 3 sao và 4 sao.

Dừa uống nước thương hiệu Coco smile trưng bày tại Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre ở TP. Hồ Chí Minh.

Dừa uống nước thương hiệu Coco smile trưng bày tại Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre ở TP. Hồ Chí Minh.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Tỉnh có diện tích trồng cây lâu năm hơn 101 ngàn héc-ta, trong đó, cây ăn quả hơn 28 ngàn héc-ta, với các loại trái cây ngon, như: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chuối, cam, quýt… Sản lượng đạt hơn 310 ngàn tấn. Bến Tre còn được biết đến là “vương quốc hoa kiểng và cây giống”. Hàng năm, tỉnh cung ứng cho thị trường hàng chục ngàn giống cây trồng, cây cảnh nổi tiếng. Sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm xanh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Nghề làm “Bánh tráng Mỹ Lồng” tại xã Mỹ Thạnh và “Bánh phồng Sơn Đốc” tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Những năm qua, nông nghiệp tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, từ trồng trọt đến chăn nuôi và nuôi trồng, khai thác thủy sản. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Sản xuất có trách nhiệm. Phương thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ...

Ông Châu Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh đẩy mạnh tiến độ xây dựng và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030. Đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết được thực hiện sớm để Bến Tre đạt được mục tiêu đề ra, nhằm đóng góp tích cực và đẩy mạnh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiếu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh.

“Việc tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh và Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh năm 2019 là để giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh liên kết kinh tế với các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương khai thác tiềm năng và đưa sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng”, ông Châu Văn Bình nhấn mạnh.

Điều kiện kết nối

Tại Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh tháng 12-2019, bà Nguyễn Ngọc Diện - Phó giám đốc Phòng Kinh doanh Hợp tác xã Thương mại Sài gòn Co.op cho hay: Bình quân 1 tháng, Sài gòn Co.op tiêu thụ đặc sản của Bến Tre trên dưới 150 tấn các loại, trong đó có thực phẩm tươi, như: trái cây, thủy sản, sản phẩm chế biến từ dừa. “Vấn đề doanh nghiệp chúng tôi quan tâm không phải là quy mô mà là chất lượng sản phẩm có đáp ứng người tiêu dùng về an toàn, sức khỏe, đặc biệt ưu tiên sản phẩm OCOP”, bà Diện nêu.

Theo bà Nguyễn Ngọc Diện, có nhiều sản phẩm đã tốt nhưng vấn đề là làm thế nào để người tiêu dùng hiểu, cảm nhận và tin được là sản phẩm đó tốt. Vì thế, DN, người sản xuất phải làm thế nào để chứng minh, thể hiện tính ưu việt, khác biệt của sản phẩm đó.

Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh là tổ chức có quy mô với 72 hội, câu lạc bộ DN thành viên, với trên 10 ngàn DN hội viên hoạt động trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Thời gian qua, có những sản phẩm sạch, an toàn nhưng khó bán, thậm chí không biết bán ở đâu. Ngược lại, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm sạch, nhưng không biết mua ở đâu. Vì thế, hoạt động truyền thông của hai địa phương trong thời gian qua nhằm hướng đến mục tiêu kết nối cho DN hội viên, tiếp cận các đối tác, nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu hàng hóa kinh doanh giữa Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh.

Hàng hóa của tỉnh có lợi thế cạnh tranh được với các nước nhưng vì còn yếu về mẫu mã, bao bì, đóng gói nên xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng, DN cần nghiên cứu xu thế về bao bì của thế giới mới có thể thu hút khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các DN phân phối kênh siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh cần tập trung tạo dựng mối liên kết bền vững cho sản phẩm Bến Tre tiêu thụ ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp hợp tác với nông dân thông qua các đơn vị chức năng, có chính sách hỗ trợ, quảng bá thương hiệu.

Ngành ngân hàng tạo điều kiện cho DN vay vốn ưu đãi, do DN xuất hàng vào siêu thị đều được thanh toán chậm từ 1 - 3 tháng trong khi hầu hết DN nhỏ và vừa đều cần vốn. Sở Công Thương của 2 địa phương làm đầu mối xử lý, hỗ trợ kịp thời những vấn đề DN đặt ra.

“Nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, đặc biệt sản phẩm OCOP Bến Tre trong thời gian tới, nhà sản xuất cần cam kết đảm bảo sản phẩm của mình sạch, chất lượng đồng nhất, có đăng ký hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cần chứng minh sự khác biệt, chất lượng, tính ổn định của sản phẩm”.

(Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Hưng)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN