“Lộc mai”

09/01/2011 - 16:40
Anh Lộc chăm sóc mai trước sân nhà.

Anh Lộc tâm sự: “Tôi bắt đầu thích mai từ lúc tuổi còn bé. Tết nào trong nhà tôi cũng có những nhánh mai to đẹp, nhiều nụ để chưng, lũ trẻ chúng tôi háo hức mong chờ ngày hoa mai nở. Sau Tết, hoa tàn làm cho tôi buồn và tiếc nuối. Khi lập gia đình, ra riêng, hễ có tiền là tôi mua mai về trồng. Khi lỡ có cây mai nào đó chết, tôi thấy bần thần cả người; mai nở sớm một chút là cả đêm tôi không sao ngủ được...”.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày Tết, tôi có dịp đến thăm vườn mai của anh Huỳnh Thiên Lộc, ở phường 7 (TP Bến Tre). Khi tôi đến, anh Lộc đang lúi húi lặt lá mai ở trước sân nhà. Anh bảo rằng, phải làm như thế mai mới nở đúng ngày mình muốn. Ai đã từng nhìn anh tỉ mỉ, nhẹ nhàng lặt từng lá mai, để lộ ra những nụ trấu li ti màu nâu đất, mới hiểu mai có vị trí quan trọng đối với anh như thế nào. Cả khu vườn nhà anh chỉ độc nhất có một loại cây, đó là mai. Hàng chục chậu mai đang chờ bàn tay anh nâng niu, tỉa uốn. Thật ra, hai phần ba số cây ở đây là do những người chơi mai khắp TP Bến Tre gởi, nhờ anh chăm sóc từ những tháng trước. Đó là những chậu mai đắt tiền, dáng đẹp, bỏ thì uổng, mà chăm sóc thì những người chủ của nó không biết cách hoặc không có thời gian. Theo anh, việc chăm sóc mai không phức tạp như một số người đã nghĩ; tuy nhiên không phải ai cũng làm được. Muốn mai nở đẹp và đúng dịp Tết thì phải canh lặt lá sao cho đúng ngày. Mà việc ấy lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, cũng như kinh nghiệm của người chăm sóc và cả tình yêu mai nữa.

Anh Lộc tâm sự: “Tôi bắt đầu thích mai từ lúc tuổi còn bé. Tết nào trong nhà tôi cũng có những nhánh mai to đẹp, nhiều nụ để chưng, lũ trẻ chúng tôi háo hức mong chờ ngày hoa mai nở. Sau Tết, hoa tàn làm cho tôi buồn và tiếc nuối. Khi lập gia đình, ra riêng, hễ có tiền là tôi mua mai về trồng. Khi lỡ có cây mai nào đó chết, tôi thấy bần thần cả người; mai nở sớm một chút là cả đêm tôi không sao ngủ được...”.

Những người chơi mai đều tin tưởng vào bàn tay chăm sóc của anh. Năm nào, sau Tết, cũng có người gởi mai cho anh chăm sóc, đó là những khách quen biết và hiểu anh nhiều. Có một vị khách tâm sự: “Thực ra, ở TP Bến Tre, số người nhận chăm sóc mai không phải là ít, nhưng tôi vẫn thích anh Lộc chăm sóc cho mai của tôi, vì chơi mai thì phải có lộc chứ!”. Vì vậy, anh em bạn bè thường gọi anh là “Lộc mai”. Theo anh Lộc, việc anh theo đuổi nghề chăm sóc mai không phải vì lợi nhuận, mà là tình yêu đối với hoa mai. “Được chăm sóc mai và tạo được niềm vui cho người khác là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Bởi, chăm sóc một cây mai trong khoảng thời gian 4-5 tháng chỉ được trả công 200-300 ngàn đồng, thì chưa phải là thu nhập” - Anh Lộc nói.

Dù cuối năm bận rộn với việc chuẩn bị trưng bày cây cảnh dịp Tết tại Nhà Bảo tàng tỉnh, nhưng khi được hỏi về mai, thì anh Lộc dành thời gian rất nhiều để nói hết sự đam mê của mình. “Tết thì rất bận rộn, nhưng tôi lại thấy rất vui, vì nhiều nhà có mai để chưng” -  “Lộc mai” tâm sự.

Bài, ảnh: T.Long

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN