|
Ông Tâm không thể vào đất để canh tác, cỏ dại mọc um tùm trên phần đất này. Ảnh: HĐ |
Năm 1992, ông Nguyễn Hoài Tâm, ngụ ấp 3, xã Long Mỹ (Giồng Trôm) có mua của ông Nguyễn Văn Nốp và ông Nguyễn Khiêm Nhượng (ngụ cùng ấp) một phần đất nằm phía bên trong đất của hai ông này. Lúc mua, hai người bán đất có cam kết dành cho ông Tâm một lối đi từ lộ công cộng ngang qua đất của mình (lối này sẵn có từ lâu). Phần giáp ranh đất của ông Nốp và ông Nhượng có một con mương dẫn nước chung, trước đây ông Tâm vẫn dùng cây bắc cầu để đi qua.
Sau đó, gia đình ông Tâm xảy ra xích mích với ông Nốp, ông Nhượng. Ngày 29-11-1997, ông Nốp và ông Nhượng rào chắn, không cho gia đình ông Tâm sử dụng lối đi này nữa. Mâu thuẫn giữa đôi bên được UBND xã Long Mỹ hòa giải không thành, vụ việc được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Giồng Trôm thụ lý. Gia đình ông Tâm phải đi nhờ đất của ông Ngô Văn Đến và ông Đến chỉ cho ông Tâm đi tạm trong thời gian chờ TAND giải quyết.
Ngày 2-8-2010, TAND huyện Giồng Trôm xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp này. Tại tòa, nguyên đơn Nguyễn Hoài Tâm yêu cầu đồng bị đơn Nguyễn Văn Nốp và Nguyễn Khiêm Nhượng phải tháo dỡ hàng rào, dành cho gia đình ông một lối đi ra lộ công cộng có chiều ngang 1m, chiều dài 75m; trong đó, đi qua đất của ông Nốp dài 40m, qua đất của ông Nhượng dài 35m; ông Tâm đồng ý trả tiền để được lối đi. Phía bị đơn Nốp và Nhượng cùng nêu lý do, các con của ông Tâm đã xúc phạm đến gia đình hai ông nên không đồng ý cho gia đình ông Tâm sử dụng lối đi này; hơn nữa, gia đình ông Tâm đã có lối đi khác. Căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ, lời khai của các đương sự tại tòa. Tòa cấp sơ thẩm nhận định lối đi đã có từ trước khi ông Tâm chuyển nhượng đất của ông Nốp và ông Nhượng và lối này được coi là thuận tiện, hợp lý nhất, không còn lối đi nào khác để ra lộ công cộng. Việc ông Tâm khởi kiện yêu cầu ông Nốp, ông Nhượng tháo rào, mở lại lối đi là hoàn toàn chính đáng.
Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 31 ngày 2-8-2010, TAND huyện Giồng Trôm đã tuyên: Buộc hộ ông Nốp và hộ ông Nhượng phải mở rào chắn và dành cho gia đình ông Tâm lối đi thuận tiện để ra lộ công cộng. Lối đi này có chiều ngang 1m, dài 36,6m trên đất của ông Nốp và có chiều ngang 1m, dài 27,5m trên đất của ông Nhượng. Đồng thời, ông Tâm có trách nhiệm phải trả cho ông Nốp số tiền 4,71 triệu đồng và cho ông Nhượng 2,67 triệu đồng. Không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, ngày 4-8-2010, ông Nốp và ông Nhượng kháng cáo đến Tòa phúc thẩm tỉnh Bến Tre.
Ngày 30-9-2010, TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm vụ án. Tại Bản án Dân sự phúc thẩm số 199, TAND tỉnh Bến Tre đã không chấp nhận kháng cáo của ông Nốp và ông Nhượng, tuyên giữ y án sơ thẩm. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Ông Tâm làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 23-3-2011, Chi cục Thi hành án dân sự (THA.DS) huyện Giồng Trôm tổ chức thi hành bản án này. Việc đo đạc, cắm ranh mốc lối đi xong, khi ông Tâm bắc cầu xi-măng qua con mương (phần đất giáp ranh giữa ông Nốp, ông Nhượng) thì không được do phía bên bị THA cho rằng bản án của tòa tuyên không đề cập đến việc bắc cầu nên không thể thực hiện được (trước đó, ông Tâm đã ký vào biên bản THA). Mấy ngày sau, ông Tâm yêu cầu cơ quan THA.DS Giồng Trôm tiếp tục thi hành việc án này nhưng không được. Ông Tâm tiếp tục khiếu nại đến Cục THA.DS tỉnh Bến Tre nhưng không nhận được văn bản trả lời.
Gần đây, ngày 14-11-2011, Chi cục THA.DS huyện Giồng Trôm ra quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hoài Tâm. Theo đó, cơ quan THA.DS huyện đã thi hành xong vụ án; việc ông Tâm khiếu nại Chi cục THA huyện không tổ chức bắc cầu qua con mương là không đúng theo quyết định của hai bản án sơ và phúc thẩm vì trong quyết định không đề cập tới việc bắc cầu; ông Tâm viết đơn yêu cầu THA là hoàn toàn do ông tự nguyện, không phải do chấp hành viên viết dùm nên chấp hành viên không có lỗi (thiếu yêu cầu bắc cầu); việc ông Tâm bị ông Nốp và ông Nhượng rào chắn không đi được, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan THA Giồng Trôm mà là của chính quyền địa phương xã Long Mỹ, nếu ông có yêu cầu giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Long Mỹ cho biết: “Giữa các bên có mâu thuẫn, do con của ông Tâm chạy xe (ban đêm) gây tiếng ồn, từ đó dẫn đến tình cảm xóm giềng không tốt. Bản án của Tòa tuyên không có nói về việc bắc cầu, xã cũng không biết phải làm sao”. Tại hiện trường phần đất đang tranh chấp, lối đi vào nhà ông Tâm đã bị ông Nốp làm rào chắn ngang, xây hồ chứa nước lấn qua và làm một sào phơi đồ ngay trước con mương mà trước đây ông Tâm dùng cây bắc cầu để đi. Ông Nhượng cũng rào chắn không cho ông Tâm đi trên lối đi cũ. Ông Bảy cho biết thêm, xã đã có mời các bên tranh chấp tới, khuyên ông Nốp nên cho ông Tâm bơm cát lấp con mương để làm lối đi nhưng ông Nốp không đồng ý. Ông Nguyễn Hoài Tâm bức xúc: “Tôi đã trả tiền đất để được lối đi theo như bản án và rất mừng, ký tên vào biên bản THA giao nhận lối đi ngày 23-3-2011. Nào ngờ, khi tôi bắc cầu xi-măng qua con mương thì chú Hùng là chấp hành viên, nói không thể bắc cầu vì bản án không có tuyên. Vì vậy, ông Nốp và ông Nhượng nhất quyết không cho tôi bắc cầu qua mương. Hiện tại, tôi muốn vào đất của mình thì phải đi bằng ghe theo đường sông”.
Tóm lại, ông Nốp và ông Nhượng không chấp hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, rào chắn lối đi của ông Tâm là vi phạm pháp luật. UBND xã Long Mỹ cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi này. Việc bản án không đề cập tới vấn đề bắc cầu qua con mương, trong quá trình tiến hành các thủ tục THA, chấp hành viên thụ lý vụ việc này đã không nhiệt tình hướng dẫn cho người dân làm đơn để cơ quan Tòa án giải thích thêm về bản án đã tuyên, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Người được THA, người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan THA có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án phải có văn bản giải thích và gửi cho người có yêu cầu, Viện Kiểm sát cùng cấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Thẩm phán ra quyết định hoặc Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án. Trong trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án.
Việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa và biên bản nghị án.
(Điều 382 Bộ luật Tố tụng Dân sự) |