“Bài toán nước ngọt” cho vùng biển Thạnh Phú

06/04/2018 - 07:41

BDK - Năm 2016 đã qua nhưng dư âm của hạn mặn vẫn còn gây tâm trạng bất an cho bà con vùng biển vốn còn nghèo khó này. Năm nay, tuy chưa đến mức khốc liệt nhưng tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng đang diễn ra từng ngày đối với người dân nơi đây. Mỗi ngày cắp sách đến trường, một số em học sinh mang theo chai nước chưa thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh.

Người dân Thạnh Phú nhận bồn chứa nước.

Người dân Thạnh Phú nhận bồn chứa nước.

Khoảng 36% dân số sử dụng nước máy

Đầu tháng 3-2018, cái nắng hầm hập như trút xuống mặt đường, nóng rát cả da mặt, từng tốp học sinh các trường: THCS An Qui, Giao Thạnh, Thạnh Hải đến trường đều mang theo chai nước nhỏ để uống. Tôi dừng xe hỏi “Nước mang theo là nước mưa hay nước gì vậy em?” thì một học sinh nam trả lời gọn bơ “Nước con lấy từ giếng, chứ đâu có nước mưa!”.

Toàn huyện có 55 trường học các cấp, gồm 18 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 18 trường THCS với 23.364 học sinh (đa số sống và học tập trong điều kiện khá vất vả, khó khăn). Hiện phần lớn trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện đều sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt. 53/55 trường sử dụng nước đóng chai, nước bình để uống và phục vụ nấu ăn bán trú; chỉ có 2/55 trường có máy lọc nước để uống là Trường Tiểu học Mỹ An và Thạnh Hải do Công ty Suntory Pepsico tài trợ. Học sinh ở trường học uống nước đóng chai giá rẻ.

Thời gian qua, ngành giáo dục huyện đã khảo sát và đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ các mạnh thường quân để đầu tư hệ thống máy lọc nước từ nguồn nước hiện có trong các trường học nhằm cung cấp nước sạch cho học sinh. Theo đó, sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị, ngành đối với các trường trong phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Thạnh Phú đăng ký với nhà máy để được cung cấp nước sinh hoạt cho toàn trường. Trường nào hệ thống nước máy chưa cung cấp thì tạm thời khoan giếng với độ sâu thích hợp để khai thác sử dụng. Các trường mầm non, tiểu học thực hiện bán trú thì sử dụng nước của các nhà máy nước để rửa nguyên liệu, dùng nước đóng bình hoặc nước mưa chứa từ hồ để nấu ăn cho học sinh.

Ngành cũng đã khuyến khích các trường xây hồ chứa nước mưa dùng để nấu ăn cho trẻ, vừa tiết kiệm, vừa sạch hơn so với nước bình hiện nay. Giải pháp thứ hai là sử dụng nguồn kinh phí ngành, vận động tài trợ. Hiện đa phần các trường sử dụng nước đóng chai của các cơ sở trong huyện để dùng làm nước uống cho giáo viên, học sinh từ nguồn chi thường xuyên của trường và tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh. Tuy nhiên, nước đóng chai chưa qua kiểm định hoặc có kiểm định nhưng không đảm bảo các yếu tố chất lượng nước. Một số đơn vị sử dụng nước chưa qua xử lý không đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh.

Lời giải cho “bài toán nước ngọt”

Để giải quyết thiếu nước một cách căn cơ, lâu dài, huyện Thạnh Phú đã có bước tham khảo Dự án “Bringing clean and safe drinkable water to life” (Đưa nước sạch và nước uống an toàn vào cuộc sống), được tài trợ tại phường Tân Trụ (Long An). Đây là dự án cung cấp nước sạch tinh khiết đảm bảo 100% các tiêu chuẩn của Bộ Y tế để cung cấp nước uống cho bệnh nhân ở các trạm y tế và học sinh các trường. Theo đề xuất của huyện, trước mắt thực hiện ở 9 xã khó khăn nhất, gồm Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, Hòa Lợi, An Điền, Mỹ An, Mỹ Hưng. Các trường sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc kinh phí tiết kiệm để xây dựng bể chứa nước mưa, ứng phó với thời tiết khô hạn với tổng dự toán khoảng 390 triệu đồng. Lắp đặt máy lọc nước do Dự án “Đưa nước sạch và nước uống an toàn vào cuộc sống” với tổng kinh phí khoảng 470 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Nước đang là vấn đề bức xúc của bà con, nhất là trong hệ thống trường học. Bởi toàn huyện hiện có 130 ngàn dân nhưng chỉ có nhà máy nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư với công suất 230m3/giờ, đang dự kiến nâng lên 340m3/giờ; các nhà máy còn lại ở Thới Thạnh, Hòa Lợi, Phú Khánh, Tân Phong công suất chỉ 10m3/giờ.  Với công suất trên cũng chỉ phục vụ cho 11 xã, 8 xã còn lại đang không có nước máy sử dụng. Thời gian qua, chính quyền địa phương bằng nhiều nguồn đã hỗ trợ cho người dân các dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt nhưng đó chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài cần có đầu tư chiến lược, căn cơ, bài bản hơn thì mới mong giải được bài toán thiếu nước ở vùng biển này.

“Việc cấp thiết đối với Thạnh Phú là tỉnh sớm đầu tư nhà máy nước khu vực cù lao Minh; đồng thời, tập trung đầu tư mở rộng hệ thống cung cấp nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre từ khu vực Mỏ Cày Nam xuống Thạnh Phú thì mới sớm có nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn nói. 

Mới đây, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi có chuyến thăm các trường học trên địa bàn huyện và mang Dự án “Sách cho tương lai” đến với các em học sinh Thạnh Phú, giúp các em có điều kiện bồi dưỡng tri thức và tâm hồn. Đồng thời, quan tâm điều kiện sinh hoạt của người dân, nhất là về nguồn nước sạch bằng việc giới thiệu Dự án “Đưa nước sạch và nước uống an toàn vào cuộc sống” về với huyện biển này.

Bài, ảnh: Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN