Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 37.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác năng lượng nhằm phát triển sự sáng tạo về năng lượng trong ASEAN, cũng như với các nước đối tác. Các chủ đề thảo luận sẽ liên quan đến phát triển công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng nhằm làm cho ASEAN có khả năng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi cơ cấu năng lượng, thay đổi từ các dạng năng lượng hoá thạch sang các loại năng lượng sạch, bền vững hơn trong tương lai.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cho biết, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Năng lượng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, nhu cầu sử dụng năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng lớn do khối đang tăng trưởng kinh tế và xã hội nhanh. Việc chỉ sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống là không đủ đáp ứng trong tương lai. Chính vì vậy, khu vực ASEAN cần phải hướng tới việc phát triển thị trường năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cùng với những nguồn năng lượng truyền thống vốn có để đảm bảo an ninh năng lượng.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định, khu vực đang trong kỷ nguyên chuyển dịch cơ cấu năng lượng, vì vậy, cần phải đầu tư lớn cho phát triển công nghệ năng lượng trong tương lai nhất là các nguồn năng lượng phi hoá thạch để vừa có thể đảm bảo nhu cầu, vừa có thể phát triển một cách bền vững.
Ngoài ra, việc trao đổi năng lượng giữa các quốc gia ASEAN cũng cần được tăng cường. Với tư cách là nước chủ tịch ASEAN năm nay, việc định hình tương lai của chính sách năng lượng ASEAN được Thái Lan đặc biệt ưu tiên coi trọng. Ví dụ, Thái Lan đã có cam kết trao đổi điện với Lào và Malaysia. Ba nước đã cam kết năng mức giao dịch điện lên 300 megawatt. Theo người đứng đầu chính phủ Thái Lan, đây là mô hình cần được mở rộng nhằm tăng cường kết nối điện lưới ở ASEAN.
Thủ tướng Thái Lan nói: “Tôi thấy rằng vấn đề chính của cuộc họp Bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 37 này có ý nghĩa vô cùng to lớn, phù hợp và rất kịp thời với thời đại phát triển công nghệ nhanh như hiện nay. Đặc biệt chú trọng vào việc cùng nhau hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau, giữa ASEAN với các nước đối tác nhằm phát triển và đổi mới cơ cấu năng lượng trong giai đoạn chuyển dịch này. Từng bước chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng sạch mang tính chất bền vững trong tương lai”.
Theo ông Prayut, một số nghiên cứu mới được hoàn thành trong năm nay có thể khẳng định hợp tác năng lượng trong ASEAN, cũng như với các đối tác và các tổ chức quốc tế, như nghiên cứu về cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) quy mô nhỏ, các khuyến nghị về việc đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện ASEAN (APG).
Những nghiên cứu trên có khả năng phục vụ cho Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) với mục tiêu kết nối năng lượng và năng lượng bền vững; trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 25% vào năm 2025.
Trước đó, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng đã diễn ra vào ngày 2 và 3-9-2019. Bên lề AMEM 37, Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng ASEAN (AEBF) cũng sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 5-9-2019.
Nguồn: VOV