35 năm nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi

04/07/2024 - 15:01

BDK.VN - Chủ quyền biển, đảo luôn là một phần “máu thịt” thiêng liêng của Tổ quốc. Để giữ vững phần “máu thịt” ấy được bình yên cùng đất mẹ thân thương, 35 năm qua, cán bộ, chiến sĩ DK1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn với sự mất mát, hy sinh, cùng tinh thần “còn người, còn nhà giàn”, để canh giữ chủ quyền nơi đầu sóng.

  Công trình nhà giàn DK1-1 đầu tiên xây dựng năm 1989. (Ảnh tư liệu)

Tầm nhìn chiến lược

Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều động thái mới, diễn biến phức tạp, đe dọa đến sự toàn vẹn về chủ quyền biển, đảo và an ninh của nước ta. Nhận định đúng tình hình, Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã có sự tham mưu kịp thời cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, đề nghị Bộ Chính trị cho phép đóng giữ nhanh và khai thác Cụm bãi đá ngầm ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Hải quân, tổ chức lực lượng thăm dò, trinh sát khu vực và tổ chức lực lượng chốt giữ, trước mắt bằng các tàu vận tải. Ngày 26-10-1988, giao nhiệm vụ cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân, Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân đã nêu rõ nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, số một, có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của cả nước. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ cho được chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự chỉ đạo, phân công cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, việc triển khai khảo sát, nghiên cứu, thiết kế thi công đã được tiến hành nhanh chóng. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, ngay trong năm 1989 tập trung xây dựng và lắp đặt nhà giàn tại 3 vị trí quan trọng ở các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè, sau đó sẽ tiến hành xây dựng tiếp nhà giàn trên các bãi ngầm còn lại. 

Chỉ trong thời gian ngắn, đến giữa năm 1989 các nhà giàn đã nhanh chóng được xây dựng xong gồm: Nhà giàn DK1/3 trên bãi cạn Phúc Tần (10-6), DK1/4 trên bãi cạn Ba Kè (16-6), DK1/1 trên bãi cạn Tư Chính (5-7). Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra chỉ thị về việc thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1).  Đây cũng là dấu mốc xác lập ngày truyền thống của Tiểu đoàn DK1.

Cùng với việc xây dựng các nhà giàn, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chốt giữ, bảo vệ các nhà giàn cũng được triển khai; đây là lực lượng đầu tiên, những cột mốc chủ quyền bằng xương, bằng thịt, tiên phong ra chốt giữ trên thềm lục địa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc, một nhiệm vụ mới, hết sức nặng nề, nhưng rất vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

35 năm kiên cường nơi sóng dữ

  Cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Sự khắc nghiệt của thời tiết, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác, với bốn bề chỉ có sóng nước và gió biển, thiếu hụt rau xanh, nước ngọt, điện sinh hoạt đến thông tin với hậu phương, gia đình. Nhưng bằng quyết tâm bám nhà giàn, bám biển, bảo vệ chủ quyền, với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn”, cán bộ, chiến sĩ DK1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả những mất mát, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chúng ta không thể quên những đợt sóng cao từ 14 đến 15m kéo dài liên tục từ ngày 28-11 đến ngày 5-12-1990 đổ vào trạm Phúc Tần (DK1/3) khiến nhà giàn bị đổ, cuốn theo 7 đồng chí xuống biển giữa đêm tối mịt mù sóng dữ, anh em đã ôm chặt lấy nhau trên mảnh phao bè, sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, chia nhau từng hớp nước ngọt, từng mẩu lương khô, 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh: Trung uý Trần Hữu Quảng - Phó chỉ huy trưởng về chính trị; Trung uý Quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Là, Quân y sĩ và Hạ sĩ Hồ Văn Hiền, Chiến sĩ cơ điện.

Đó là những cơn sóng dữ cấp 12, giật trên cấp 12 vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14-12-1998, đã làm Nhà giàn DK1/6 bị đổ, cuốn theo 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, sau 14 giờ lênh đênh trôi dạt trên biển, 6 đồng chí được tàu HQ 606 của Lữ đoàn 171 cứu vớt kịp thời, 3 đồng chí mãi mãi nằm lại biển khơi, đó là: Đại úy Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng; Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Nhân viên Ra đar; Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Nhân viên cơ điện.

Còn nhiều sự hy sinh, mất mát khác chúng ta không thể nói hết. Nhưng sau mỗi hi sinh, mất mát, cán bộ, chiến sĩ DK1 càng thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, không nao núng tinh thần, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

35 năm bám trụ trên thềm lục địa phía Nam, cán bộ, chiến sĩ DK1 và lực lượng tàu trực đã kiên cường vượt qua những mùa giông bão với những cơn sóng cao hàng chục mét và luôn phải đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài. Và trong “cuộc chiến” đó, 9 cán bộ, chiến sĩ DK1 và 7 cán bộ, chiến sĩ trên các tàu trực đã mãi mãi ra đi.

Những chiến công vẻ vang

35 năm nơi đầu sóng, ngọn gió, mỗi nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền, đôi mắt thần trên biển, ngày đêm phối hợp cùng các lực lượng quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình. Mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ DK1 theo dõi, đăng ký, báo cáo hàng ngàn lượt mục tiêu trong khu vực; kịp thời tham mưu, đề xuất với sở chỉ huy để xử lý tốt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đối với bà con ngư dân ta, cán bộ, chiến sĩ DK1 như những người thân trong gia đình lớn, trở thành điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ngư dân đều tìm đến các nhà giàn DK1 để được giúp đỡ.

Mỗi năm, các nhà giàn DK1 đã cấp cứu, cứu nạn, hỗ trợ hàng trăm lượt tàu thuyền và ngư dân; cung cấp nước ngọt và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến, thông tin kịp thời và tổ chức bắn pháo hiệu báo bão để thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trong mùa giông bão. Phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” tiếp tục tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, với những cống hiến, hy sinh và những thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Được Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương tặng thưởng nhiều bằng khen và danh hiệu thi đua khác.

Trung tá Nguyễn Trung Đức - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Với mỗi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn” đã in sâu vào tâm trí của mỗi người và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, như sự khẳng định ý chí, niềm tin và quyết tâm giữ biển của người lính nhà giàn”.

 Tự hào về truyền thống 35 năm, đó là tài sản tinh thần vô giá, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn hôm nay thêm quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ trực, chốt giữ, bảo vệ nhà giàn, bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Bài, ảnh: Văn Đường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN