14.516 - 2.000 - 1.026 có nghĩa gì?

07/08/2011 - 18:08

14.516 là số người Bến Tre bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 2.000 trẻ em và 1.026 người đã chết.

Chất độc hóa học điôxin là loại độc nhất trong các loại chất độc. Kẻ dùng chất độc hóa học này trong chiến tranh phi nghĩa là loại tội phạm chống lại loài người! Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ thi hành mệnh lệnh cấp trên, lần đầu tiên dùng máy bay rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam. Hành trình nỗi đau da cam trên mảnh đất yêu chuộng hòa bình này bắt đầu từ đó. Hành trình tội ác mang lại bao nỗi đau và thảm họa ấy đến hôm nay vẫn còn đó với bao câu hỏi, nhức nhối, đau xót lương tri nhân loại!

1. Chất độc da cam- điôxin là gì?

Chất độc da cam/điôxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa điôxin. Điôxin là một tạp chất của chuỗi quá trình sản xuất chất 2,4,5-T. Điôxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Sự nguy hiểm của loại chất độc này ở chỗ, chỉ một phần ngàn tỉ gram có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người, một phần tỉ gram điôxin có thể gây chết người và với 85 gram chất này có thể đầu độc giết chết cư dân một thành phố tám triệu người. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học uy tín trên thế giới.

Thế mà, chỉ tính trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã thực hiện gần 20.000 phi vụ bằng máy bay để phun rải gần 26.000 thôn, bản, 3,06 triệu hécta trên lãnh thổ Việt Nam với khoảng 80 triệu lít chất hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg điôxin. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng nhiều loại chất độc hóa học với nhiều tên gọi “mĩ miều”, nào là chất hồng, chất trắng, chất tím, chất xanh mạ, chất da cam. Ngành công nghiệp chế tạo vũ khí sinh học, vũ khí hóa học thu được nhiều lợi nhuận béo bở. Phi công Mỹ chỉ việc lái máy bay đến tọa độ, rồi lạnh lùng bấm nút. Dưới cánh máy bay mới thực sự là thảm họa, người chết, cây cỏ chết, môi trường sinh thái bị hủy hoại, hàng trăm loài thực vật, động vật bị diệt chủng, chỉ còn lại tên gọi trong sách vở…

2. Có bao nhiêu loại tai biến, bệnh hoạn do phơi nhiễm chất độc da cam?

Bến Tre có 444km2 bị rải chất độc da cam trong chiến tranh, đứng đầu trong 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo số thống kê, Bến Tre có 14.516 người bị nhiễm độc, trong đó có 2.000 trẻ em và 1.026 người đã chết. Qua điều tra 15 xã của ba huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Bình Đại cho thấy: có 87 hộ có hai người bị nhiễm, 10 hộ có ba người bị nhiễm và 5 hộ có bốn người bị nhiễm. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp ba thế hệ đều bị nhiễm, chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam. Gánh nặng và nỗi đau của các gia đình có người thân bị ảnh hưởng của chất độc điôxin kéo theo cái khổ, cái nghèo, thậm chí là sự vô vọng, bi kịch! Đến nay, người ta đã xác định danh mục 17 loại bệnh tật dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học điôxin, cụ thể như: ung thư các loại, bệnh đa u tủy xương ác tính, các dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con, cháu người bị nhiễm, rối loạn thâm thần… 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân do thảm họa chất độc da cam gây ra, nỗi đau của bản thân các nạn nhân và gia đình là thảm cảnh không sao kể hết!

Người viết bài này đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã từng lên chức cha cách nay 10 năm. Song, hạnh phúc thật ngắn ngủi khi đứa con gái lên 2 tuổi bập bẹ biết nói thì cũng là lúc có dấu hiệu phát bệnh kỳ lạ, đầu của bé không tròn nữa mà cứ dài ra gấp đôi trẻ bình thường, não bại dần, tiếng gọi “Ba..ba” cũng mất đi. Người mẹ trẻ vì quá sợ hãi đã bỏ đi. Đi bệnh viện, bác sĩ xác định đứa bé bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, do biến đổi về gen từ đời ông nội để lại. Người cha ôm con mà lòng đau xót. Giờ phút đứa trẻ lìa xa cõi đời không còn xa nữa! Có người phụ nữ đến thăm, người đàn ông thổn thức: Chắc từ đây, em không bao giờ lấy được vợ nữa chị ơi!

3. Căm thù chiến tranh phi nghĩa!

Chiến tranh là gì? Chiến tranh là việc giải quyết những quyền lợi giai cấp bằng bạo lực vũ trang. Trong thế giới hiện đại, hết chủ nghĩa thực dân kiểu cũ đến chủ nghĩa thực dân kiểu mới luôn gắn với chủ nghĩa tư bản, phát triển lên thành chủ nghĩa đế quốc. Khai thác thuộc địa, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tích lũy tư bản là nguyên nhân sâu xa nhất, bản chất nhất của các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Kẻ đi xâm lược ngụy biện “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Máy bay B52, tàu sân bay, bom nguyên tử và đủ loại vũ khí hóa học được coi là cái gậy để răn đe của các thế lực tự coi mình là “kẻ mạnh”. Để thực hiện ý đồ thôn tính các dân tộc khác, những kẻ xâm lược không từ bất kỳ thủ đoạn thâm độc và tội ác nào! Nhưng người xưa đã từng nói: “Võ không văn (nhân văn) là võ bạo tàn!”.

Chân lý luôn thuộc về chính nghĩa! Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc là cuộc chiến tranh nhân dân vì lẽ phải, chính nghĩa và chiến thắng. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân ái và luôn căm ghét chiến tranh, sẵn sàng lấy máu, xương để bảo vệ độc lập tự do, hòa bình cho dân tộc mình. Người Việt Nam cũng căm ghét những kẻ có dã tâm chà đạp lên quyền sống của các dân tộc khác!

4. Làm sao và bao giờ mới nguôi ngoai nỗi đau da cam?

Khắc phục hậu quả thảm họa do chất độc da cam/điôxin đã được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội quan tâm. Chỉ mấy năm sau khi hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy ban Quốc gia Điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập. Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động, kêu gọi cả cộng đồng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức từ thiện chung tay “xoa dịu nỗi đau da cam”.

Chiến tranh tuy đã lùi xa, song hậu quả của nó còn kéo dài. Bao trẻ thơ có tội tình gì mà phải chịu cảnh tật nguyền, dị dạng? Hạnh phúc bao lứa đôi bị đe dọa khi chất độc da cam còn trong xương, tủy họ. Bên những rặng dừa, bờ kênh tưởng chừng bình yên, vẫn văng vẳng lời ru, tiếng khóc của người chị ôm em, nấc nghẹn: Ôi! Đứa em của tôi, đứa em cút côi, giờ đây không còn ca hát nữa. Chúng đã giết em rồi, chúng giết bằng chất độc da cam. Chất độc màu da cam năm xưa đã giết chết mẹ tôi trong một trận càn! Mẹ ơi! Không thể nào! Không thể nào còn gặp lại em yêu…

Ngày 4-8-2011, trong chuyến đến thăm nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đioxin (huyện Giồng Trôm), chúng tôi đã chứng kiến một hình ảnh hết sức thương tâm. Một người con gái dù đã 40 tuổi, nhưng quặt quẹo như đứa trẻ sắp tròn tuổi. Cô gái tên Chúc. Thấy nhiều người đến thăm, Chúc cười méo mó, vui, rồi gồng mình hết sức vươn đôi tay co quắp về phía chai nước được buộc ở đầu giường, như khoe với mọi người rằng cô đã thành công, vượt lên tật nguyền và làm được công việc như bao người bình thường khác - lấy nước uống. Động tác đó của Chúc như nói rằng: những người bị tật nguyền do di chứng của chất độc hóa học, vẫn khao khát được sống, khao khát được làm việc. Họ sẽ đứng lên và nở nụ cười chiến thắng!

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN