Phát triển ngành dừa bền vững với “hai trụ cột, ba nội dung”, bài 3:

“Chắp cánh” cho dừa Bến Tre... bay xa

25/02/2019 - 06:54

BDK - Sản xuất dừa hữu cơ (Organic) là giải pháp đưa các sản phẩm từ dừa vươn ra thị trường thế giới mà nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang liên kết với người trồng dừa thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp nói chung và đối với phát triển ngành dừa nói riêng trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Vườn dừa hữu cơ ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hạnh Linh

Vườn dừa hữu cơ ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hạnh Linh

Liên kết vùng trồng

Nhận biết nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng thế giới đang hướng đến là các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, các DN ngành dừa đã xây dựng tiêu chuẩn sạch, hữu cơ ngay từ khâu đầu tiên là khâu trồng dừa.

Anh Hồ Vũ Linh - Trưởng phòng Nguyên liệu hữu cơ, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết: Định hướng lâu dài là người trồng dừa nói riêng và nông dân nói chung phải sản xuất hữu cơ. Từ đó, nông dân liên kết lại, tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ. Nông dân liên kết với DN được trợ giá cao hơn bên ngoài thị trường 5 - 10%. Khi thị trường rớt giá dưới 50 ngàn đồng/chục thì người trồng dừa được cam kết thu mua giá sàn 50 ngàn đồng/chục. Đối với dừa hữu cơ, trong năm đầu tham gia, nông dân được DN thu mua cao 5 - 10% so với dừa thông thường. Sau 3 năm, dừa hữu cơ sẽ được mua cao hơn giá thị trường từ 15 - 30%. Công ty sẽ phối hợp các tổ liên kết trồng dừa, các hợp tác xã để thu mua dừa và hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đóng vai trò cầu nối giúp DN sản xuất và người trồng dừa liên kết trong sản xuất dừa nguyên liệu, vừa tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất dừa organic cho người nông dân. Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng dừa kết nối DN thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ. Tổng diện tích dừa đang chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ trên 4.137ha với số hộ và đại diện nhóm hộ sản xuất là 2.447hộ, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 2.014ha.

Cụ thể, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới liên kết với 882 hộ và đại diện nhóm hộ, quy mô 2.910ha trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Bình Đại. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã liên kết với 1.307 hộ, quy mô 1.014ha trên địa bàn xã Hưng Lễ, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Hiện DN đang phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn xã Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm và một số xã của huyện Bình Đại. Công ty cổ phần Chế biến Dừa Á Châu đã liên kết với 258 hộ, quy mô 212ha trên địa bàn xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam…

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, các DN chủ yếu sản xuất theo 3 tiêu chuẩn chứng nhận của Nhật, Mỹ, liên minh Châu Âu (EU)... Đến nay, toàn tỉnh có hai DN Lương Quới và Betrimex đã được tổ chức chứng nhận Control Union đánh giá và cấp chứng nhận. Các vườn dừa sau khi đạt chứng nhận hữu cơ được DN thu mua tăng thêm từ 10 - 15% so với giá dừa thường. “Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng vườn dừa kiểu mẫu sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 30ha, có 30 hộ tham gia trên địa bàn hai xã (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam 19hộ, 20ha; xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm 11 hộ, 10ha). Mô hình đang phát triển tốt. Nông dân đã ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao như kỹ thuật ủ phân hữu cơ và bón phân hữu cơ cho vườn dừa hữu cơ, kỹ thuật quản lý dịch hại trên vườn dừa bằng chế phẩm sinh học” - ông Đức cho hay. 

Dừa uống nước cũng được các DN xây dựng theo tiêu chuẩn Global GAP. Hiện toàn tỉnh có hai DN liên kết với nhóm nông dân và tổ hợp tác (23 hộ, quy mô 16,5ha) sản xuất dừa theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đã đạt chứng nhận, như Công ty Toàn Cầu, Công ty Nga Phú Thịnh.

Việc sản xuất hữu cơ giúp các nông dân kết hợp trồng xen cây thảo dược dưới tán dừa, dưới ao mương vườn dừa là nuôi tôm càng xanh, kết hợp liên kết chuỗi làm du lịch. Mô hình này đang hình thành khá rõ nét và khả năng nhân rộng khá nhanh trong thời gian tới do tính hiệu quả cao.

Đồng hành cùng nông dân

Ông Nguyễn Văn Cường, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm là người có 5 năm gắn bó, đồng hành với Betrimex trong chuỗi liên kết dừa và sản xuất hữu cơ. Ông Cường phân tích sản xuất hữu cơ giúp đảm bảo sức khỏe cộng đồng, trước hết là bản thân người trồng dừa, gia đình người trồng dừa, cho xóm ấp và sau đó là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đối với vườn dừa, sản xuất hữu cơ giúp cho trái năng suất cao và ổn định.

Chia sẻ cách trồng dừa hữu cơ, ông Cường cho rằng về cơ bản, người trồng dừa phải tuân thủ nguyên tắc bón phân hữu cơ vi sinh được làm từ phân chuồng kết hợp các dung dịch vi sinh và kỹ thuật chăm sóc cây dừa đúng cách để thay cho bón phân hóa học. Vườn trồng chuyên canh dừa, nếu có chăn nuôi thì phải khoanh vùng chăn nuôi riêng, có hầm biogas xử lý chất thải, có hố xí tự hoại…

Hưng Lễ là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh quan tâm sản xuất hữu cơ và phát triển diện tích dừa hữu cơ. Diện tích trồng dừa toàn xã trên 1.000ha, trong đó, diện tích dừa hữu cơ đạt 50% diện tích. Ông Trương Văn Nguyền - Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ cho hay, thời gian qua, việc thực hiện chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà trên địa bàn xã rất có hiệu quả. Mặc dù có giai đoạn giá dừa xuống thấp nhưng chính quyền địa phương và người dân vẫn đi đúng hướng chứ không vì khó khăn trước mắt mà buông lơi. Để làm được điều này, chính quyền, đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu.

Năm 2018, xã Hưng Lễ thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lễ để quan tâm phát triển chuỗi dừa, tạo điều kiện nhân rộng, phát triển chuỗi. Người dân rất đồng tình nên thời gian tới, xã tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình.

Tại cuộc họp Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN, ông Đặng Đức Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN nhận định: Sản xuất dừa Organic là cách làm đổi mới sáng tạo. Điển hình, bằng cách sản xuất dừa Organic, thương hiệu dừa Lương Quới của một DN ở Việt Nam đã có thể “chễm chệ” ở vị trí ngang bằng trong “94 thương hiệu quốc gia” dẫn đầu trên thế giới. DN Lương Quới đã bước chân vào hàng ngũ “doanh nhân thế giới”. Cũng theo ông, tới đây, Bến Tre nên nhân rộng, trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Đối với Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN, hội đồng tư vấn sẽ tiếp tục tác động đến người dân, DN trong tỉnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo cách làm như của DN Lương Quới, hướng tới nâng cao giá trị trái dừa và giúp người nông dân hưởng lợi nhiều hơn, ổn định hơn.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh phát triển diện tích dừa hữu cơ thêm 4.500ha. Kế hoạch phát triển sản phẩm hữu cơ của Betrimex trong năm 2019 cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án “10.000ha vườn dừa Organic cho nông dân” đến năm 2020. Đây cũng chính là bước chuẩn bị nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng các sản phẩm Organic trong thời gian tới của người tiêu dùng.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN