Trẻ em Palestine tại một trại tạm ở thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 27-10-2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 30-10, một đoàn gồm 60 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo đã đi qua cửa khẩu Rafah ở bên phía Ai Cập để vào Dải Gaza.
Theo nguồn tin giấu tên từ quân đội Ai Cập, đây là đoàn xe cứu trợ lớn nhất đang trên đường tới Gaza kể từ khi công tác vận chuyển hàng cứu trợ bắt đầu vào ngày 21-10 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một quan chức Ai Cập ngày 30-10 cho biết kể từ khi hoạt động cứu trợ được bắt đầu từ ngày 21-10, khoảng 193 xe tải chở 3.100 tấn hàng viện trợ nhân đạo đã qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza.
Trong một thông cáo báo chí, quan chức tỉnh Bắc Sinai, ông Osama el-Ghandour cho biết các cơ sở y tế ở Bắc Sinai đã sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho những người Palestine bị thương, sau khi họ được phép rời Gaza, vùng đất ven biển bị phong tỏa, đồng thời khẳng định 3 cơ sở ở các thành phố Arish và Sheikh Zuweid hiện được huy động để tiếp đón gia đình những người bị thương.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, quan chức Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) ngày 30-10 cho biết trật tự lộn xộn đã buộc 4 trung tâm phân phối viện trợ của Liên hợp quốc và 1 cơ sở lưu trữ ở Dải Gaza phải dừng hoạt động.
Ông Tom White, Giám đốc UNWRA ở Dải Gaza, cũng thông báo 1 cơ sở hậu cần ở cửa khẩu Rafah, có vai trò quan trọng trong việc phân phối viện trợ, ngày càng trở nên khó vận hành vì có 8.000 người đang trú ẩn tại đó.
Ông Tom White cho biết: “Tình hình trật tự bị phá vỡ, mỗi ngày có hàng trăm người cố đột nhập vào nhà kho để trộm bột mỳ. Hiện họ đang tìm cách sinh tồn. Vấn đề là họ tìm cách để có được nước uống và lương thực.”
Ngày 30-10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn thực phẩm, vật tư y tế và các mặt hàng cứu trợ khác vào Dải Gaza.
Trên mạng xã hội X, ông Ghebreyesus cho biết là người có tuổi thơ từng trải qua chiến tranh, nên ông cảm thông sâu sắc với những người đang mắc kẹt trong chiến sự và thấu hiểu nỗi đau của họ.
Ông nhấn mạnh chiến tranh chỉ mang lại tàn phá và nỗi khiếp sợ. Do đó, ông mong muốn các bên có thể vượt qua bất đồng và đón nhận hòa bình.
Ông Ghebreyesus kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy đoàn kết và đưa thế giới tới hòa bình. Tổng Giám đốc WHO cũng phản đối cuộc tấn công của phong trào Hamas, cho rằng trẻ em đang phải trả giá khi trở thành mục tiêu của của các vụ tấn công tại Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) ngày 30-10 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza.
Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Jokowi nhấn mạnh: “Bạo lực cần phải được chấm dứt, cần tìm kiếm lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo cần được đẩy nhanh.”
Người đứng đầu Chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này đang liên lạc với nhiều bên trong nỗ lực giải quyết vấn đề tại Palestine.
Một trong những động thái này là viết thư đề nghị tổ chức phiên họp khẩn cấp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cách đây không lâu.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn nguồn tờ Toronto Star ngày 30-10 đưa tin Canada đang kêu gọi "đình chiến" nhân đạo sau khi quân đội Israel mở rộng hoạt động trên bộ ở Gaza và Mỹ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ngày càng lan rộng hơn trong khu vực này.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận từ tất cả các bên để đưa công dân nước ngoài, gồm cả người Canada, ra khỏi khu vực chiến sự và để tất cả con tin được thả cũng như cho phép thực phẩm, nhiên liệu cùng nước uống vào Gaza.
Bà Joly cho biết Chính phủ Canada đang cố gắng hỗ trợ cho khoảng 400 người Canada còn mắc kẹt ở Gaza thoát ra ngoài và tìm kiếm 2 người Canada mất tích, những người có thể nằm trong số khoảng 229 người Israel bị Hamas bắt giữ làm con tin.
Tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên cho rằng việc sử dụng thuật ngữ "đình chiến" là một nỗ lực nhằm truyền đạt ý định rõ ràng hơn của Ottawa vì nhiều người từng bối rối trước thuật ngữ "tạm dừng nhân đạo" vào tuần trước.
Quan chức này cho rằng lời kêu gọi của bà Joly không phụ thuộc vào việc cả ba kỳ vọng gồm tiếp cận viện trợ, giải phóng con tin và giải thoát công dân nước ngoài được đảm bảo, mặc dù đó là những điều Canada đang tìm kiếm.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+