Mô hình nuôi dê sinh sản của hộ anh Nguyễn Duy Phong, ấp An Bình, xã An Hiệp.
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, toàn xã hiện có 35 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,59%, 100 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,53%. Qua kết quả khảo sát, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã phân tích rõ, có 21 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo do nữ làm chủ hộ, chiếm tỷ lệ 51,9% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã; có 5 hộ cận nghèo thuộc diện chính sách, người có công; 14 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội. Ấp có hộ nghèo nhiều nhất là ấp Hòa Thanh với 13 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,9%; ấp có hộ nghèo ít nhất là ấp An Bình với 3 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,4%.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và thực hiện Nghị quyết của HĐND xã về công tác giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023, trong đó, phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ đạo với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm”, xuống tận các ấp hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng các mô hình sinh kế theo nguyện vọng của người nghèo. Theo đó, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã phân công Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phụ trách ấp Thuận Điền với 7 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Hội Cựu chiến binh xã phụ trách ấp An Hòa với 12 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Đoàn Thanh niên xã phụ trách ấp An Bình với 3 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo. Hội Nông dân xã phụ trách ấp Hòa Thanh với 13 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo…
Trong những năm qua, thực hiện dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả như mô hình “Nuôi dê sinh sản” với tổng kinh phí hơn 303 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế cho 19 hộ nghèo, trong đó, có 9 hộ cận nghèo, 5 hộ nghèo và 5 hộ có kỹ thuật nuôi dê tại địa phương. Sau 2 năm thực hiện dự án, đã có 1 hộ thoát nghèo, 3 hộ thoát cận nghèo, 1 hộ từ nghèo chuyển xuống cận nghèo. Sau khi kết thúc dự án, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đã chỉ đạo các trưởng ấp tiếp tục chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện tham gia mô hình. Kết quả có 6 hộ có nhu cầu tham gia mô hình giảm nghèo từ dự án “nuôi dê sinh sản” với tổng số tiền hỗ trợ 80 triệu đồng. Hiện nay, đàn dê ở các hộ phát triển tốt, có một số hộ đã có dê con.
Cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, giảm nghèo và xã hội xã An Hiệp Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã đã triển khai thực hiện mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững cho 1 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo với tổng số tiền 170 triệu đồng. Trong đó, xây dựng 3 mô hình “nuôi dê sinh sản”, 1 mô hình nuôi bò, 1 mô hình nuôi vịt, 1 mô hình bán cơm, 1 mô hình bán tạp hóa và 1 mô hình bán bánh cuốn nóng, bánh ướt…
Địa phương cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách dành cho người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế 100% cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động 60 suất học bổng dành cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tặng 15 bồn nước sạch cho chị em phụ nữ nghèo, cận nghèo; tặng 451 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã.
“Thời gian tới, các hội, đoàn thể tiếp tục tiếp cận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đoàn thể mình quản lý để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, điều kiện và khả năng của từng hộ để có định hướng, tư vấn phù hợp với điều kiện từng hộ và theo dõi tiến trình phát triển sinh kế của từng hộ. Từ đó, giúp người nghèo tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tiếp cận các giải pháp về chính sách để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”.
(Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp Nguyễn Tùng Linh)
|
Bài, ảnh: Thành Lập