“Thân cò” lặn lội nuôi con thành tài

14/10/2011 - 05:57

Ở xứ dừa, có rất nhiều tấm gương học trò vượt khó để đến trường, nhiều gia đình dù rất khó khăn vẫn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Chuyện của chị Nguyễn Thị Tho, ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) một mình nuôi 3 người con ăn học thành tài là một điển hình.

 

“Thân cò” lặn lội

Lấy nhau chưa lâu thì chồng mất. Hơn 30 năm về trước, chị Tho - người phụ nữ 31 tuổi xuân ngày ấy như cánh cò liêu xiêu trước gió bão cuộc đời. Từ đó, chị phải gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ dại, con trai lớn tròm trèm 8 tuổi, con trai giữa mới 4 tuổi đầu, còn con gái út vừa sinh được vài tháng. Trong tay chị khi ấy, tài sản quý giá nhất chính là những đứa con. Người mẹ già của chị dù cũng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn dang rộng vòng tay đón chị về cùng nhau nương tựa. Chị được bà con lối xóm thương mến, giúp đỡ rất nhiều khi thấy tình cảnh quá khó khăn, dù rằng, chính họ cũng chẳng mấy dư dả.

Bằng nghị lực của chính mình, chị đã cố gắng xoay sở, ra sức lao động để kiếm tiền, chắt chiu từng đồng, quyết tâm nuôi con ăn học. Tuy là phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng chị chẳng nề hà vất vả, làm bằng nhiều nghề như: tráng bánh gia công, làm công cho lò đường, làm cỏ mướn... Càng khó khăn, vất vả chị lại nhủ lòng phải cố vươn lên: “Phải quyết tâm, dù sức tàn lực kiệt, nhất định phải lo cho các con ăn học đến cùng”.

Đất cằn nở hoa thơm

Theo năm tháng, từ sự tảo tần và tình yêu thương vô bờ của chị, những đứa con bé bỏng dần trưởng thành. Đáp lại sự hy sinh ấy, những đứa con đã không làm chị thất vọng vì biết chịu khó, hiếu thảo và chăm học. Với chị, đó là hạnh phúc không gì so sánh được. Khi đứa con trai lớn (Nguyễn Ngọc Phúc - sinh năm 1972) đậu vào Trường Đại học Ngoại Thương TP.Hồ Chí Minh (năm 1991), chị đã nhờ một người bạn giới thiệu lên TP.Hồ Chí Minh làm công để có điều kiện gần gũi, chăm sóc con. Để đỡ đần cho mẹ, Phúc đã tìm việc làm thêm ngoài giờ học như: làm “phu xe” ba gác chở đồ thuê, làm gia sư kiếm tiền trang trải việc học. Vượt qua những tháng ngày gian truân, anh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá giỏi và làm việc tại Công ty Cấp thoát nước (TP.Hồ Chí Minh). Không dừng lại, anh tiếp tục học thêm Đại học Ngoại ngữ (hệ vừa học vừa làm). Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, cậu sinh viên “phu xe” ba gác thuê ngày nào giờ đã trưởng thành, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vạn Phúc Hưng (chuyên đầu tư xây dựng khu công nghiệp và khai thác khoáng sản TP.Hồ Chí Minh).

Cũng là đứa con hiếu học và biết thương mẹ, người con trai thứ của chị (Nguyễn Ngọc Phương - sinh năm 1977) đã thi đỗ vào Trường Đại học Xây dựng TP.Hồ Chí Minh. Bằng sự cưu mang của mẹ và sự giúp sức của người anh cả, Phương cũng đã hoàn thành tốt khóa học và ra trường. Hiện Phương là kỹ sư - Giám đốc Xí nghiệp 2 Công trình Quản lý giao thông TP.Hồ Chí Minh. Còn cô con gái út (Nguyễn Thị Ngọc Phượng - sinh năm 1979) luôn là học sinh giỏi ở những năm tháng ngồi ghế trường phổ thông và đã thi đỗ vào Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phượng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre và hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế Quận 5 - TP.Hồ Chí Minh.

Thành tài - hướng về quê hương

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi con ăn học thành tài, chị Tho còn uốn nắn con thành người nhân hậu, biết sống yêu thương, chia sẻ, hướng lòng về quê hương và những người nghèo khó. Gia đình chị hiện không chỉ là hội viên mà còn là một trong những mạnh thường quân của Hội Khuyến học xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm).

Thầy giáo hưu trí Nguyễn Duy Trảng - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mỹ Thạnh cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị Tho (chị và gia đình nhỏ của các con) đã có những đóng góp tích cực, giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường và ủng hộ nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác của địa phương. Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Phúc đã ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng đền thờ liệt sĩ xã Mỹ Thạnh, hỗ trợ kinh phí cho Hội Khuyến học huyện Giồng Trôm tổ chức chương trình Thắp sáng ước mơ và trao tặng 15 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi (tổng trị giá 20 triệu đồng). Không chỉ là mạnh thường quân ở quê nhà, Phúc còn thường xuyên hỗ trợ gạo, tiền cho Làng cô nhi Long Thành (Đồng Nai). Cũng là người có tấm lòng nhân ái, Nguyễn Ngọc Phương đã xây tặng 1 nhà tình thương cho hộ nghèo, hỗ trợ đổ bê-tông đoạn đường dài khoảng 2km ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh. Tính đến nay, Phương đã trao tặng hơn 4 ngàn quyển tập cho Hội Khuyến học xã và đã giúp đỡ gần 5 tấn gạo cho bà con nghèo trong xã. Nguyễn Thị Ngọc Phượng tuy đang nuôi con nhỏ nhưng cũng rất sẵn lòng ủng hộ Hội Khuyến học và đã gửi tặng hơn 3 ngàn quyển tập cho học sinh khó khăn nơi quê nhà.

* * *

Bước qua tuổi 60, chị Tho đã được hưởng sự thanh thản, mãn nguyện khi các con đã thành đạt và lập gia đình. Chị tâm sự, “dù vậy, nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở con, cháu phải biết quý trọng sự học, vì chỉ có học mới giúp ta thoát nghèo khổ. Phấn đấu để thành đạt thôi là chưa đủ mà tôi luôn khuyên các con mình phải sống có tấm lòng, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những em học sinh nghèo hiếu học, làm sao để giúp các em đi hết con đường học vấn”. Tinh thần hiếu học của gia đình chị Tho thật đáng được tôn vinh.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN