Án tuyên đã có hiệu lực nhưng khó thi hành

02/04/2012 - 08:20

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre: Trong năm 2011, toàn tỉnh thụ lý 9.813 việc án (tăng 696 việc so với năm 2010), đã ủy thác 120 vụ việc, số việc phải thi hành là 9.693 vụ; trong đó, có 7.640 vụ việc án có điều kiện thi hành (chiếm 78,82%); số vụ việc án chưa có điều kiện thi hành là 2.053 (chiếm 21,18%); số vụ việc án (có điều kiện) đã thi hành xong là 6.802. Trong năm 2012, số vụ việc án chuyển sang để tiếp tục thi hành là 2.487; trong đó, có 838 số vụ việc án có điều kiện thi hành, số chưa có điều kiện là 1.649 vụ việc án.

 

Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động do cơ quan THADS tiến hành theo những thủ tục, trình tự nhất định, nhằm đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của tòa án ra để thi hành. Thế nhưng trong quá trình THA, cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Trần Văn Liêm - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Cục THADS tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong quá trình THA, cơ quan THA gặp khó khăn do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do bản án tuyên không rõ, hoặc tuyên khó thi hành dẫn đến chậm tổ chức THA và dễ phát sinh khiếu nại trong nhân dân. Mặt khác, cũng có một số trường hợp, án tòa cấp phúc thẩm tỉnh tuyên đã có hiệu lực rồi, nhưng sau đó lại có quyết định của TAND tối cao hủy án, giao cho tòa cấp sơ thẩm huyện xét xử sơ thẩm lại; lúc này, việc THA đã xong và dẫn đến hậu quả khác”.

 

1- Án tuyên không rõ, cần phải giải thích thêm

Năm 1992, ông T (Giồng Trôm) có mua của ông N và ông K một phần đất nằm phía trong đất của hai ông này. Lúc mua, hai người bán đất có cam kết dành cho ông T một lối đi từ lộ công cộng ngang qua đất của mình (lối đi này có từ lâu). Phần giáp ranh đất của ông N và ông K có một con mương dẫn nước chung, trước đây ông T vẫn bắc cầu để đi qua. Sau đó, gia đình ông T xích mích với hai chủ đất và bị rào chắn không cho sử dụng lối đi này nữa. Ông T khiếu nại. Hòa giải cấp xã không thành, vụ việc được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Giồng Trôm thụ lý giải quyết.

Ngày 2-8-2010, tòa sơ thẩm huyện Giồng Trôm đã tuyên buộc ông N và ông K phải mở rào chắn và dành cho gia đình ông T một lối đi thuận tiện để ra lộ công cộng. Lối đi này có chiều ngang 1m, dài 27,5m trên đất của ông N, ông K. Ông T có trách nhiệm phải trả tiền cho hai ông này là 7,3 triệu đồng. Ông N, ông K kháng cáo. Ngày 30-9-2010, TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm vụ án, bác kháng cáo của ông N, ông K và tuyên giữ y án sơ thẩm. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành.

Ông T làm đơn yêu cầu THA. Cơ quan THADS huyện tiến hành các thủ tục THA theo luật định. Việc đo đạc, cắm ranh mốc lối đi được thực hiện xong. Ông T bắc cầu xi-măng qua con mương (phần đất giáp ranh giữa ông N và ông K) thì ông N và ông K không cho, vì cho rằng bản án không đề cập đến việc bắc cầu. Ông T khiếu nại Chi cục THADS huyện yêu cầu tiếp tục THA, nhưng không được (do bản án đã thi hành xong). Ông T tiếp tục khiếu nại đến Cục THADS tỉnh, nhưng cũng không được giải quyết. Cuối cùng, ông T đành phải chờ tòa án có văn bản giải thích, bổ sung cho nội dung bản án đã tuyên. 

 

2- Án có hiệu lực thi hành, bị tòa cấp trên tuyên hủy án

Tranh chấp 1.039m2 đất (theo đo đạc thực tế) giữa bà B và ông T xảy ra từ năm 1994. Đất này có nguồn gốc từ ông bà để lại cho các con, bà B và ông T có ranh đất liền kề nhau. Thời điểm này, ông T và bà B đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ). Năm 1999, bà B chết. Năm 2000, ông T được cấp GCN.QSDĐ gồm nhiều thửa, trong đó có thửa đất tranh chấp giữa bà B và ông T (diện tích 1.039m2). Sau khi bà B chết, con bà là chị H tiếp tục khởi kiện, yêu cầu ông T trả lại phần đất đã lấn chiếm của mẹ mình.

Ngày 5-7-2005, vụ án được TAND huyện Bình Đại xét xử sơ thẩm (lần 1). Tòa buộc ông T phải trả đất cho bà H (con bà B). Ông T kháng cáo. TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm (lần 1) ngày 13-10-2005, chấp nhận kháng cáo của ông T, không chấp nhận yêu cầu đòi đất của bà H. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Bà H làm đơn gửi TAND tối cao yêu cầu xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 26-12-2008, TAND tối cao có quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao vụ án cho TAND huyện Bình Đại xét xử lại. 

Ngày 20-1-2011, tòa sơ thẩm TAND huyện Bình Đại xét xử sơ thẩm vụ án (lần 2), chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc ông T phải trả lại 1.039m2 đất mà ông T đã chiếm trước đó cho bà H. Tuy nhiên, sau khi bản án phúc thẩm (ngày 13-10-2005) của TAND tỉnh Bến Tre có hiệu lực thi hành, ông T đã bán lại phần đất này (1.039m2) cho hai người khác. Trong quá trình sử dụng, hai người này đã xây dựng nhà ở, trồng cây trên đất. Tòa định giá tài sản tranh chấp (1.039m2) trị giá bằng tiền là 1,24 tỷ đồng và tuyên buộc ông T có trách nhiệm phải trả cho bà H. Ông T kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Bà H kháng cáo, yêu cầu được lấy đất để sử dụng. Ngày 4-4-2011, TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm vụ án (lần 2), bác kháng cáo của ông T và bà H, giữ y án sơ thẩm, buộc ông T phải trả cho bà H số tiền 1,24 tỷ đồng. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Sau đó, người được THA (bà H) có đơn gửi cơ quan THADS yêu cầu được THA. Cơ quan THA tiến hành các thủ tục THA đúng theo luật định, nhưng ông T không còn tài sản để thi hành án. Bà H lại lúng túng, không biết phải khiếu nại ở đâu và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho bà.

Hai trường hợp nêu trên là hai trong nhiều trường hợp khách quan mà bản án đã tuyên đã có hiệu lực pháp luật, nhưng khó thi hành và dẫn đến khiếu nại.

 

 

H.Đ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN