Anh hùng Sáu Khâm

06/02/2015 - 14:54

Đồng chí, đồng đội chụp ảnh lưu niệm với Sáu Khâm (giữa). (Ảnh do gia đình cung cấp)

Khi ông Tạ Minh Khâm (Sáu Khâm) nằm xuống, người đầu tiên báo cáo bằng thư, gửi Chủ tịch nước về việc truy phong cấp tướng và tuyên dương anh hùng cho ông là ông Tư Chu - Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Nhưng Chủ tịch nước nói bây giờ ông đã về hưu, ông Tư Chu lúc đó cũng về hưu nên rất khó, chỉ có thể tác động mà thôi, nghĩa là việc đề nghị không thành.

Sau đó, tôi có đến chơi nhiều lần gặp ông Tư Chu và nghe ông hay nhắc đến những vị chỉ huy quân sự nổi tiếng, dũng cảm, mưu lược trên chiến trường… Lúc nào trong câu chuyện của ông đều có hình bóng ông Sáu Khâm. Ông và Sáu Khâm vốn là hai người bạn, cùng học Trường Lục Quân Việt Nam lúc đang ở Trung Quốc và lần sau hai ông cùng ra Bắc học ở Học viện Chính trị cao cấp của Quân đội. Cả hai vị là những đại tá quân đội nổi tiếng. Sáu Khâm được biết đến với những trận đánh oai hùng ở chiến trường miền Đông, chỉ huy Trung đoàn 2 và Sư đoàn 9 đều trở thành 2 lần đơn vị anh hùng. Còn ông Tư Chu vang danh với những trận đánh hiểm trong lòng địch. Về sau, ông Tư Chu bị bệnh nan y, nói rất khó khăn. Nhưng dường như có điều gì thôi thúc dữ dội, ông lấy một tập giấy, trong đó ông đề nghị tuyên dương anh hùng những chiến sĩ biệt động của ông trao cho tôi. Nhìn thấy trong danh sách hầu hết các cán bộ và chiến sĩ biệt động, còn ông thì không, tôi hỏi: “Sao không có tên anh?”.

Ông Tư Chu nhìn xa xôi, đôi mắt chớp liên tục. Bên ngoài căn nhà của ông trời đang mưa, sấm chớp ì đoàng. Cơn giông buổi trưa thật lạ, dữ dội rồi ngừng cũng nhanh. Bên tách trà nóng, giọng ông bỗng khó nghe. Nhưng tôi thấu hiểu ông đang quan tâm lo cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, còn ông… Đó là phẩm chất của một bậc “đại phu”. Vốn rất cẩn thận, lúc sắp đi xa, ông đưa cho tôi một xấp tài liệu, trong đó ông phân tích những trận đánh của Trung đoàn 2 do Sáu Khâm chỉ huy và vì sao anh ấy vẫn âm thầm và lặng lẽ. Vì sao Sáu Khâm rất vui khi còn trẻ bỗng trở nên sâu thẳm, như có điều gì đó rất buồn. Thì ra sự đời, có nhiều điều hợp lẽ mà ta thì không bao giờ nhận ra! Người “thường thường bậc trung” nhưng khéo léo, biết cách vượt qua nhiều rào cản ngoạn mục để trở thành “kẻ cả”, với những huấn lệnh cao siêu, giả tạo.

Ông Tư Chu cho tôi đọc rồi lấy lại, nhưng bằng tấm lòng ngưỡng mộ, tôi nhớ những sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của Sáu Khâm. Con người của chiến trận, một quân nhân với phong cách giản dị, khiêm nhường, lối xử thế chân thành, nhân hậu. Tôi bỗng hiểu đây là một con người với biết bao vinh quang và cay đắng của một người lính, một vị chỉ huy quân sự với những thử thách trong những bước ngoặt của cuộc đời. Quả thật, đây là một bậc “đại trí, đại dũng” mà không phải ai cũng nhìn thấy.

Tôi sực nhớ lần đến nhà cố Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc để lấy tư liệu viết bài  “Chuyện về những tờ giấy màu hồng”. Trong cuộc trò chuyện, anh Khắc kể cho tôi nghe chiến dịch Bình Giã, anh vừa là người quay phim, vừa là chiến sĩ xung kích, vừa đạo diễn cho phim trận diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3 gồm 14 chiếc M113 để xác tại trận, Tiểu đoàn bảo an tiểu khu Phước Tuy đi cùng, 107 tên Mỹ - ngụy chết, trong số đó có 9 sĩ quan Mỹ. Hồi đó, Phạm Khắc vác chiếc máy quay phim cọc cạch, mỗi lần quay phải lên dây cót, anh được phân công xuống Tiểu đoàn 1 rồi xuống Đại đội Tạ Quang Tỷ. Điều đặc biệt sau khi trao đổi với Chính ủy Trung đoàn Năm Phòng, Trung đoàn trưởng Sáu Khâm trực tiếp dẫn Phạm Khắc xuống giao cho Đại đội trưởng Tạ Quang Tỷ, ông nói với Tạ Quang Tỷ: “Phải bảo vệ nghệ sĩ Phạm Khắc, giúp đỡ tối đa để anh ấy hoàn thành nhiệm vụ”.

Lời của người chỉ huy nổi tiếng làm Phạm Khắc xúc động. Cách xử sự sâu sát và quyết liệt của Sáu Khâm đã biến cái khó thành cái dễ và làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thán phục. Ông Tư Chu đã có câu nói về Sáu Khâm:

“Người chiến sĩ và cả đơn vị trong chiến đấu hy sinh không tiếc xương máu chỉ vì người chỉ huy mà họ tin tưởng tuyệt đối”.

Phạm Khắc nhanh chóng hòa nhập với đơn vị và ra ngay vị trí phục kích. Trong khi chờ đợi đoàn xe bọc thép của địch trở về, Phạm Khắc dù ở tuyến trước, tuyến xuất phát xung phong nhưng anh vẫn muốn ở phía trước nữa, ở phía giáp địch, chĩa ống kính về phía sau, quay lúc quân ta tấn công, anh đem ý định đó trao đổi với Tạ Quang Tỷ:

“Ở phía trước, ngay gò mối (cách nơi Phạm Khắc và Tạ Quang Tỷ chừng 150 mét) tôi sẽ lên đó, chĩa ống kính về phía quân ta, tuyệt lắm! Khí thế lúc xuất phát xung phong không có gì bằng!”.

Trước đề xuất táo bạo của Phạm Khắc, Tạ Quang Tỷ thấy có lý, nhưng nhớ lời Sáu Khâm, anh không dám tự tiện, vội cho liên lạc chạy về vị trí chỉ huy của Sáu Khâm xin ý kiến. Ngay lập tức Sáu Khâm có mặt, anh gật đầu rồi dặn Tạ Quang Tỷ: “Hỏa lực bắn tập trung, trừ khu vực gò mối”.

Phạm Khắc nói với tôi: “Ở mặt trận, nơi nào nóng bỏng là có Sáu Khâm. Anh có cái nhìn của một người biết trước mọi thời cơ của trận đánh, tiết kiệm từng giọt máu của chiến sĩ và quyết đoán một cách tài tình để cho trận đánh đạt hiệu quả cao nhất. Sáu Khâm là vị chỉ huy mà bọn Mỹ - ngụy nghe đến tên là rúng động tinh thần, có một cái gì đó, anh như một vị oai linh làm cho kẻ thù khiếp sợ”.

Nhìn tôi với ánh mắt và thái độ nghiêm túc, Phạm Khắc tiếp:

“Tên tuổi của anh Sáu đã trở thành niềm tin của cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 9, sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân giải phóng miền Nam...”.

Trung đoàn 2 rồi Sư đoàn 9 do ông làm Tư lệnh, đã từng chạm trán với những sư đoàn khét tiếng của Mỹ như: “Sư đoàn bộ binh số 1- Anh cả đỏ”, “Lữ đoàn kỵ binh không vận 173 - Sứ giả nhà trời”, “Sư đoàn bộ binh số 25 - Tia chớp nhiệt đới”… Ông đã từng chỉ huy Trung đoàn 2 diệt gọn Tiểu đoàn Cọp đen 32 nổi tiếng của quân ngụy ở ấp Đường Long, xã Thanh Truyền, huyện Bến Cát. Trận cầu Cần Đâm lần thứ nhất diệt gọn một tiểu đoàn địch. Trận Đồng Xoài, với chiến công hiển hách, Trung đoàn 2 do ông chỉ huy đánh rất giỏi, được tặng danh hiệu Trung đoàn Đồng Xoài. Sáu Khâm đánh giặc rất khôn và lăn xả, nhiều lần bị thương. Không những đánh giỏi ở rừng, núi, sư đoàn Sáu Khâm còn rất gan dạ khi đánh vào thành phố… được nhân dân giúp sức, dẫn đường, sư đoàn đã vào đến Vĩnh Lộc, Bình Chánh, Tân Bình, Trường đua Phú Thọ, Sư Vạn Hạnh, đánh đến cổng Phi Long, Sân bay Tân Sơn Nhất. Sáu Khâm đã từng giữ những tờ giấy viết vội: “Các anh bộ đội tới, có gạo, thịt kho, bánh tét, cứ ăn để có sức đánh giặc”. Sáu Khâm từng nhắc đến những cô gái dẫn đường vào thành phố, họ nói với ông: “Địch đang ở ngoài ngã tư, ngã ba nào đó, để các em dẫn đi tránh ra phía sau nó rồi sẽ đánh” và không biết bao nhiêu chiến công gắn liền với nhân dân. Sáu Khâm tiếc từng mạng sống của chiến sĩ, tinh thần và tác phong của Sáu Khâm luôn như vậy trong bất kể tình huống nào.

Ông Tư Chu luôn nói với tôi rằng: Sáu Khâm quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, nơi nổi tiếng đánh giặc giỏi. Ông là con ông Tạ Văn Hòe, cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng nuôi giấu ông Dương Quang Đông sau khi vượt ngục Tạ Lài, là em của ông Tạ Văn Tràng và bà Nguyễn Thị Nhàn, mẹ Việt Nam anh hùng. Sáu Khâm có máu đặc công, ông bí mật bò vào tận công sự của địch rồi mới bày ra cách đánh. Với lối tư duy khoa học và ý chí đánh giặc cực kỳ sắc bén, biến khó thành dễ, Sáu Khâm có cách sống giản dị, không hề lãng phí, tác phong gần gũi với mọi người, không hề quan cách, phân biệt cán bộ hay chiến sĩ. Chính vì ông yêu thương chiến sĩ nên được chiến sĩ hết lòng thương yêu. Chuyện rằng, có một chiến sĩ chiêu hồi, địch sai anh ta về giết Sáu Khâm. Đêm đó, Sáu Khâm và anh ta cùng ngủ một nhà với nhau. Anh ta đã nói cho Sáu Khâm biết về âm mưu của địch. Phần anh ta không thể giết Sáu Khâm vì “rất thương Sáu Khâm”.

Tư Chu nói với tôi nhiều lần, lần gần nhất ông nằm viện, nói phều phào, rất khó nghe, phải có người thân dịch lại. Ông nói Sáu Khâm là bậc đàn anh, nhiều vị cấp tướng đang giữ cương vị cao hiện nay đều là cấp dưới của ông, nhiều người đã trở thành anh hùng. Ông Tư Chu một nhân vật huyền thoại cũng vừa được tuyên dương Anh hùng trên giường bệnh.

Tôi viết bài này khi được tin anh Sáu Khâm, người con của Mỏ Cày đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Em gái ông, bà Tạ Thị Chung cũng trở thành Anh hùng Lao động… Tôi rất tin, ông Tư Chu và Sáu Khâm, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc chắc là gặp nhau trong dịp Tết Nguyên đán con Dê 2015 này.

LÊ THÀNH CHƠN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Thanh Duc Vuong Cách đây 21 năm

    Hay lắm anh Chơn !.Tôi cũng rất ngưỡng mộ ông sáu Khâm.

  • Thanh Duc Vuong Cách đây 21 năm

    Vào cuối mùa mưa năm 1974,tôi được phân công cùng đồng đội đưa ông Mai Chí Thọ,trên đường từ miền Bắc trở về,đi Xa Mát,đến trạm khách của bác Năm Đông,tức Dương Quang Đông.<br /> Đến nơi,tôi tắm xong thì đi tìm một người bạn tên Á,công tác tại trạm khách đó mà tôi đã gặp hồi tháng 5/1973,khi ghé trạm khách,trong một chuyến công tác khác,có cả bác sĩ Quang Minh Chính,là con rễ của bác Năm Đông thì ông Mai Chí Thọ,đi từ phía trong trạm khách và gọi tôi đến và đưa cho tôi một cái bao thơ hơi dày rồi nói : " Tôi nhờ cậu cầm cái thơ này,ghé cổng gác của Bộ Chỉ Huy Miền,nói với anh em chuyển giúp thơ này cho ông sáu Khâm nhé ".<br /> Khi ông Thọ quay vào phiá trong,tôi xem cái bao thơ thì thấy tên người gởi là bác sĩ Thuý Ba,sau này có lúc là thứ trưởng Bộ Y Tế.Trên đường trở về Cục Hậu Cần Miền,ở gần Cầu Trắng,Bù Đốp,Bình Long,khi đi ngang cổng gác của Bộ Chỉ Huy Miền nơi mà tôi thường đưa thủ trưởng Cục Hậu Cần Miền vào làm việc với Bộ Chỉ Huy,tôi đưa cái bao thơ cho người gác cổng lúc ấy và nhờ họ chuyển cho ông sáu Khâm.<br /> Sau đó tôi cũng không biết rằng bao thơ đó có hành trình như thế nào và số phận của nó ra sao ? nhưng đó là một kỷ niệm của đời tôi.