“Điểm hẹn” cho doanh nghiệp

24/10/2016 - 07:19

Tại rất nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh trong năm 2016, các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) đều bày tỏ mong muốn được thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh nhà. Mô hình “Cà phê DN” của tỉnh Đồng Tháp được các doanh nhân Bến Tre nêu lên làm ví dụ để nhân rộng.

Với “Cà phê DN”, doanh nhân, DN địa phương có thể trực tiếp gặp Chủ tịch UBND tỉnh để trình bày bức xúc, khó khăn cần được tháo gỡ vào mỗi sáng, trước giờ hành chính. Không cần đầu tư, tốn thời gian để lo vấn đề điểm hẹn. Lãnh đạo tỉnh và DN gặp nhau thật thoải mái trong một góc khuôn viên cây xanh của UBND tỉnh. Nơi ấy chỉ cần vài băng ghế đá và một vài chiếc bàn để ly cà phê. Không mà cứ như có lịch làm việc trước. Hễ DN, doanh nhân nào có “điểm nghẽn” thì đến ngay “điểm hẹn” là gặp lãnh đạo tỉnh. Mỗi vướng mắc của họ sẽ được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết ngay. Bên cạnh đó, doanh nhân, DN sẽ được kịp thời tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh.

Ở Bến Tre, thực tế đã có câu chuyện gần giống vậy từ hai năm trước. Thời điểm ông Võ Thành Hạo làm Chủ tịch UBND tỉnh (hiện là Bí thư Tỉnh ủy) đã rất quan tâm đến chăm lo phát triển DN. Hầu hết cuộc gặp gỡ với DN, các sở, ngành, ông đều nhắc đi nhắc lại rằng: “Doanh nhân, DN nào gặp vướng mắc gì thì cứ a-lô cho chúng tôi”. Không chần chừ, ông đã nhiều lần công khai số điện thoại của mình. Ông cũng chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành công khai số điện thoại để người dân, doanh nhân, DN có thể liên lạc, thông báo.

Với việc làm này, cấp trên có thể biết tình hình “sức khỏe” của DN và “nút thắt” đang ở đâu để kịp thời tháo gỡ ngay. Từ chủ trương mang tính “quyết sách” của Chủ tịch UBND tỉnh bấy giờ, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức và ngày càng tăng số lần họp mặt, gặp gỡ doanh nhân, DN trong năm.

Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, cộng đồng doanh nhân, DN tỉnh đã bày tỏ sự phấn khởi: Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới đã thật sự cởi mở, giúp đỡ tận tình cho DN bằng những hành động, việc làm rất cụ thể.

Lãnh đạo tỉnh đã có từng bước đi chắc - vững để hướng đến sự hài lòng của DN. Mỗi năm, số lượng DN thành lập mới tăng từ 20 - 25%. Riêng năm 2016, trong 9 tháng, toàn tỉnh thành lập mới 244 DN, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015, nâng tổng số DN toàn tỉnh vượt ngưỡng 3.000, với tổng vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng.

Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh Bến Tre” của Tỉnh ủy với nhiều chương trình hành động, giải pháp cụ thể nhằm giúp người dân lập nghiệp, khởi nghiệp để thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Với cách làm mới này, chương trình có ý nghĩa đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà giai đoạn mới. Đi trước nhiều tỉnh, thành và mang đậm nét riêng, rất cụ thể, chương trình được thổi vào đó tinh thần Đồng khởi với mong muốn Bến Tre sẽ làm nên cuộc “Đồng khởi mới” để thoát xa nghèo khó, tụt hậu và có mức sống ngang bằng khu vực.

Tại diễn đàn đối thoại với DN vào đầu tháng 9-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mô hình gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên theo đề xuất của đông đảo doanh nhân, DN tỉnh nhà. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở bố trí văn phòng để sớm ra mắt Trung tâm Tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN. Đồng thời, nghiên cứu các hình thức để trung tâm vận hành phát huy tốt chức năng, trong đó có thể phân công người phụ trách online xuyên suốt 24/24 giờ mỗi ngày để có thể lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN, doanh nhân mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với mô hình của tỉnh Đồng Tháp là những chỉ đạo rất quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bến Tre về học tập nhân rộng mô hình sẽ làm cơ sở cho Bến Tre nhanh chóng ra mắt mô hình gặp gỡ doanh nhân, DN, trên tinh thần luôn luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến doanh nhân, DN mỗi ngày.

T.Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN