“Mong mọi người xung quanh cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời”

28/08/2013 - 07:48
Những buổi lao động cuối cùng của Hậu và Nghi trong trại giam.

Mỗi người một hoàn cảnh và phạm tội khác nhau nhưng những phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh năm nay đều có chung một tâm trạng: phấn khởi, háo hức và cảm giác như thời gian đang trôi thật chậm.

Chỉ vài ngày nữa được ra tù, sum họp với vợ con nên niềm vui luôn hiển hiện trên khuôn mặt phạm nhân Nguyễn Vĩnh Nghi (sinh năm 1972, nhà tại thị trấn Ba Tri). Trước đây, anh làm nghề lái xe tải, thu nhập khá ổn định nhưng lại mê cờ bạc. Năm 2009, anh bị tòa tuyên án chín tháng tù treo về tội đánh bạc. Chưa hết thời gian thử thách, anh lại gây tai nạn giao thông làm chết một người. Và bản án ba năm ba tháng tù giam là cái giá mà anh phải trả cho sự bất cẩn của mình. Hơn hai năm thụ án là khoảng thời gian anh luôn cảm thấy day dứt khi trách nhiệm làm chồng, làm cha không tròn. Anh tâm sự: “Mỗi lần nghĩ đến vợ con tôi lại thấy mình có lỗi. Không lo được cho vợ con đã đành, tội nhất là đứa con gái vì tôi mà phải mặc cảm với bạn bè”. Sự khao khát được bù đắp những mất mát cho vợ, con đã thôi thúc anh không ngừng phấn đấu lao động và cải tạo cho thật tốt để ngày trở về bên mái ấm gia đình được sớm hơn. Những nỗ lực của anh đã được ghi nhận xứng đáng bằng một lần giảm án và được đề nghị xét đặc xá trong đợt này. Anh chia sẻ: “Bây giờ, chỉ nghĩ đến bữa cơm đoàn tụ gia đình và mỗi ngày được đưa đón con gái đến trường là lòng tôi đã vui sướng đến không ngủ được”.

Cũng giống như những phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá lần này, Nguyễn Trung Hậu (sinh năm 1992, nhà ở xã Nhuận Phú Tân, Mỏ Cày Bắc) tỏ ra rất vui vẻ, phấn khởi. Ngoài niềm vui sắp đoàn tụ với gia đình, Hậu còn cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều sau hai năm cải tạo. Bản tính hung hăng nay đã không còn và điều quan trọng hơn là Hậu đã cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Sinh ra trong một gia đình đông con, cha mẹ suốt ngày quần quật tìm kế sinh nhai, ít có thời gian quan tâm, giáo dục con cái, nên từ nhỏ Hậu chỉ biết chơi bời lêu lổng mà chẳng lo chuyện học hành. Học lực ngày càng sa sút, cuối cùng Hậu đã chấm dứt con đường học vấn của mình khi vừa học hết lớp chín. Nghỉ học, Hậu theo một người bạn lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Trong một lần về quê chơi, Hậu nhìn thấy nhóm thanh niên trước đây từng đánh mình nên cùng hai người bạn xông vào đánh; hậu quả làm một thanh niên bị thương tật 30%. Trả giá cho hành động côn đồ của mình, Hậu phải nhận mức án ba năm tù giam. Cha mẹ Hậu đều đã bước qua tuổi 60, kinh tế gia đình lại eo hẹp nhưng hàng tháng vẫn dành thời gian đến thăm Hậu. Mỗi lần như vậy, ông bà đều chuẩn bị sẵn vài món ăn mà Hậu ưa thích cùng những lời an ủi, động viên. Bấy nhiêu đó cũng đủ để Hậu dần cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Những ngày này, Hậu chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh để được sum họp với gia đình, được làm tròn bổn phận của một đứa con mà hơn hai mươi năm qua anh không có cơ hội. Hậu ngậm ngùi: “Sức khỏe cha mẹ tôi nay đã yếu đi nhiều. Ra tù, tôi muốn tìm một công việc ở gần nhà để được gần gũi và chăm sóc cha mẹ. Tôi chỉ mong mọi người xung quanh cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời”.

Chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước là động lực để những người từng có quá khứ lầm lỗi phấn đấu cải sửa bản thân, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội. Điều mong mỏi của hầu hết phạm nhân sau khi ra tù là được sự đón nhận của gia đình, xã hội và có một công việc để ổn định cuộc sống.

Niềm vui của những phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá cũng chính là động lực để những người còn lại tiếp tục phấn đấu, nỗ lực. Lãnh án ba năm tù về tội trộm cắp tài sản, phạm nhân Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1989, nhà ở xã Mỹ Hưng, Thạnh Phú) đang rất tích cực lao động, học tập, cải tạo với mong muốn niềm vui đặc xá sẽ sớm đến với mình. Trước đây, Tùng chỉ biết sống cho bản thân mình, ham mê cờ bạc, sinh ra nợ nần rồi đi đến con đường phạm tội. Trong thời gian thụ án, sự quan tâm, giáo dục của cán bộ quản giáo cùng với tình yêu thương và tấm lòng bao dung của cha mẹ đã giúp Tùng nhận ra nhiều điều hay lẽ phải. Anh chia sẻ: “Bây giờ, tôi mới thấy thương cha mẹ. Tôi rất ân hận vì cuộc sống vô nghĩa trong thời gian qua. Tôi rất mong sớm ngày trở về để bắt đầu cuộc sống mới có ích hơn”.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN