Xã nghèo
Bình Thạnh ở ven thị trấn Thạnh Phú, nhưng lại là xã nghèo bởi thiên nhiên khắc nghiệt. Những năm 2009-2011, xã có trên dưới 30% hộ nghèo trong tổng số 2.126 hộ dân. Xã nghèo bởi vùng đất này chỉ trồng được 1 vụ lúa và ở những vùng gò cao phải chờ đến tháng 7-8 mưa nhiều cây lúa mới sống được. Trồng lúa ở đây lại không ăn chắc, những năm triều cường, xâm nhập mặn sớm là lúa “háp”, nhiều hộ dân ít đất canh tác, hoặc không có đất, thiếu ăn phải bươn chải làm thuê kiếm sống. Ở quê nhà, ngoài mùa lúa, không có việc gì làm nên phần đông hộ nghèo phải lên miệt Long Khánh (Đồng Nai), Lâm Đồng, Đắc Lắc… hái thuê cà phê, điều. Những lần “di cư” như vậy, các gia đình đơn chiếc, không người trông coi nhà cửa, quản lý con cái nên phải đùm túm cả nhà cùng đi. Con em họ cũng phải nghỉ học cùng theo cha mẹ mưu sinh. Cứ như vậy, hết năm học này đến năm học khác, số học sinh bỏ học ở trường THCS cứ tăng đều, mỗi năm có hàng trăm em phải nghỉ học.
Ngoài những gia đình nghèo phải đi làm thuê xa, xã cũng còn không ít hộ nghèo bươn chải lo cái ăn ở địa phương không có thời gian quan tâm đến việc học của con em, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh học yếu mất căn bản, nhà trường dạy phụ đạo, các em không học, mời phụ huynh cũng không đến, nhờ chính quyền can thiệp cũng không kết quả, bởi xã nghèo, cái nghèo dai dẳng, cha mẹ lo cái ăn cho con cái chưa đủ, đâu có thời gian lo việc học của con.
Theo số liệu của Trường THCS Bình Thạnh, số học sinh bỏ học rất cao: năm học 2009-2010 có 188/413 em; năm học 2010-2011 có 111/432 em. Các em bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do cha mẹ nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thê và cháu nội Lê Hoài Thanh được nhà trường vận động tổ chức từ thiện tặng nhà tình thương và xe đạp đi học.
Giúp trẻ ra lớp
Giúp trẻ ra lớp trở thành chương trình hành động có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương. Ban Giám hiệu Trường THCS Bình Thạnh vận động các nhà hảo tâm và cả giáo viên, học sinh của nhà trường giúp đỡ để các học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Cuộc vận động này được hưởng ứng tích cực. Bình quân, mỗi năm, các nhà hảo tâm tặng quà, tập vở, cặp học sinh trên dưới 20 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Khuyến học xã còn tặng học bổng cho những học sinh nghèo học giỏi. Học sinh lớp trước tặng lại sách giáo khoa cho bạn nghèo học lớp sau. Ở trường này, không ít giáo viên lấy đồng lương của mình mua tập vở, đồng phục giúp học trò nghèo của mình. Đặc biệt, năm học 2010-2011, nhà trường vận động các nhà hảo tâm tặng 15 xe đạp (mỗi chiếc trị giá 1 triệu) cho 15 học sinh nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho những em nhà xa đến trường. Có giáo viên vận động được cả gạo, nhà tình thương cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như trường hợp gia đình em Lê Hoài Thạnh, học sinh lớp 7/2, nhà ở ấp Thạnh Quí B. Cha mất sớm, mẹ lập gia đình khác, em sống với bà nội tuổi tám mươi. Là hộ nghèo không có đất canh tác, hàng tháng, hai bà cháu ăn nhín nhúc với 10kg gạo của nhà chùa cho. Em Thạnh có nguy cơ bỏ học. Biết hoàn cảnh khó khăn của Thạnh, nhà trường vận động nhà từ thiện tặng áo quần, tập vở và xe đạp cho em; sau đó, vận động Ban đại diện Phật giáo và phật tử huyện Thạnh Phú tặng nhà tình thương cho hai bà cháu. Cụ Nguyễn Thị Thê, bà nội của em Thạnh nói: Nếu không có nhà trường quan tâm giúp đỡ, tôi không biết lấy gì lo cho cháu đi học.
Việc vận động hỗ trợ các học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, không chỉ đơn độc nhà trường thực hiện mà còn có cấp ủy, chính quyền địa phương. Em Nguyễn Thị Ngọc Vẻn, học sinh lớp 7/1, nhà ở ấp Thanh Bình. Gia đình có ba anh chị em, cha mẹ đi làm thuê ở Long Khánh (Đồng Nai), vài tháng mới về một lần. Hàng ngày, các em ăn gạo mượn của bà con láng giềng, khi cha mẹ về mua trả lại. Gia đình em Vẻn được xã xét cho hưởng chính sách hộ nghèo, được hỗ trợ nhà tình thương 167, em Vẻn được nhà trường tặng áo quần, sách vở, năm học này em là học sinh khá.
Cũng với việc hỗ trợ các hộ nghèo bằng chính sách xã hội, Bình Thạnh đang có nhiều chương trình mục tiêu xóa nghèo bền vững, trong đó các đoàn thể - thành viên của ban chỉ đạo phổ cập, xóa nghèo, luôn sâu sát hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình, hỗ trợ vay vốn, vật nuôi.
Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, xã còn phối hợp với ngành khuyến nông huyện hướng dẫn nông dân thoát nghèo bằng cách chuyển ruộng lúa năng suất thấp sang trồng mía trong vùng dự án ngọt hóa 418. Dự án này Bình Thạnh có 460/1.568ha đất canh tác được ngọt hóa. Cây mía đang được nhân rộng trên vùng đất ngọt hóa với chương trình đầu tư bao tiêu sản phẩm của Công ty đường Bến Tre. Mía ở Bình Thạnh phát triển tốt, chữ đường bình quân 11-12, chất lượng ít nơi nào có được.
Năm 2011, Bình Thạnh có 279ha mía. Diện tích mía phát triển, mở ra nhiều việc làm thu hút người lao động. Nhiều hộ nghèo trước đây đến mùa vụ thu hoạch cà phê, điều phải lên tận Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc để làm thuê, nay họ có thể làm thuê tại quê nhà. Chị Dương Thị Năm ở ấp Thạnh Quí B, là người hàng năm “di cư” đến Long Khánh làm thuê cho biết: Đi làm thuê xa, tiền công không hơn ở quê mình, chi phí xe cộ lại nhiều. Nay làm ở xã nhà, tiết kiệm được tiền bạc, con em không phải nghỉ học.
Nói về kết quả giảm nghèo ở xã, ông Nguyễn Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Nhờ những chuyển đổi tích cực trong quy hoạch cây trồng, vật nuôi, tạo thêm nhiều việc làm, cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 27,84%. Cha mẹ có việc làm tại địa phương, số học sinh bỏ học cũng giảm đi nhiều.
Công tác phổ cập ở Bình Thạnh được phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Một học sinh nghỉ học hai ngày không phép là giáo viên chủ nhiệm cùng với giáo viên phổ cập đến tận nhà vận động các em ra lớp, đồng thời báo ngay ban chỉ đạo phổ cập xã. Ngay khi nhận thông tin từ phía nhà trường, ban chỉ đạo xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động học sinh bỏ học ra lớp. Bà Trương Thị Quý - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh cho biết: Trường hợp học sinh bỏ học do thiếu thốn đột xuất, Hội vận động tặng tập viết, áo quần, bảo hiểm y tế cho học sinh (hộ cận nghèo). Những việc làm thiết thực đó đã giúp không ít học sinh trở lại lớp.
Về kết quả công tác phổ cập, thầy Nguyễn Văn Tờ - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thạnh nhận xét: Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cấp ủy, chính quyền đã “chữa” đúng căn nguyên học sinh bỏ học, giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường.