Nhân sự kiện Bến Tre xuất khẩu lô hàng bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ

“Mã số vùng trồng” cho trái bưởi da xanh xuất khẩu

06/12/2022 - 10:04

BDK.VN - “Mã số vùng trồng (MSVT) là đặc biệt quan trọng đối với cả doanh nghiệp (DN), hộ nông dân và hợp tác xã (HTX). Bởi cho dù tuân thủ quy trình canh tác theo quy chuẩn của phía đối tác đưa ra nhưng khi họ đến kiểm tra, nếu vi phạm, dù ở một tiêu chuẩn nhỏ nào cũng sẽ không được cấp mã số, thì coi như hỏng”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Bưởi da xanh (BDX) Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

Mã số vùng trồng (hay còn gọi là mã “cos”) tổng hợp tất cả về truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác và thu hoạch.

Mã số vùng trồng (hay còn gọi là mã “code”) tổng hợp tất cả về truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác và thu hoạch.

Mã số vùng trồng

Với vai trò là người trực tiếp tham gia quản lý quy trình canh tác và cung cấp BDX đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cho Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, ông Nguyễn Quốc Bảo còn là một người làm khoa học (Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh). Với sự chia sẻ chân thành của ông, chúng tôi mới biết hết những khắt khe của thị trường khó tính này.

Trước khi giải thích cho chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh rằng, bà con nông dân trồng BDX tham gia vào quy trình canh tác theo quy chuẩn xuất khẩu mà đối tác Hoa Kỳ yêu cầu thì phải tuân thủ nghiêm ngặt, từng li từng tí, không thể xem nhẹ hay bỏ qua bất cứ một tiêu chuẩn nhỏ nào. Đã vào “cuộc chơi” thì phải theo quy định, chứ không thể “tự ý làm” là được. Trái quy trình, dù là nhỏ thôi là họ không cấp MSVT thì coi như bị loại ngay. Mọi công cán bao nhiêu đều “đổ sông, đổ bể”.

HTX BDX Bến Tre hiện có hơn 380 thành viên với nguồn vốn đóng góp của các thành viên hơn 600 triệu đồng. Hiện nay, HTX đã khảo sát và chọn được 40 hộ nông dân canh tác BDX với 20ha tham gia vào quy trình sản xuất sạch - an toàn - bền vững, đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu. “Để chuẩn bị cung cấp sản lượng BDX cho Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu xuất sang thị trường Hoa Kỳ trong chuyến đầu tiên vừa qua, HTX BDX Bến Tre đã rà soát, kiểm tra và chọn ra được 2 hộ tại xã An Khánh và Tam Phước, huyện Châu Thành, là đủ tiêu chuẩn. Điều này cũng cho chúng ta thấy “chính mình” cũng khắt khe”, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết.

MSVT (hay còn gọi là mã “code”) chứa đựng rất nhiều yếu tố thành phần. Mã số này tổng hợp tất cả về truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác và thu hoạch.

Đối với hộ nông dân, mã số này cung cấp đầy đủ thông tin về tọa độ vùng đất canh tác của hộ gia đình, giờ - ngày - tháng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phun xịt cho cây trồng với loại bệnh gì, diện tích canh tác và ước sản lượng thu hoạch. Riêng việc thu hoạch bưởi cũng phải tuân thủ nghiêm các quy  định như cắt trái xuống thì không được để dưới đất, phải để trên tấm bạt, phương tiện vận chuyển cũng phải “chuyên dùng”, đảm bảo sạch - an toàn.

 Đối với HTX, việc sơ chế ban đầu cũng phải theo quy trình, quy chuẩn đặt ra như nhà xưởng, phương tiện vận chuyển, bao bì, đóng gói... Khi đến kiểm tra, nếu thấy đạt chuẩn thì mới được cấp MSVT.

Đối với DN, ngoài việc được cấp MSVT khi đạt các yêu cầu kỹ thuật do phía đối tác quy định, còn phải tuân thủ nhiều quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước khi xuất đi và sẵn sàng chịu sự tổn thất nếu có “lỗi” xảy ra. Hai tiêu chuẩn quan trọng mà phía đối tác quan tâm hàng đầu là dư lượng thuốc BVTV - khi qua chiếu xạ, nếu vượt quá mức cho phép thì họ tiêu hủy toàn bộ lô hàng. Chi phí để tiêu hủy là do phía DN chịu tất cả. Thứ hai là không để trái bưởi “có mang mầm bệnh”. Khi phát hiện trên da trái bưởi có vết cắn hay có dấu hiệu của ổ trứng côn trùng thì họ cũng tiêu hủy ngay.

Thật ra, MSVT hiện nay cũng rất được các DN tại nước ta quan tâm khi cung cấp hàng nông sản vào các siêu thị lớn.

Những vấn đề cần lưu tâm

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX BDX Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, để trái BDX được xuất sang thị trường Hoa Kỳ là hết sức “gian khổ”. Chúng ta tự hào khi đại diện cho người trồng bưởi cả nước xuất khẩu được lô BDX đầu tiên này với nhãn hiệu Quốc gia “Made in Viet Nam”. Thiết nghĩ trong liên kết “4 nhà”: nhà nông - nhà DN - nhà khoa học - nhà nước, phải có tinh thần trách nhiệm cao, cùng đồng cảm và chia sẻ. Vì thế, trong công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào quy trình canh tác theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, việc phải tham gia vào tổ hợp tác, HTX…  cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là sự giám sát cộng đồng ở địa phương, vai trò và trách nhiệm của người tổ trưởng tổ hợp tác, chủ nhiệm HTX. DN chỉ thu mua BDX tại những nơi này vì sản lượng tập trung và kiểm soát được việc tuân thủ quy trình của bà con nông dân. DN là người tìm thị trường tiêu thụ cho bà con và họ cũng chịu nhiều rủi ro, tổn thất về kinh tế nếu việc cung cấp hàng hóa cho đối tác bị “lỗi”.

Tại vì sao nói thị trường Hoa kỳ “nghiêm ngặt và khắt khe” như thế? Bởi nếu việc kiểm tra, kiểm soát không nghiêm từ phía đối tác (đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu), khi xảy ra ngộ độc cho người tiêu dùng vì yếu tố dư lượng thuốc BVTV thì người tiêu dùng và các đơn vị bán lẻ (siêu thị và các shop hàng hóa) của nước sở tại sẽ khởi kiện và đòi đền bù tổn thất. Điều này sẽ dẫn tới thiệt hại về mặt kinh tế cho DN nhập khẩu. Riêng về DN xuất khẩu cũng sẽ bị DN ở nước sở tại khởi kiện và chịu sự đền bù. Về vết cắn hay phát hiện có ổ trứng côn trùng là bị loại ngay vì theo quy định của ngành chức năng ở nước sở tại. Họ rất sợ mầm bệnh phát tán, làm ảnh hưởng đến nền nông nghiệp của mình.

Tại sao thị trường Hoa Kỳ chỉ tiêu thụ BDX đạt từ 1 - 1,8kg mà không dưới hay trên. Điều này là do thói quen “ăn uống” của họ. Chẳng hạn, họ mua 2kg bưởi nhưng là họ mua 2  trái, họ xẻ ra ăn chỉ 1 lần, không hết là họ bỏ. Cho nên, đối với gia đình ít người, họ chỉ xẻ ăn 1 trái, còn trái kia để lại. Về giá bán, cách bán cũng khác, ví dụ từ 1 - 1,2kg là cùng một giá, từ 1,2 - 1,4kg là một giá, chứ không tính chi li số kg, gram rồi quy thành tiền như ở ta. Xét cho cùng, với việc phân loại, thu mua bưởi trọng lượng từ 1 - 1,8kg là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch - an toàn và bền vững.

Hiện nay, việc thu mua BDX cho bà con nhà vườn cũng không có sự “tuyển chọn” khắt khe mấy. Chẳng hạn, khi cắt bưởi, DN đã thông báo nhà vườn kích cỡ, nếu lỡ cắt sai, DN cũng phải chấp nhận lấy. Sau khi tuyển chọn lại, nếu những trái bưởi nào đạt chuẩn và chỉnh thì DN sẽ trả tiền thêm cho nhà vườn. Ví dụ như, trong 1 tấn bưởi thu mua - theo giá cả thị trường, sau khi DN tuyển chọn nếu có 400kg bưởi đạt chuẩn về mẫu mã, trọng lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì DN sẽ chi trả thêm cho bà con với giá cao hơn như đã thỏa thuận giữa DN với bà con nhà vườn trước đó. Điều này sẽ làm cho giá bưởi, nếu tính trung bình chung luôn cao hơn giá thị trường. Từ đó, sẽ kích thích bà con nhà vườn quan tâm hơn việc tuân thủ quy trình canh tác, đảm bảo sản xuất sạch - an toàn và gắn bó với DN.

Tôi đem câu chuyện của tôi ra kể rằng, khi biết thông tin BDX Bến Tre có mặt ở siêu thị và các shop hàng hóa trái cây ở Hoa Kỳ, bạn tôi (đang sinh sống tại đây) đã kiếm mua ăn. Bạn tôi hỏi thăm một số chủ shop bán trái cây, họ nói là có nhưng giá phân phối bán lẻ đến 26 USD/kg nên họ không lấy hàng về bán. Ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, đó là cách phân phối của họ. Vấn đề là nếu BDX của chúng ta được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận và có sức tiêu thụ tốt (tại các siêu thị) thì đây là tin vui của người trồng bưởi tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích