Ðịnh hướng phát triển ngành công nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 - 2025

04/02/2021 - 13:40

BDK - Thời gian qua, tỉnh luôn xác định vai trò quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp (CN) chủ lực và có nhiều giải pháp ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư vào tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Định hướng giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN chế biến dừa, CN thủy sản, CN hỗ trợ, năng lượng và các ngành CN có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh.

Doanh nghiệp chế biến cá ba sa xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Doanh nghiệp chế biến cá ba sa xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Khai thác tiềm năng         

Tỉnh có tiềm năng thủy sản với khoảng 45 ngàn héc-ta nuôi trồng thủy sản, trong đó 11 ngàn héc-ta nuôi tôm biển CN và 2.115 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm trên 500 ngàn tấn. Bên cạnh đó còn có nguồn nguyên liệu dồi dào như: cá tra, nghêu.

Cây dừa đang phát huy tốt lợi thế kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, với diện tích khoảng 73 ngàn héc-ta. Việc chú trọng phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu là một lợi thế lớn đối với tỉnh. Cộng với lợi thế chiều dài 65km bờ biển, tỉnh được đánh giá rất có tiềm năng phát triển các loại năng lượng sạch (điện khí - điện khí hóa lỏng, điện gió, mặt trời) và việc các doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng đưa yếu tố khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển mạnh các ngành CN hỗ trợ để cung cấp cho các ngành CN cả nước, khắc phục tình trạng nhập khẩu.

Chính vì thế, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển CN chế biến dừa, thủy sản, CN hỗ trợ, năng lượng và các ngành CN có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên môn hóa cao, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất của các ngành CN chủ lực tăng bình quân từ 15,97%/năm, chiếm tỷ trọng 87,29% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của các ngành CN chủ lực tăng bình quân 38,92%/năm, chiếm 84,62% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đồng thời, phát triển được ít nhất 1.500MW điện tái tạo, giá trị sản xuất từ điện chiếm khoảng 15% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; chuẩn bị các điều kiện triển khai đầu tư Dự án điện khí hóa lỏng tại Bến Tre; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 110kV, 220kV kết nối địa bàn 3 huyện biển, đảm bảo giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo.

5 ngành công nghiệp chủ lực

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh định hướng các nhiệm vụ trọng tâm đối với từng ngành.

Ngành CN chế biến dừa: Tỉnh sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Đến năm 2025 có khoảng 50 sản phẩm sản xuất từ dừa được xuất khẩu sang thị trường các nước. Xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ, tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu; áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại trong quản lý và sản xuất. Quy hoạch, phát triển vùng trồng dừa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng để cung ứng nguyên liệu cho chế biến, trong đó tập trung phát triển diện tích dừa nguyên liệu hữu cơ đến năm 2025 đạt khoảng 30% diện tích, đến năm 2030 đạt khoảng 50% diện tích dừa của tỉnh. Tập trung đầu tư tốt cho công tác tuyển chọn, nhân giống dừa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, để cung ứng cho người dân và thị trường.

Xây dựng Bến Tre trở thành Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa của tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục xây dựng và phát triển hoàn thiện, đồng bộ chuỗi giá trị dừa; đa dạng hóa hình thức hợp tác liên kết chặt chẽ giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị, trong đó chủ lực là nông dân và DN; nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã phải xem là mắt xích quan trọng trong liên kết chuỗi giá trị.

Ngành CN chế biến thủy sản: Tỉnh tập trung quyết liệt công tác xúc tiến mời gọi các dự án đầu tư chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô lớn, công nghệ hiện đại, ưu tiên lĩnh vực chế biến tôm biển, hải sản đánh bắt và các ngành cơ khí, hậu cần nghề cá. Quy hoạch, phát triển vùng nuôi tôm tập trung công nghệ cao quy mô lớn, diện tích đến năm 2025 đạt từ 4 ngàn héc-ta; áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong khai thác, bảo quản hải sản đánh bắt, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phục vụ CN chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác tối đa chính sách ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… để mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chế biến.

Ngành CN hỗ trợ: Tỉnh sẽ tập trung phát triển CN hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu như CN hỗ trợ ngành dệt - may, da - giày, điện tử - tin học, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô và ngành CN hỗ trợ ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm. Nội địa hóa một số sản phẩm phụ trợ để thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao tính chủ động trong sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ phát triển các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển nhanh sản xuất; thu hút các DN đầu tư phát triển các sản phẩm CN hỗ trợ nhưng phải chọn lọc các dự án sạch, không ô nhiễm môi trường…

Ngành năng lượng: Tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió theo đúng tiến độ cam kết, phấn đấu đến năm 2025 có từ 1.500MW phát điện; xúc tiến quy trình bổ sung quy hoạch, tuyển chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện Dự án điện khí hóa lỏng; tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, trên mặt nước; nghiên cứu, phát triển hợp lý nguồn điện từ rác và sinh khối.

Ngành cơ khí, điện - điện tử: Tập trung vào sản xuất, chế tạo các phụ tùng, sửa chữa các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành CN chế biến tại các khu, cụm CN. Tập trung củng cố và kêu gọi đầu tư phát triển đồng bộ ngành  CN cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu cá.

Với việc dồn sức tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành CN chủ lực, trong thời gian tới, ngành CN sẽ đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất của các ngành CN chủ lực của tỉnh tăng bình quân 14%/năm, đến năm 2020, các ngành CN này chiếm tỷ trọng 44,9% so với giá trị sản xuất CN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu các ngành CN chủ lực tăng bình quân 10,74%/năm, đến năm 2020, các ngành CN chủ lực chiếm tỷ trọng 32,7% so với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

 Nguyễn Minh Cảnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích