“Truyền cảm hứng” phát triển kinh tế hợp tác cho nông dân

20/07/2018 - 07:36

Phát triển kinh tế hợp tác theo hình thức hợp tác xã (HTX) kiểu mới để tạo quy mô sản xuất, tập trung sản lượng, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đáp ứng theo yêu cầu thị trường hàng hóa. Liên tiếp các cuộc họp bàn giải pháp phát triển HTX trong 2 năm qua, lãnh đạo tỉnh đã truyền tải thông điệp với quan điểm thống nhất rằng: dứt khoát phải phát triển kinh tế hợp tác thông qua mô hình HTX. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cũng đã lặp đi lặp lại trong các cuộc làm việc về kinh tế hợp tác rằng: “Nếu không liên kết lại thì sẽ chết”.

Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi (Châu Thành) đang hướng đến thành lập hợp tác xã. Ảnh: Cẩm Trúc

Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi (Châu Thành) đang hướng đến thành lập hợp tác xã. Ảnh: Cẩm Trúc

Vấn đề về nhận thức

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung luôn rơi vào tình trạng khủng hoảng. Người nông dân rơi vào bấp bênh do điệp khúc được mùa mất giá hoặc được giá thì mất mùa. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân vẫn khư khư giữ lấy tư duy và thói quen cũ là tự làm riêng lẻ trên mảnh đất nhỏ lẻ của họ.

Trong những chuyến đi về các địa phương để thăm dò suy nghĩ, nhận thức của người dân, chúng tôi được nghe ý kiến của nhiều người. Người “ngấp nghé” ngoài “cánh cửa” HTX cho hay là chờ đợi HTX hoạt động thế nào vì còn tâm lý sợ vào HTX. Đợi khi HTX có ăn nên làm ra thì họ mới mạnh dạn tham gia. Một số cho rằng vào HTX không ích lợi gì. Một số đang là thành viên HTX thì vẫn còn thụ động, trông chờ chính sách. Một số khác thì cho rằng tỉnh cần có những HTX hoạt động hiệu quả để tạo niềm tin cho người dân tin tưởng, học tập và nhân rộng.

Điều này cho thấy, khi nhận thức, niềm tin và năng lực của người nông dân còn hạn chế thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cũng như hiệu quả hoạt động thực chất của các ban quản trị, giám đốc HTX ngay từ ban đầu.

Thế nhưng, một giám đốc HTX ở Thạnh Phú đã kể ra câu chuyện có thật ở địa phương này, ngay tại HTX của ông về vị chủ tịch hội nông dân xã đã nói ngược. Trong khi cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, kêu gọi vận động nông dân phải làm kinh tế hợp tác thì vị này đã tuyên bố với nông dân rằng vào HTX chẳng được gì. Sau đó, hàng loạt nghi vấn đặt ra cho vị chủ tịch hội nông dân này là vì quyền lợi cá nhân, hay vì nhận thức, vì “nghẽn” về thông tin. Kể cả TP. Bến Tre cũng khá đau đầu vì xảy ra trường hợp tương tự.

Mặt khác, hiện nay, hầu hết thành phần các ban giám đốc HTX đều là những nông dân, còn hạn chế về năng lực điều hành, lập phương án sản xuất và thiếu kỹ năng đàm phán, cũng như về kết nối doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm.

Đối chiếu với các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị dừa trong thời gian qua, nổi bật là 6 tháng đầu năm, mặc dù giá dừa sụt giảm mạnh nhưng vì có liên kết sản xuất, hợp đồng tiêu thụ, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh nên các thành viên tham gia HTX đều ổn định đời sống và sản xuất, với giá cam kết không dưới 50 ngàn đồng/chục. Hiện nay, thấ́y được ý nghĩa và hiệu quả cụ thể, người trồng dừa đã cảm thấy thật sự có nhu cầu tham gia HTX và mạnh dạn tự nguyện xin vào HTX. Hay việc sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng xuất phát từ hình thức gắn kết sản xuất theo nhu cầu thị trường, giúp phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững thông qua mô hình HTX.

Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú phấn khởi vì được hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú phấn khởi vì được hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Đẩy mạnh tuyên truyền để truyền cảm hứng

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6-2018, toàn tỉnh có 90 HTX đang hoạt động, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 46 HTX, thủy sản có 11 HTX. Tổng vốn điều lệ là 229 tỷ đồng, với hơn 31 ngàn thành viên. Doanh thu bình quân 2,3 tỷ đồng/HTX.

Không chỉ riêng với dừa, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi giá trị cũng phải hình thành và phát triển theo mô hình này. Cụ thể, ngoài dừa còn có các sản phẩm như chôm chôm, nhãn, con heo, con bò và con tôm… Đối với các chuỗi như chôm chôm, nhãn, bước đầu đã thành lập các HTX nhưng do chưa liên kết được với các doanh nghiệp đầu ra và đa dạng các dịch vụ HTX nên chưa tạo được hiệu quả rõ nét.

Về lâu dài, để phát triển các HTX, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo kêu gọi mỗi người ở vai trò, vị trí của mình ở sở, ngành, đoàn thể, các cấp phải tích cực tiếp xúc, tuyên truyền, nói nhiều về ý nghĩa quan trọng và tất yếu mang tính sống còn của việc phát triển HTX cho từng đối tượng của mình. Trong việc vận động nông dân vào HTX thì nhất thiết phải có sự tham gia của hội nông dân các cấp. Nếu vận động nông dân vào HTX mà không có chủ tịch hội nông dân huyện, xã thì ví như “bữa cơm đó không có canh”.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải đẩy mạnh tuyên truyền xuống đến tận cơ sở, làm sao để câu chuyện này xuống đến tận tai người nông dân, tháo gỡ điểm “nghẽn” về thông tin. Hơn thế nữa là nói làm sao để truyền được cảm hứng cho người nông dân để họ chuyển đổi nhận thức và tích cực tham gia HTX. Việc xây dựng HTX cũng phải lưu ý giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia HTX để tự nguyện tham gia chứ không thể ép buộc. Giáo dục, đào tạo đội ngũ những người làm nông nghiệp có chữ tín, có hợp đồng và tuân thủ hợp đồng. Đội ngũ quản lý HTX phải chuyên nghiệp, trước hết là những nhà kinh tế nông nghiệp. Đây phải là những người có tâm huyết, tận tụy và trăn trở với sự sống còn của HTX, thấu hiểu và cảm thông được với nỗi khổ của nông dân, có khả năng đàm phán với doanh nghiệp, huy động vốn, giải quyết đầu ra sản phẩm.

Nhân rộng mô hình HTX hiệu quả

Theo ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 90 HTX nhưng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả còn rất ít. Hiện nay, mới chỉ có một số HTX hoạt động cơ bản đúng nguyên tắc, liên kết với doanh nghiệp thực hiện khá tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên như: HTX Châu Bình (huyện Giồng Trôm), HTX Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam); HTX Phú Nông (xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú)… Tỉnh đã tổ chức tham quan, học tập mô hình HTX ở các tỉnh bạn. Theo kinh nghiệm từ Đồng Tháp, vốn của HTX là do nông dân tự nguyện đóng góp chứ không sử dụng tài sản công của tỉnh. Hoạt động của HTX rất minh bạch.

Ông Châu Văn Bình cho biết, hướng tới, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cấp huyện, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Định kỳ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Những địa bàn có thành lập HTX, UBND xã, phường, thị trấn nên phân công 1 lãnh đạo phụ trách trực tiếp theo dõi, hỗ trợ HTX, kết quả hoạt động HTX là một trong những cơ sở xem xét đánh giá cán bộ cuối năm.

UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp 2 TP. Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng 15 mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng. Bước đầu, trường đã khảo sát và chọn ra 15 HTX để đầu tư phát triển.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN