Hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ III, năm 2019:

14 dự án, ý tưởng khởi nghiệp vào chung kết

11/09/2019 - 07:10

Tác giả các dự án, ý tưởng vào chung kết chụp hình lưu niệm cùng ban giám khảo cuộc thi.  Ảnh: C. Trúc

Tác giả các dự án, ý tưởng vào chung kết chụp hình lưu niệm cùng ban giám khảo cuộc thi.  Ảnh: C. Trúc

1. Dự án Giải pháp giáo dục trên nền tảng điện toán đám mây (ESOC) là dự án khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục của Lê Thanh Duy (Công ty TNHH Phần mềm Thanh Duy) cùng với Bùi Nhật Trường, Bùi Quang Giang. Bước đầu dự án cho ra đời ba sản phẩm: Cơ sở dữ liệu dùng chung cho giáo dục, Hệ thống website quản trị và Tuyển sinh trực tuyến. Với tổng chi phí đầu tư ban đầu 300 triệu đồng, Dự án ESOC đã triển khai thành công một phần là Hệ thống quản lý thi trực tuyến (HTQLTTT). HTQLTTT được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 và nhận được sự đánh giá cao từ Sở Giáo dục và Đào tạo. Tiếp theo, hệ thống quản lý trường học sẽ được triển khai và áp dụng cho các trường trên địa bàn tỉnh với mức phí từ 2 triệu đồng/cơ sở giáo dục/tháng.

2. Dự án Cherry Việt của Nguyễn Tấn Cường, xã An Phước, huyện Châu Thành mục đích mang đến một nguồn thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng đến cho người dân và tất cả mọi người có thể tiếp cận được. Giới thiệu cho mọi người dân có thêm hướng lựa chọn cây trồng mới. Đặc biệt, giai đoạn I, dự án tập trung xây dựng mô hình sản xuất trái cherry thương phẩm từ 8 - 10 năm, tập trung phát triển mô hình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất quả cherry theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

3. Dự án Nâng cao giá trị trái dừa Bến Tre bằng cách tạo ra các sản phẩm trồng hoa lan từ vỏ dừa do nhóm Lê Thanh Thủy, Trần Bá Mẫn thực hiện. Nhóm tác giả hình thành và triển khai ý tưởng nâng cao giá trị trái dừa Bến Tre bằng cách tạo ra các sản phẩm trồng lan từ vỏ dừa. Dự án cho ra 2 sản phẩm: bành dừa trồng lan và vỏ dừa cắt.

4. Dự án “Bao bì - vải - vải lưới tạo ra bằng lá chuối, sợi tơ chuối” của bạn Nguyễn Thị Cẩm (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú) nhằm giải quyết vấn đề gây bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt con người gây ra.

5. Dự án sản xuất vật liệu từ xơ dừa (giấy thảm, túi, khay...) để chứa thực phẩm an toàn và thân thiện môi trường của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thúy Huỳnh, Lê Tân Kỳ, Nguyễn Nhựt Trường (TP. Bến Tre). Dự án tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm từ sản xuất dừa chế biến và tăng giá trị ngành hàng dừa của tỉnh. Tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch - xanh và an toàn phục vụ cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Dự án tạo ra các sản phẩm có khả năng thay thế túi nylon, hộp nhựa, vừa có thể làm giỏ quà tặng hoặc các loại dùng chứa/gói thực phẩm trong các siêu thị.

6. Dự án Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường của Nguyễn Thị Ngọc Như - Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm thiên nhiên Ngọc Như (3NC). Vỏ son môi được ốp gỗ thân thiện và gần gũi với môi trường thay vì hoàn toàn bằng nhựa khó tái chế như hiện tại. Đặc biệt, vỏ son có thể khắc lazer ngày kỷ niệm, tên thương hiệu, tên vợ, tên người yêu… thích hợp làm quà tặng, quà lưu niệm. 3NC là thương hiệu đầu tiên trong tỉnh cũng là trong khu vực sử dụng chất liệu gỗ, lá dừa, lá dứa trong thiết kế bao bì son môi dừa; nguyên liệu đầu vào ổn định và chủ động; nguyên liệu chính của một số sản phẩm đều do 3NC có thể sản xuất được.

7. Dự án Dịch vụ giúp việc văn phòng, giúp việc gia đình và vệ sinh công nghiệp sau xây dựng của Huỳnh Thị Hồng, Công ty TNHH Nhà sạch Bến Tre. Dự án xây dựng một đội ngũ giúp việc chuyên nghiệp, có chuyên môn, trách nhiệm và tận tâm với nghề. Qua đó, giải quyết tình trạng thất nghiệp của ít nhất 20 người đang trong tình trạng khó khăn, cần thu nhập ổn định; góp phần cải thiện tình trạng thuê và cho thuê người giúp việc còn nhiều bất cập.

Đồng thời với các dự án là có 7 ý tưởng khởi nghiệp sẽ tranh tài vòng chung kết gồm: Ý tưởng Modan Travel - Dịch vụ Homestay Chợ Lách của Phan Thị Hồng Thơm (Chợ Lách); Hệ thống tưới tiêu tự động theo thời gian thực của Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Hồng Thứ (xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú); Thiết bị hỗ trợ tài xế xe ô tô, xe gắn máy khi bị tai nạn hoặc bị cướp của Trần Thị Cẩm Tú, Lê Đăng Quang (Mỏ Cày Nam); Phát triển nuôi ong nội địa bằng vật liệu nhựa của Khổng Hữu Đức (Mỏ Cày Nam); Than tổ ong VSR (từ vỏ sầu riêng) của Nguyễn Quốc Tường (Phòng Giáo dục và Đào tạo Chợ Lách), Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Xuân Trang (Trường THCS Long Thới); “Xe cắt cỏ đẩy tay” của Nguyễn Văn Trực (Chợ Lách); Sản xuất và kinh doanh thiết bị hỗ trợ thu hoạch thủy sản tiết kiệm sức lao động của Đỗ Hoàng Khánh, Lê Vỉnh Khang (Thạnh Phú).

Vòng chung kết Hội thi dự kiến diễn ra vào ngày 21-9-2019, tại TTC Palace, số 16, Hai Bà Trưng, Phường 2, TP. Bến Tre.

Nhiên Luận (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích