TTK&VV là nơi tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác (gọi chung là khách hàng vay vốn) có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.
Để thuận lợi cho sinh hoạt, TTK&VV được thành lập trên cơ sở các tổ nhân dân tự quản (NDTQ) liền kề trong phạm vi địa bàn ấp, khu phố. Hàng năm, các trưởng ấp (khu phố) đã tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH tổ chức. Khách hàng có nhu cầu vay vốn phải tham gia vào TTK&VV, gửi TTK&VV giấy đề nghị vay vốn để tổ phối hợp với cấp hội, trưởng ấp (khu phố) họp bình xét cho vay. Đến nay, đã có 3.103 TTK&VV hoạt động ổn định với 110.795 hộ tham gia, và đã vay NHCSXH số tiền là 2.590.678 triệu đồng. Về cơ bản, các tổ viên, nhất là tổ viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay để thực hiện dự án.
Thời gian tới, để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp hội, trưởng ấp (khu phố), tổ trưởng tổ NDTQ và TTK&VV. Các tổ trưởng tổ NDTQ cần rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tổ có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn họ đến TTK&VV làm hồ sơ vay vốn, phản ánh đến trưởng ấp (khu phố) các trường hợp chưa được vay vốn, hoặc vay thấp hơn nhu cầu. Các trưởng ấp (khu phố) nên đưa thêm vào nội dung họp với các tổ trưởng tổ NDTQ về các chương trình tín dụng chính sách xã hội, về các đối tượng thụ hưởng, động viên hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất và tham gia họp bình xét cho vay với TTK&VV.
Các trưởng ấp (khu phố), tổ trưởng tổ NDTQ và TTK&VV là cầu nối để NHCSXH đưa vốn đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững của tỉnh.
Trần Văn Thành