Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới. Ảnh: T. M
Thực hành nông nghiệp tốt
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN hiện nay đã trở thành nhu cầu cần thiết đối với nông dân. Hàng năm, hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã có nhiều sáng kiến mới, cải tiến kỹ thuật trên lĩnh vực sản xuất NN có tính ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả cao. Người nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật trong trồng trọt các loại nông sản chủ lực như phương pháp xử lý ra hoa nghịch vụ, sản xuất rải vụ, phủ bạt xiết nước (với chôm chôm), tạo tán, tỉa cành, xử lý ra hoa theo ý muốn, hạn chế rụng trái non (với sầu riêng)... góp phần tăng năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ấp Tân Quy, xã Tân Phú (Châu Thành), với giải pháp “Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp” đã đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VII năm 2018-2019. Gần 30 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm: “Cây sầu riêng thân mềm, trái mọc từ nhánh nên để nhánh dài thì rất dễ gãy khi có dông, gió, đến lúc cắt trái cũng khó, cây quá cao cũng khó xịt thuốc. Thấy vậy, tôi mới mé nhánh để dưỡng sức cho cây, giúp các nhánh phát triển đồng đều, khống chế chiều cao của các cây ở tầm 6,5 - 7m để phát triển gốc và cành. Đồng thời tạo tán hình chóp để giúp cây hấp thụ nắng tốt hơn, hạn chế sâu bệnh”.
Câu chuyện sáng kiến cải tiến kỹ thuật trồng sầu riêng Ri6 của ông Hòa thuật lại tuy nghe đơn giản nhưng đã mang lại những giá trị kinh tế lớn cho gia đình ông. Ông Hòa có 15 công sầu riêng, chủ yếu là sầu riêng Ri6. Năng suất vượt trội, trái sung, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn trái/công, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/công. Hiện nay, xã Tân Phú có nhiều nông dân khác áp dụng cách tỉa cành, tạo tán sầu riêng của ông Hòa, cùng ứng dụng khoa học kỹ thuật theo ngành chức năng khuyến cáo và nhất là thực hành NN tốt để tăng năng suất nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hành NN tốt, áp dụng quy trình kỹ thuật hợp lý không chỉ nhằm tăng năng suất mà còn an toàn cho sức khỏe và môi trường. Là một trong những hộ đã sớm chuyển đổi thực hiện trồng dừa theo quy trình hữu cơ hơn 5 năm nay, ông Trần Hữu Danh ở ấp An Qui, xã An Thới (Mỏ Cày Nam) cho biết, việc trồng theo quy trình hữu cơ đối với ông là giải pháp an toàn cho môi trường sống và sức khỏe, giúp duy trì ổn định chất lượng đất vườn về lâu dài.
Về phía ngành chức năng đã và đang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn, hỗ trợ lắp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản xuất nông sản an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dừa và cây ăn trái chủ lực. Thông qua đó, nhiều mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, sử dụng giống mới và ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, kích cỡ khá đồng đều phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0
Bên cạnh việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật theo hướng chuyên sâu vào trồng trọt và chăn nuôi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất NN trong nhà kín đối với trồng dưa lưới, rau màu, hoa kiểng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và có hệ thống theo dõi giám sát tự động; nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn; hệ thống nuôi tôm tự động… Mặc dù được xem là giải pháp chính nhưng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Nông dân Nguyễn Văn Hòa ứng dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán hình chóp cho cây sầu riêng Ri6. Ảnh: T. Đồng
Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, mặc dù chủ trương xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh nhận được sự đồng thuận của nông dân nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa triệt để, chất lượng sản phẩm làm ra không đồng đều, gây khó khăn trong thu mua của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn do người dân còn giữ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên khó quy tụ diện tích đất để tập trung sản xuất gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ. Đây là thách thức lớn nhất của NN tỉnh nhà trong thời kỳ NN 4.0.
“Phương hướng tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hướng dẫn cho nông dân rõ hơn trong xây dựng chuỗi giá trị, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để làm ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đầu ra”, ông Võ Văn Nam cho biết.
Ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú (Châu Thành) cho biết, chính quyền địa phương đang vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xã cũng khuyến cáo và hướng dẫn bà con thực hiện sổ sách ghi chép, thực hành NN tốt, ghi chép ngày rải phân, xịt thuốc, ngày cách ly trái cây. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hành NN tốt là con đường tất yếu mà NN Bến Tre phải đẩy mạnh thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Trung - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao cho biết, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Điển hình, các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng đã được thử nghiệm và ứng dụng vào sản xuất đại trà cho hiệu quả như các giống lúa chất lượng cao (như OM 4900, OM 6162). Giống lúa chịu mặn, thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng lúa tôm như OM 9921, OM 1348, OM 1352... Hiện diện tích lúa sử dụng giống mới chiếm khoảng trên 70% diện tích gieo trồng.
Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh như sản xuất cây ăn trái VietGAP; sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính; sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác rau; kỹ thuật tưới tự động cũng đã bắt đầu được áp dụng trong sản xuất lúa, rau và hoa cao cấp. Nhiều cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thực hành nông nghiệp tốt. Việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh trong sản xuất trồng trọt đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác... Công nghệ nuôi tôm trong nhà kính hay nuôi tôm theo công nghệ hai giai đoạn cũng mang lại hiệu quả đột phá về nâng cao năng suất lên gấp 5 - 7 lần so với cách nuôi truyền thống.
Riêng 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã nghiệm thu cơ sở và cấp tỉnh các đề tài/dự án chương trình công nghệ cao như đề tài Nghiên cứu cải thiện phương pháp kéo dài thời gian bảo quản trái dừa tươi xuất khẩu; Nghiên cứu hiệu quả của một số sản phẩm nông dược có nguồn gốc tự nhiên trong sản xuất rau màu tại tỉnh Bến Tre; Dự án Xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre; Dự án Xây dựng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre; Dự án Nuôi cấy mô và xây dựng mô hình trồng các loại lan có giá trị kinh tế cao; Dự án Sản xuất giống chuối hột bằng nuôi cấy mô và xây dựng mô hình rồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN đã nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như sản xuất, trồng và cung cấp cây giống, cây ăn quả, cúc đồng tiền, hoa lan, nha đam Mỹ, cây chuối Nam Mỹ, chuối Xiêm, chuối đỏ; triển khai trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng; trồng ổi, hoa kiểng trong nhà màng. Trung tâm hoàn chỉnh lắp đặt 2 hệ thống tưới năng lượng mặt trời tại xã An Khánh (Châu Thành) và xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre); chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng cà chua và rau an toàn cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Sóc Trăng; hoàn chỉnh bao bì sản phẩm dung dịch thủy canh cho rau ăn lá, chế phẩm sinh học EM; nghiên cứu quy trình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo. Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, Trung tâm theo dõi xây dựng và hướng dẫn kỹ thuật mô hình ủ phân ở ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam; mô hình sử dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi ở Mỏ Cày Bắc…
Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.500ha cây ăn trái và dừa được công nhận GAP và hữu cơ. Cụ thể là 16,5ha dừa uống nước, gần 4.300ha dừa công nghiệp, trên 132ha bưởi da xanh, 24ha nhãn. Điển hình như tại vùng cây ăn trái, hoa kiểng Chợ Lách có hơn 600ha cây ăn trái được áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó trên 144ha (238 hộ) đã đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. |
Thanh Đồng