Hội quán Nuôi tôm 2 giai đoạn

“Ngôi nhà chung” của nuôi tôm công nghệ cao

15/06/2020 - 07:07

BDK - Trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020, khi nhiều ao nuôi phải hứng chịu các ảnh hưởng mặn khiến tôm chết hàng loạt thì các ao nuôi trải bạt sử dụng công nghệ cao (CNC) 2, 3 giai đoạn lại không bị ảnh hưởng bởi tình trạng trên.

Thu hoạch  mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Thu hoạch  mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Thiệt hại do mặn

Đến cuối tháng 5-2020, nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà. Một số huyện biển đã có báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại trên tôm nuôi.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, những tháng đầu năm 2020, toàn huyện có 129ha (diện tích mặt nước nuôi tôm) bị thiệt hại, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những nguyên nhân là do xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến môi trường nước bị thay đổi, gây áp lực lên hệ miễn dịch của con tôm. Xâm nhập mặn cũng khiến nhiều hộ nuôi tôm e ngại, chậm thả giống. Tại huyện Ba Tri, diện tích thả tôm giống giảm khoảng 400ha so với cùng kỳ năm 2019.

Xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng tại huyện Thạnh Phú khiến hơn 2,3 ngàn ha (tương đương 70%) diện tích thả giống tôm càng xanh bị thiệt hại; 3,5 ngàn ha tôm quảng canh bị ảnh hưởng bởi mặn và nắng nóng; trong đó, có gần 2 ngàn ha bị thiệt hại.

Được biết, độ mặn thích hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng là từ 5 - 15ppt (ppt là đơn vị đo mật độ), vượt khỏi ngưỡng này làm quá trình trao đổi chất của tôm bị xáo trộn, đặc biệt ảnh hưởng đến chu kỳ lột vỏ của tôm. Trong khi đó, nắng nóng thường đi kèm với hạn mặn làm hệ vi sinh có hại trong ao nuôi phát triển mạnh, tôm nuôi dễ mắc bệnh như đốm trắng, đầu vàng, phát sáng và EMS/AHPND.

An toàn nhờ công nghệ cao

Trước thiệt hại trên tôm nuôi diễn ra ở 3 huyện biển, ngành nông nghiệp các huyện đã đúc kết rằng, có một bộ phận nhỏ những người nuôi tôm CNC 2, 3 giai đoạn không bị ảnh hưởng do mặn, tỷ lệ tôm sống cao đến hơn 80%, ít rủi ro. Tại huyện Bình Đại, những hộ nuôi tôm CNC gần như không bị thiệt hại do ảnh hưởng mặn. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 130 hộ nuôi với 400ha nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn, tập trung ở các xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận.

Tôm được vận chuyển từ ao này sang ao nuôi khác ở từng giai đoạn nuôi.

Tôm được vận chuyển từ ao này sang ao nuôi khác ở từng giai đoạn nuôi.

Tại hội nghị giải pháp phát triển thủy sản năm 2020 diễn ra tháng 5-2020, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhận định, huyện Bình Đại phát triển mạnh phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng CNC là nhờ có Hội quán nuôi tôm 2 giai đoạn.          

Hội quán nuôi tôm 2 giai đoạn ở huyện Bình Đại thành lập vào tháng 11-2018, ban đầu có 45 thành viên và Ban Chủ nhiệm 6 thành viên. Ông Lê Văn La - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Đại) - Hội trưởng hội quán chia sẻ: Hội quán sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, nội dung chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Cụ thể, các thành viên thảo luận, trao đổi cách làm ao, xử lý ao nuôi có hiệu quả, gắn với cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm; trao đổi những mô hình mới bằng cách tổ chức tập huấn, đi tham quan thực tế.

Anh Trần Văn Bắc - thành viên hội quán tâm đắc mô hình nuôi tôm CNC. Anh cho rằng, trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến khó lường, thì nuôi tôm 2, 3 giai đoạn cho hiệu quả cao đến hơn 80%. Người nuôi không sợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nắng gắt. “Khi tham gia hội quán, chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình giá cả thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xử lý khi tôm bệnh, thông tin thương lái có uy tín… Vì hiện đa số người nuôi ở huyện chỉ bán qua thương lái chứ chưa ký được hợp đồng ổn định với đơn vị nào”, anh Trần Văn Bắc cho biết.

Anh Bắc cũng đang phát triển nuôi tôm CNC lên 3, 4 giai đoạn, do tôm size lớn 25 con/kg có giá 130 ngàn đồng/kg; năng suất cao, với 100 ngàn tôm giống khi nuôi 3, 4 giai đoạn, tôm đạt 20 con/kg, sản lượng đạt trên 4 tấn.

Theo ông Lê Văn La, trong năm 2020, hội quán đề ra mục tiêu giữ vững hoạt động, tập trung tuyên truyền để nâng cao chất lượng hoạt động; vận động hội viên nâng cao nhận thức trong chuyển đổi sản xuất đảm bảo tôm sạch. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hỗ trợ các hộ nuôi tôm CNC phát triển kinh tế gia đình nói riêng và phát triển kinh tế huyện Bình Đại nói chung.

Báo cáo kết quả hoạt động thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 của Chi cục Thủy sản ghi nhận: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC ngày càng được người dân quan tâm và cải tiến. Từ mô hình lót bạt, nuôi 2, 3 giai đoạn trong ao đến việc sử dụng bể tròn, bể nổi bước đầu kiểm soát tốt môi trường nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Tôm nuôi đạt kích cỡ lớn, sản lượng lớn mang lại lợi nhuận cao cho người dân”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích