 |
Chị Nguyễn Thị Lan. Ảnh: T.Hương |
Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Lan - một điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng giấy khen, vào một buổi chiều. Căn nhà nhỏ số 347 ấp 3, xã Thuận Điền (Giồng Trôm) tuy đơn giản nhưng khang trang, là tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan và anh Ngô Văn Bảy cùng ba người con ngoan, học giỏi, thành đạt, trong đó có hai người là thạc sĩ.
Sau ngày đất nước thống nhất, anh bộ đội Bảy xuất ngũ về quê với vết thương ở đầu và bụng, là bệnh binh, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tới 61%. Khâm phục và cảm thương trước hoàn cảnh mồ côi của anh, chị Lan đã dành tình cảm đặc biệt với anh từ lúc nào không biết. Năm 1978, hai người thành vợ thành chồng với nhau, rồi ba thành viên nhỏ lần lượt ra đời, kết quả của một tình yêu đẹp: Ngô Tấn Văn (sinh năm 1979), Ngô Tấn Phong (sinh năm 1981) và Ngô Thị Linh Phương (sinh năm 1982). Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai của chị. Anh Bảy thì sức khỏe yếu không thể làm được gì nặng, bác sĩ dặn không bao giờ để anh phải lo lắng suy nghĩ, vì vết thương ở đầu ảnh hưởng nặng đến thần kinh của anh. Thế là 5 miệng ăn, cùng tiền học hành của con, sinh hoạt trong nhà đều do chị một mình lo liệu, thu xếp. Sáng tinh mơ chị Lan đã dậy thật sớm, lo cơm nước nấu sẵn cho chồng và các con, rồi từ đó đến chiều tối, chị quần quật với công việc vườn tược. Là phụ nữ nhưng làm cỏ, tát mương, bồi đất, bẻ dừa,… chị đều làm thành thạo. Nhiều lúc nhà hết gạo, chị phải đội mưa đi chài, đi bắt cá, tép đem ra chợ bán để đổi gạo về ăn. Chị bùi ngùi hồi tưởng lại thời gian khó: “Thời đó ai cũng nghèo chứ không riêng gì tôi, tôi chỉ nghĩ mình đã là vợ, là mẹ thì phải ráng hết sức lo cho chồng, cho con”.
Không chỉ lo làm sao có bữa cơm ngon, manh áo lành cho chồng, cho con mà chị còn cùng chồng định hướng việc học hành của các con. Có ai ngờ được, hoàn cảnh nghèo khó, ba mẹ ít học lại có 3 con tốt nghiệp đại học và hơn thế nữa, trong đó có hai người tiếp tục học lên cao học, chuẩn bị học tiến sĩ. Kể về các con, ánh mắt chị lấp lánh niềm tự hào, chị nói: “Tôi học ít, chỉ đủ để biết đọc, biết viết thôi, nhưng tôi luôn tâm niệm dù cực khổ tới đâu vẫn phải cố gắng nuôi con ăn học đến cùng, cho đến khi nào tụi nó không học nổi nữa thì thôi”. Từ lớp 1 cho đến lớp 12, những buổi họp phụ huynh ở trường của ba đứa con chị đều đi dự dù trường gần hay xa. Chị không thể cùng các con giải những bài toán khó nhưng chị luôn thức cùng con để lo từng ly sữa, miếng bánh cho con ăn có sức học bài. Nhiều lần trong đêm khuya thanh vắng, chị nằm trăn trở, lo âu tiền đâu để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Tuy thuộc diện được miễn tiền học phí do ba là bệnh binh nhưng còn bao nhiêu thứ khác cần tiền, trong khi có mình chị là lao động chính. Nuôi một đứa con đã khó khăn, đằng này là ba đứa. Chị nhớ lại: “Thấy con đi học xa mà không có xe đạp, tôi nhịn ăn, nhịn mặc, bị bệnh cũng không dám đi trị, dành dụm tiền tới một năm rưỡi mới mua được một chiếc xe đạp cũ cho tụi nó đi học”. Thương mẹ, thương ba vất vả, các con của anh chị đều quyết tâm học thật giỏi, coi đó là món quà ý nghĩa nhất dành tặng đấng sinh thành. Con trai lớn Ngô Tấn Văn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện đang là cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre. Con trai thứ Ngô Tấn Phong, suốt 12 năm phổ thông đều là học sinh xuất sắc, đậu một lượt 2 trường đại học là Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Nông lâm, trong đó Trường Nông lâm với số điểm thủ khoa. Phong chọn theo học Trường Bách khoa. Suốt 4 năm học, Phong đều đạt loại giỏi, cuối khóa tốt nghiệp loại giỏi, được nhận huy chương vàng (mỗi khóa học chỉ trao cho một người). Phong được trường giữ lại làm giảng viên, dạy môn Địa kỹ thuật, thuộc Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí. Với tinh thần “học nữa học mãi”, Phong hoàn thành tiếp chương trình cao học, với tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi vào năm 2006. Không dừng lại ở đó, Phong đang khẩn trương chuẩn bị mọi thứ để ra nước ngoài học tiếp chương trình tiến sĩ.
Noi theo tấm gương sáng của anh mình, Ngô Thị Linh Phương – con gái út, cũng có thành tích học tập thật đáng gườm, không thua kém anh. Là một học sinh giỏi lớp chuyên sinh, Trường THPT Chuyên Bến Tre, Linh không làm gia đình, thầy cô và bạn bè thất vọng khi đậu điểm rất cao vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, ngành công nghệ sinh học. Năm 2006, Linh Phương tốt nghiệp đại học loại giỏi. Hiện nay, Phương là biên tập viên nhà xuất bản Giáo dục TP.HCM. Như anh Phong, Phương đã hoàn thành xong chương trình cao học vào hai năm sau đó.
Từ ngày chị Lan lên tỉnh dự Hội nghị điển hình tiên tiến với gương mẹ nghèo nuôi con thành đạt, chị đã trở thành người nổi tiếng. Bây giờ, đi đâu gặp người quen đều gọi chị bằng cái tên thân thương “Chị Lan ngày mai thành đạt”. Mỗi lần nghe mọi người gọi như vậy chị rất vui. Chị tâm sự cùng chúng tôi: “Cảnh nghèo khốn khó, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết cho ba đứa con ăn học chỉ để mong ngày sau chúng có cái nghề nuôi bản thân là một, giúp ích xã hội là hai”. Lo cho con, thương con đến nỗi chị đã biết mình bị túi mật có cặn kết thành sỏi một thời gian dài nhưng vì sợ tốn tiền, sợ chồng con lo lắng, chị không dám đi trị. Đến một hôm, chị đau quá đến ngất xỉu, phải nhập viện mổ, gia đình mới biết. Chị nói trong nước mắt nghẹn ngào: “Tụi thằng Phong, con Phương mỗi lần nhìn 12 cục sỏi lấy ra từ túi mật tôi thì chúng lại bảo đó là 12 hạt ngọc yêu thương mà tôi dành cho chúng”. Đó đúng là hạt ngọc của tình mẫu tử thiêng liêng.