4 điều tránh hỏi nhà tuyển dụng khi phỏng vấn xin việc

05/06/2024 - 15:29

BDK.VN - Thông qua quá trình phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ có thể hiểu rõ về đối phương hơn, từ đó đưa ra những quyết định của riêng mình. Do vậy, bạn nên chủ động trong việc hỏi đáp để khai thác tối đa thông tin cần thiết cho bản thân. Song, vẫn có một số loại câu hỏi nên tránh nếu bạn không muốn tạo ra một bầu không khí gượng gạo, khó xử cho cả hai bên.

Câu hỏi về thông tin chung của công ty, quy trình làm việc

Nhiều chuyên gia nhân sự của các trang tìm việc làm cho rằng đây là một trong những câu hỏi bạn không nên đặt cho nhà tuyển dụng bởi họ sẽ cảm thấy bạn không hề tìm hiểu về công ty hoặc không đọc kỹ mô tả công việc. Các câu hỏi về địa chỉ công ty, giờ làm việc, các hoạt động nổi bật của doanh nghiệp, đường hướng phát triển cho mục tiêu ngắn hạn - dài hạn... đều là những thông tin bạn cần nắm chắc chứ không phải đi hỏi ngược lại nhà tuyển dụng. Thậm chí họ sẽ đặt những câu hỏi này ngược lại cho bạn để đánh giá xem bạn có thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm này và muốn gắn bó lâu dài hay không. 

Lúc này, nếu muốn ghi điểm với nhà tuyển dụng thì bạn cần nhắc đến những sản phẩm, dịch vụ, kế hoạch hoặc sự kiện nổi bật mà doanh nghiệp vừa cho ra mắt; đồng thời trao đổi thông tin về chúng một cách sôi nổi. Chắc chắn đối phương sẽ đánh giá cao một ứng viên như bạn, cơ hội vào vòng phỏng vấn xin việc tiếp theo là rất cao.

Câu hỏi về những mong muốn cá nhân 

Hiện tại có nhiều ứng viên khi đi phỏng vấn không ngần ngại thể hiện những mong muốn cá nhân của họ, đặc trưng có thể kể đến là hình thức làm việc ở nhà hoặc cung cấp máy tính bàn/cá nhân để phục vụ cho công việc. Cho dù các doanh nghiệp hiện tại phần lớn đều đã cho nhân viên đến văn phòng trở lại sau thời gian đại dịch nhưng vì đã có thời gian được làm việc ở nhà (vừa thoải mái, vừa tiết kiệm thời gian tiền bạc) nên không ít ứng viên quen với điều này.

Nếu một công ty linh hoạt, cho phép nhân viên có thể làm việc ở nhà hoặc làm việc từ xa một số ngày nào đó trong tuần/tháng thì thường sẽ ghi rõ điều đó trong mô tả công việc. Do đó, bạn cũng không cần thiết phải hỏi về những điều này vì dễ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người không năng động, không muốn đến công ty, hoặc thay vì hỏi thẳng, bạn có thể hỏi tổng quát hơn về lịch làm việc hàng tuần, môi trường làm việc như thế nào. Còn về các yêu cầu cá nhân khác, nếu bạn muốn hỏi thêm thì cần phải hết sức cẩn trọng bởi dễ khiến cho đối phương cảm thấy rằng bạn đang có ý đòi hỏi quá nhiều.

Cách trả lời

Câu hỏi về chế độ lương thưởng đã đề cập trong mô tả công việc

Thông thường trong mô tả công việc sẽ đề cập đến chế độ lương thưởng cho vị trí ứng tuyển cùng các đãi ngộ khác. Chính vì thế, bạn không nên lặp lại câu hỏi này cho nhà tuyển dụng trừ khi họ muốn bắt đầu deal lương trước. Trong quá trình deal lương, bạn cũng cần cẩn trọng, không nên chỉ tập trung vào mức lương cứng mà còn phải quan tâm đến các chế độ khác. 

Để hiều hơn về các phúc lợi, bạn có thể đặt câu hỏi: “Anh/chị tự hào nhất về chính sách nào của công ty?”. Khi đưa ra thắc mắc như thế này, bạn hoàn toàn có thể nhận được câu trả lời giúp hiểu rõ hơn về các lợi ích mà không bị đánh giá. Thêm vào đó, nó mang lại cho người phỏng vấn cơ hội thể hiện những điều mà họ thực sự tự hào vì không ai không thích nhấn mạnh những điểm tích cực của nhà tuyển dụng/công ty.

Câu hỏi về các vấn đề riêng tư của nhà tuyển dụng

Câu hỏi cho nhà tuyển dụng: 7 câu hỏi “cấm kỵ” nên tránh đặt ra

Các câu hỏi về tuổi tác, tình trạng hôn nhân gia đình... là những vấn đề thuộc quyền riêng tư cá nhân của mỗi chúng ta và nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể từ chối cung cấp câu trả lời. Bên cạnh đó, thắc mắc của bạn hoàn toàn không liên quan đến công việc và chắn hẳn bạn sẽ bị đánh giá là có tác phong không chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn xin việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hồ sơ ứng tuyển của bạn sẽ khó có thể được lọt tiếp vào vòng trong. Chính vì thế, bạn cần phải cực kỳ lưu ý về quyền riêng tư để hạn chế những tình huống khó xử.

Pha Lê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN