“Nhà giáo ưu tú” một danh hiệu cao quý

19/11/2012 - 07:44

Hai giáo viên được vinh danh Nhà giáo ưu tú là cô Nguyễn Thị Tuyết Mai và thầy Trần Thanh Liêm, giáo viên Trường THPT Chuyên Bến Tre, với gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai: Hết lòng vì học sinh

Về Trường THPT Chuyên Bến Tre vào những ngày đầu tháng 11, chúng ta mới cảm nhận được không khí học tập hăng say của các em học sinh nhằm đạt nhiều thành tích chào mừng Ngày hiến chương Nhà giáo 20-11. Được sự giới thiệu của Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi tìm thăm cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổ trưởng tổ Sử, giáo viên dạy chuyên Lịch sử, đã có 27 năm cống hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với cô Tuyết Mai là một nụ cười hiền, một giọng nói nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Cô Mai chia sẻ, được vinh danh Nhà giáo ưu tú đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là một vinh dự lớn không chỉ đối với bản thân cô mà còn là niềm vui cho cả tập thể giáo viên nhà trường. Với danh hiệu này, cô càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Đảng và Nhà nước ban tặng. Sau niềm vui khôn tả ấy, cô Tuyết Mai kể về sự thăng trầm của đời giáo viên với bao kỷ niệm vui buồn.

Cô Tuyết Mai bên trang giáo án.

Cô sinh ra trong một gia đình thuần nông trên quê hương Cai Lậy (Tiền Giang). Ba mẹ, anh em cô đều làm nông, vì vậy mẹ cô luôn ao ước có một người con theo nghề sư phạm. Cô thì lại rất yêu mẹ nên không biết tự lúc nào cô cũng yêu nghề sư phạm. Cô tâm sự: “Thời cô, nghề giáo viên ít ai theo vì nghĩ rằng nhất y, nhì dược tạm được bách khoa, vậy mà cô lại đi sư phạm”. Sau khi ra trường, cô nhận nhiệm sở vào tháng 11-1985, với vô vàn khó khăn, đồng lương ít ỏi đôi lúc làm cô nản chí muốn bỏ nghề. Nhưng rồi nghề dạy nghề, cô không muốn phụ lòng mẹ và cô cũng sống được với nghề sư phạm cho đến hôm nay.

Với cô, niềm vui lớn nhất, thành công nhất của giáo viên là nhìn học trò thành đạt. Trong những năm dạy tại trường Chuyên, cô bồi dưỡng rất nhiều học sinh đạt giải quốc gia trong đó có một giải nhất quốc gia môn Lịch sử năm học 2011-2012, giải thủ khoa và là giải vàng vì không có sự hỗ trợ của giáo viên bên ngoài mà chủ yếu là nhờ giáo viên tại trường bồi dưỡng, (giải thưởng này đã được vinh danh tại Lăng miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)). Tâm sự về thành tích của mình, cô chỉ cười và cho rằng, đây không phải là thành tích của riêng bản thân cô mà là thành tích của học sinh cũng như của tập thể giáo viên nhà trường. Theo cô Tuyết Mai, điều cần có đầu tiên của người giáo viên là “tâm”, phải có tâm đối với học sinh, có tâm với nghề và tâm với bạn bè đồng nghiệp. Những trường hợp học sinh trong trường khó khăn, cô thường đứng ra vận động giáo viên giúp đỡ để phần nào hỗ trợ chi phí học tập cho các em. Bởi học sinh giỏi đa số là học sinh nghèo, chính vì thế những lớp cô dạy gọi cô thân thương bằng 2 tiếng “má Mai”. Đối với những giáo viên mới ra trường, cô lại tận tình hướng dẫn không giấu kinh nghiệm giảng dạy, chẳng những thế khi giáo viên trường khác đến cô vẫn hỗ trợ. Trong cuộc sống đời thường, cô luôn xây dựng và tự rèn luyện cho mình một phong cách đạo đức mẫu mực. Mẫu mực cả trong giao tiếp, trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Niềm vinh dự và là nguồn động viên lớn nhất đối với cô Tuyết Mai là hiện nay có 2 học trò theo chuyên ngành Sử, trong đó có một em theo ngành sư phạm Sử. Vậy là cô đã có người nối nghiệp.

Thầy Trần Thanh Liêm phấn đấu suốt đời vì sự nghiệp giáo dục

Câu nói đầu tiên thầy Thanh Liêm cho chúng tôi biết là “thầy cũng có nhiều điểm tương đồng với cô Tuyết Mai nhưng khác ở chỗ là thầy đã có 29 năm trong nghề rồi”.

Thầy Liêm được sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là giáo viên, có lẽ nhờ vậy mà ngay từ nhỏ, thầy đã có khuynh hướng theo nghề sư phạm. Thầy Liêm tâm sự: “Lúc nhỏ, thầy học giỏi các môn tự nhiên, rồi nhờ các giáo viên dạy toán đã phát huy được tính tự học, tự sáng tạo của thầy mà thầy lại yêu môn Toán và theo nghề sư phạm Toán”. Sau khi tốt nghiệp, thầy dạy khoảng 10 năm tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, rồi chuyển về Trường THPT Chuyên Bến Tre từ những năm 1991. “Có thể nói đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của đời giáo viên. Khi đó, trường lớp không có, phải ở tạm trường Bồ Đề, thiếu thốn mọi thứ. Lớp dạy thì mái tol sát tường, cả thầy và trò mồ hôi nhễ nhại, thầy cảm thấy nản chí nhưng học trò lúc đó lại học say mê, điều này làm thầy cuốn hút theo và không biết từ khi nào thầy không thể xa các em Trường THPT Chuyên” - Thầy Liêm cười và chia sẻ. Sau khi về trường được vài năm thầy được lên Tổ trưởng tổ Toán, nhà trường giao thầy thiết kế chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi toán, vì mấy năm liền học sinh trường Chuyên không đạt giải quốc gia nào. Thầy Liêm tâm sự, khi thầy thiết kế xong chương trình dạy được 2 năm thì bắt đầu đạt giải. Năm đầu tiên đạt 2 giải ba, rồi những năm kế tiếp mỗi năm mỗi đạt giải, có khi chỉ là giải khuyến khích. Nhưng đến năm học 2003-2004, năm đầu tiên Trường THPT Chuyên Bến Tre có học sinh chuyên Toán đạt giải nhất quốc gia, đó là niềm vui, là niềm vinh dự lớn không chỉ của thầy mà còn của tập thể sư phạm nhà trường.

Thầy Liêm đang nghiên cứu tư liệu trong thư viện trường.

Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của mình, học trò của thầy đã có 1 giải nhất quốc gia, 5 giải nhì, 15 giải ba và 10 giải khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học của lớp Chuyên Toán luôn đạt từ 95 đến 100%, đặc biệt là có năm lớp chuyên Toán của thầy có đến 3 học sinh thi đỗ thủ khoa đại học. Kể về thành tích, thầy Liêm lại cười: “Để có một giải quốc gia, điều đầu tiên là bản thân học sinh phấn đấu rèn luyện, giáo viên trong tổ hỗ trợ, ban giám hiệu nhà trường động viên, như vậy đâu phải là thành tích của riêng thầy”.

Theo cô Tuyết Mai, thầy Liêm có một sự phấn đấu cật lực, bởi Toán là môn học tự nhiên, phương pháp và cách thức giảng giải biến hóa khôn lường nhưng thầy lại miệt mài tìm tòi nghiên cứu và dạy rất thành công. Ở thầy Liêm, có một nét đáng quý là rất quan tâm người khác, không cần giấy tờ, chứng cớ gì, mà chỉ cần mọi người lên tiếng “có người khó khăn” là thầy hết lòng giúp đỡ. Thầy xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tiêu chí khó nhất và quan trọng nhất trong danh hiệu nhà giáo ưu tú là phải đạt giải “Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức 2 năm một lần. Trong đó, thầy Thanh Liêm tham gia hội thi và đã ba lần đạt giải; cô Tuyết Mai tham gia và có hai lần đạt giải.  

Bài, ảnh: Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN