Ông Ba Sấm (thứ 3 từ phải sang) cùng với các nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú và đội ngũ kỹ sư đồng hành cùng người nuôi tôm trên địa bàn huyện.
Một trong những người nuôi tôm biển đầu tiên ở huyện
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn khá khiêm tốn so với cả nước, nhưng cũng không khó để tìm gặp những nông dân tỷ phú với lợi nhuận từ 3 tỷ đồng mỗi năm trở lên. Đây cũng là một trong những điều kiện cơ bản để Trung ương hội bình xét “Nông dân Việt Nam xuất sắc” hàng năm. Từ khi phát triển kinh tế hướng Đông, mô hình nuôi tôm CNC được tập trung nhân rộng. Bến Tre ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú hơn, với lợi nhuận lên đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2006, thời điểm này người dân các xã biển còn mãi loay hoay, đời sống kinh tế rất khó khăn, thậm chí có người bỏ quê lên phố để làm thuê. Ông Lê Văn Sấm (Ba Sấm) là một trong số ít người mở màn cho phong trào nuôi tôm biển và việc may mắn trúng liên tục nhiều vụ tôm đã tạo lan tỏa, nhân rộng nghề nuôi tôm ở các xã biển của huyện Thạnh Phú.
Giai đoạn 2012 - 2015, ông Ba Sấm gặp thất bại do lúc này phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, việc xử lý ao nuôi, nước thải chưa được chú trọng nên gây ô nhiễm môi trường nuôi. Không từ bỏ nghề nuôi, nhưng thời gian này ông chậm lại để tìm giải pháp duy trì nghề nuôi tôm biển. Tiếp cận mô hình nuôi tôm theo hướng CNC tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam giới thiệu, ông về thử nghiệm thay thế cho mô hình nuôi truyền thống trên ao đất. Lần đầu thử nghiệm 1 ao, đã thu về lợi nhuận bất ngờ. Sau đó, ông mở rộng các ao nuôi CNC.
Theo ông Ba Sấm, ao nuôi truyền thống là ao lớn, đáy đất và chỉ có một ao nuôi tôm từ nhỏ đến khi thu hoạch. Nuôi tôm theo hướng CNC là xây dựng khu nuôi, gồm: Ao nuôi tôm post (tôm ương), ao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; ao lắng… Mỗi ha có thể đầu tư 3 ao nuôi, 1 ao ương giống, chi phí đầu tư từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng. So với mô hình truyền thống, chi phí nuôi CNC sẽ cao hơn rất nhiều lần nhưng hiệu quả mang lại cao hơn, thu lãi về ngay từ vụ đầu tiên và phát triển bền vững. Đó là yếu tố quyết định để ông duy trì nghề nuôi tôm biển và thành công đến hôm nay.
Thành công lớn từ nuôi tôm công nghệ cao
Còn nhớ lần đầu khi tôi đến thăm mô hình của ông là vào năm 2017, ông đã phát triển 4 khu nuôi CNC, với 25 ao, tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, tổng diện tích 30ha. Năng suất đạt trung bình 8 tấn/ao, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/ao/vụ. Có ao năng suất lên đến hơn 9 tấn/ao/vụ. Cũng thời điểm này, toàn xã Thạnh Hải, có 171ha nuôi tôm thâm canh. Trong đó, có 30ha nuôi tôm 2 giai đoạn.
Lần thứ hai vào năm 2021, là dịp ông Ba đang thu hoạch tôm nuôi 3 giai đoạn. Lúc này, ông có thể nuôi tôm lớn về size đạt 24 con/kg. “Người nuôi phải đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và các ao lắng. Đáy ao lót bạt, thay nước thường xuyên, tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển. Nguồn nước trước khi đưa vào ao hoặc thải ra đều phải qua xử lý. Đồng thời, tách ao theo các giai đoạn. Giai đoạn 1 là tôm post; giai đoạn 2 là sau 24 ngày, chuyển qua các ao nuôi; giai đoạn 3 là khi tôm đạt size dưới 100 con/kg sẽ tiếp tục chia nhỏ ra các ao thương phẩm…”, ông Ba Sấm kể. Với thành công liên tục, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên 40ha, trở thành một trong những nông dân tỷ phú có diện tích nuôi tôm CNC lớn nhất huyện Thạnh Phú nói riêng và cả ba huyện biển trong tỉnh nói chung từ năm 2021.
Gặp lại người nông dân này nhân dịp sinh hoạt lệ kỳ Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú lần thứ VI, vào đầu tháng 8-2023, ông phấn khởi chia sẻ: Hiện ông đã có 60 ao nuôi. Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm CNC, ông nói: “Thực trạng năm 2023 là giá tôm rớt thấp, có thể nói chạm đáy. Điều lạ so với mọi năm là tôm size lớn có giá rất thấp, trong khi tôm size vừa có giá hơn. Do đó, phải linh hoạt thay đổi cách nuôi. Đó là giữ ao nuôi mật độ dày hơn để vừa tăng sản lượng, vừa giữ size tôm ở mức giá bán hợp lý để người nuôi có lợi nhuận tốt nhất. Nhờ vậy, dù giá tôm trên thị trường thấp hơn mọi năm, lợi nhuận trên mỗi kg tôm giảm nhưng vẫn có lợi nhuận trên từng ao nuôi là khá tốt”.
Theo ông, những tháng đầu năm 2023, các ao nuôi trúng rất đều. Sản lượng đến thời điểm này đạt 500 tấn, cầm chắc lợi nhuận trên 20 tỷ đồng là điều may mắn. Nhưng điều cốt lõi, cùng với sự may mắn đó là ông phải nghiêm ngặt quy trình nuôi, quản lý chặt chẽ môi trường nuôi, kiểm soát tốt nguồn thức ăn và giống tôm bố mẹ.
Kết thúc vụ này, ông Ba Sấm đang tiếp tục bước vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của vụ nuôi thứ hai và cũng là vụ nuôi chính trong năm, sẽ thu hoạch vào những tháng cuối năm 2023. Từ những thắng lợi liên tiếp từ năm 2017 đến nay, ông tự tin dự báo sẽ tiếp tục thành công trong vụ thu hoạch tôm CNC vào cuối năm 2023.
Từ thành công của người nông dân tỷ phú trong nuôi tôm CNC đã khẳng định: Nuôi tôm theo mô hình CNC là giải pháp phát triển ngành nuôi tôm bền vững, giúp người nông dân có thể làm giàu ngay trên vùng quê biển. Đây còn là niềm tự hào của nông dân Bến Tre so với người làm nông trong cả nước hiện nay. Bởi, từ tấm gương nông dân Ba Sấm, hình ảnh người nông dân Bến Tre đã từng bước đột phá vươn lên dẫn đầu ở phạm vi khu vực và cả nước. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc