Nhà hát Opera Sydney phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 14-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24-7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 193.855.636 ca, trong đó có 4.157.548 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ngày 22-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 175.995.187 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.702.901 ca và 82.132 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 23-7, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.270.045 ca, trong đó 626.588 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ.
Người dân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 trong thời tiết nắng nóng ở quận Seongbuk, Seoul. Ảnh: Mạnh Hùng-PV TTXVN tại Hàn Quốc
Tại châu Á, Hàn Quốc sẽ gia hạn 2 tuần áp dụng các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất ở khu vực Seoul và vùng phụ cận trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước này chưa có dấu hiệu suy giảm.
Theo đó, Seoul, tỉnh Gyeonggi xung quanh thủ đô và thành phố cảng phía Tây Incheon sẽ tiếp tục giãn cách xã hội như hiện nay tới ngày 8-8. Quyết định này được đưa ra do sự gia tăng liên tục các ca COVID-19 mới ở khu vực thủ đô, chiếm gần 70% tổng số ca nhiễm mới.
Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận thêm 1.630 ca nhiễm, trong đó có 1.574 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 185.733 ca nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm 2.066 bệnh nhân không qua khỏi.
Cảnh sát gác gần khu vực Cầu cảng Sydney, Australia, ngày 18-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Australia, bang New South Wales thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất từ đầu năm đến nay, với 136 ca. Thực tế này đã buộc giới chức bang siết chặt các biện pháp phong tỏa tại Sydney. Đến nay, tại Australia đã có hơn 1.900 ca lây nhiễm được xác định liên quan đến chùm lây nhiễm biến thể Delta phát hiện hồi giữa tháng 6. Hiện biến thể Delta cũng đã xuất hiện tại các bang Victoria và Nam Australia, khiến hơn 1/2 dân số Australia trong tình trạng bị phong tỏa.
Lãnh đạo bang New South Wales của Australia nhận định số ca mắc mới tại thành phố Sydney đang tăng quá nhanh khiến đợt bùng phát mới tại đây trở thành một "tình huống khẩn cấp quốc gia". Thừa nhận rằng biện pháp phong tỏa kéo dài 1 tháng đã không thể giúp ngăn chặn đợt bùng phát mới do biến thể Delta tại Sydney, chính quyền bang New South Wales đã kêu gọi Chính phủ Australia khẩn cấp chuyển thêm vaccine và các nguồn lực tới hỗ trợ bang này. Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì bùng phát dịch bệnh có thể mở đường để chính phủ liên bang can thiệp nhiều hơn trong công tác phòng, chống dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận thêm 9.586 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, tính đến nay nước này đã có tổng cộng gần 5,64 triệu ca, trong đó có 50.761 ca tử vong, tăng 52 ca trong ngày.
Iraq cũng ghi nhận 8.106 ca mắc mới, mức cao nhất tính theo ngày trong năm nay và nâng tổng số lên 1.526.043 ca, trong đó có 18.101 ca tử vong.
Cùng ngày, với 7.745 ca mắc mới, Cuba đã ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Bộ Y tế nước này cho biết tổng số ca đã lên tới 308.599 ca, trong đó có 2.137 ca tử vong, tăng 65 ca trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Cuba, quốc gia Caribe này cũng lập kỷ lục không mong muốn về số bệnh nhi mắc COVID-19 trong một ngày, với 1.351 ca. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất, hơn 30% dân số Cuba đã được tiêm ít nhất một liều của vaccine nội địa.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nottingham, miền Trung Anh ngày 22-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại các nước châu Âu - nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song biến thể Delta vẫn đang "hoành hành". Thậm chí, cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Chính phủ Pháp cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong những tháng mùa Đông năm nay.
Hiện Pháp đang đương đầu với làn sóng mới với số ca mắc mới tăng cao chưa từng có được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng hơn 5,93 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong. Những ngày gần đây, trung bình Pháp ghi nhận khoảng hơn 19.000 ca mắc mới.
Ngày 23-7, cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Chính phủ Pháp cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong những tháng mùa Đông năm nay. Quốc gia này hiện đang đương đầu với làn sóng mới với số ca mắc mới tăng cao chưa từng có được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng hơn 5,93 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong. Những ngày gần đây, trung bình Pháp ghi nhận khoảng hơn 19.000 ca mắc mới.
Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23-7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu. Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28-6 – 11-7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech cho người dân tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 31-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đức đã đưa Tây Ban Nha và Hà Lan vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ các nước này phải thực hiện cách ly ít nhất 5 ngày nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Theo Viện Dịch tễ Robert Koch của Đức, quyết định này có hiệu lực từ ngày 27-7 tới và được đưa ra đúng mùa cao điểm du lịch khi học sinh, sinh viên trên khắp nước Đức bước vào kỳ nghỉ Hè.
Tại Anh, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 36.389 ca nhiễm mới COVID-19 và thêm 64 trường hợp tử vong.
Chính phủ Italy cũng đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp, vốn được kích hoạt từ ngày 31-1-2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31-7. Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến 31-12 tới sẽ trao thêm quyền cho chính phủ, cũng như chính quyền các vùng trong việc huy động nguồn lực y tế hậu cần khi cần thiết, nhằm bảo vệ công dân trước biến thể Delta.
Theo Thủ tướng Italy Mario Draghi, biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn hơn nhiều các biến thể khác. Ông Mario Draghi kêu gọi người dân Italy tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và gia đình, khẳng định không tiêm phòng, đồng nghĩa với việc các biện pháp chống dịch sẽ phải tái áp đặt.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 28-6-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Matshidiso Moeti cho rằng làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba tại châu Phi đang ở giai đoạn bước ngoặt. Tuần qua, trong khi tỷ lệ mắc mới COVID-19 mới giảm chưa đến 2% (chủ yếu nhờ số ca mắc tại Nam Phi giảm) thì 21 quốc gia tại "Lục địa Đen" đang chứng kiến nguy cơ dịch bùng phát mạnh, khi số ca mắc mới có thể tăng hơn gấp 3 lần so với tuần trước. Do đó, đại diện WHO cảnh báo: "Đừng ảo tưởng, làn sóng dịch thứ ba của châu Phi hoàn toàn không kết thúc".
Liên quan đến vaccine, Bộ Y tế Israel vừa công bố các số liệu nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine đã mang lại hiệu quả tới 91% trong ngăn ngừa các biến chứng nặng đối với các bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, một nghiên cứu được tiến hành với các nhóm dân cư đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine trong các khoảng thời gian khác nhau ở nước này cho thấy vaccine đã mang lại hiệu quả chung tích cực không chỉ đối với các ca bệnh nặng, mà còn đạt hiệu quả tới 88% trong việc giảm số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện. Hiện Israel vẫn áp dụng cơ chế chỉ nhập viện đối với các ca có diễn biến nặng, các ca nhẹ hơn được theo dõi và điều trị tại nhà.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã bổ sung triệu chứng rối loạn thần kinh, gọi là hội chứng Guillain-Barr (GBS), vào danh sách tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine Janssen phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J). Bên cạnh đó, EMA đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Đây là vaccine thứ hai được EU cho phép sử dụng đối với lứa tuổi vị thành viên.
Nhân viên cấp cứu nghỉ tạm trên ghế băng sau một ngày bận rộn vì vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Guwahati, Ấn Độ ngày 25-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đông Nam Á, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23-7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 94.552 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 126.800 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và hiện là tâm dịch của cả thế giới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 22-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Thậm chí, trong 1 ngày qua, nước này không ghi nhận ca tử vong nào.
Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 23-7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 144 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 23-7 ghi nhận thêm trên 14.500 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 114 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 825 bệnh nhân mới và 34 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 126.813 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.858 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.549.386 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.357.911 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Nguồn: TTXVN