8,7 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng

24/06/2009 - 08:29

Đây là thông số sơ bộ đầu tiên về tình hình thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2009 mà Cục Đầu tư Nước ngoài (ĐTNN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổng hợp được.

Theo báo cáo từ các địa phương, trong 6 tháng qua, cả nước có 306 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD và 68 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,1 tỷ USD. Tuy tổng vốn cấp mới và tăng thêm cộng lại chỉ bằng 22,6% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng con số 8,7 tỷ USD này vẫn được Cục ĐTNN đánh giá là khá cao, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Cục trưởng Cục ĐTNN Phan Hữu Thắng nhận định: Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, kết quả này cho thấy FDI vẫn diễn ra như dự báo với tiến độ dự kiến.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với gần 4,5 tỷ USD vốn đăng ký. Tuy nhiên, do không có dự án nào được cấp thêm trong tháng 6 nên tỷ trọng của lĩnh vực này trong tổng vốn đăng ký giảm xuống còn 50% tổng vốn đăng ký so với mức 66% ở các tháng đầu năm 2009.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực thế mạnh của các nhà ĐTNN đã vượt lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở thành lĩnh vực có quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai trong 6 tháng với 1,56 tỷ USD vốn đăng ký trong đó có 1,38 tỷ USD đăng ký mới. Cũng do không có dự án mới trong tháng 6, kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1,46 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vực FDI vẫn thể hiện tính năng động hơn khu vực doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 13,6 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ và chiếm 49,3% tổng xuất khẩu cả nước; nhập khẩu dự kiến đạt 10,5 tỷ USD, bằng 75,8% so với cùng kỳ và chiếm 35% tổng nhập khẩu cả nước. Điều này cũng cho thấy: Dù các nền kinh tế đối tác chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế dẫn tới nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam giảm nhưng với suy giảm xuất khẩu khu vực FDI thấp hơn mức suy giảm của khu vực trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 3,1 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 2,1 tỷ USD, nếu không tính xuất khẩu dầu thô, khu vực FDI nhập siêu 168 triệu USD, chiếm 8% giá trị nhập siêu cả nước.

Ông Thắng cho biết: Với lượng hồ sơ dự án đang có trong tay, khả năng đến cuối năm 2009, FDI sẽ đạt là 20 tỷ USD thu hút mới và 8 tỷ USD vốn giải ngân. Đây là con số phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP vừa được điều chỉnh xuống 5%. Tuy nhiên so với 2008, lượng vốn FDI đăng ký sụt giảm nhiều; nhất là so với con số chính thức về thực hiện FDI trong năm 2008 vừa được Cục ĐTNN đưa ra; đó là 71,7 tỷ USD; trong đó cấp mới là 66,4 tỷ USD với 1.557 dự án; tăng vốn là 5,2 tỷ USD với 397 dự án. Con số được công bố trước đó là trên 64 tỷ USD, trong đó vốn FDI cấp mới là 60,2 tỷ USD. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thống kê đầy đủ.

Dựa trên các kết quả trên, Cục ĐTNN dự báo: Năm 2010, FDI cấp mới sẽ đạt 22 tỷ USD, tăng 10% so với 2009; vốn thực hiện đạt 9 tỷ USD; giá trị xuất khẩu tăng 24,8% và nhập khẩu tăng 38% so với 2009./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN