 |
Vợ chồng bà Hoa và 2 cháu nội cùng sống trong mái nhà lá nhỏ bé, nhưng ấm áp tình người. |
Sống trong hoàn cảnh khó khăn ở vùng đồng quê mới hiểu người ta vì sao nghèo khổ. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, 53 tuổi (ấp 1, Lương Hòa, Giồng Trôm). Bà hiểu khi túng quẫn, họ đi vay bạc nóng một đồng, trả lãi đến ba đồng mà nợ gốc vẫn chưa trả hết. Tiền làm thuê hàng ngày không đủ để trả lãi hàng tháng thì lấy đâu có dư mà để dành. Cái vòng lẩn quẩn cứ đeo bám suốt một đời những người đêm ngày đầu tắt mặt tối.
Bà Hoa kể lại: Tội nghiệp bà Hai Gấm (Trần Thị Gấm, ấp 1) có con còn nhỏ quá, thiếu thốn mọi bề, đâm ra mắc nợ hoài. Đã bao nhiêu lần bà hai hứa trả rồi lại khất hẹn. Có lần bà Hai Gấm có ý định mở một cái quán nhỏ để bán nước giải khát mà cũng không có vốn. Đâu còn ai tin tưởng mà cho bà vay nữa.
Trăm người trăm cảnh khổ! Hiểu vậy, bà Hoa nghĩ nên giúp họ nắm bắt cơ hội tốt để có thể thoát nghèo. Thế là bà mạnh dạn đứng ra bảo lãnh giúp những người nghèo khó được vay vốn từ dự án của Thụy Sĩ hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế. Có người ngăn cản việc làm này của bà vì sợ có ngày gánh thêm phần nợ của người khác trong khi hoàn cảnh của gia đình cũng chưa thoát khỏi cái nghèo. Bà Hoa phân trần: “Là vì người ta quá khổ nên mới cần sự giúp đỡ, trách nhiệm của mình hỗ trợ cho họ vay”. Có hôm, chiều tối về nhà nhìn 2 đứa cháu nội phải húp cháo trắng thay cơm, bà thương đến thắt lòng. Nhưng nếu nghĩ đến tiền bạc, sao bà dám tự nguyện lãnh hết mọi công việc của ấp như làm cộng tác viên dân số, cộng tác viên HIV/AIDS, theo dõi trẻ suy dinh dưỡng, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản… Cộng lại hết các khoản thù lao cũng chỉ hơn 200 ngàn đồng mỗi tháng. Bà nghĩ rằng sống cho cộng đồng xuất phát từ tình yêu thương thì sẽ dễ sống hơn.
Được cảm hóa bởi tấm lòng của bà, hầu hết những người vay vốn đều sử dụng đồng vốn có hiệu quả và trả nợ đúng hoặc trước hạn, như bà Gấm, bà Giang, bà Sáu, bà Phấn… Bà Hai Gấm giờ không chỉ hoàn nợ đầy đủ mà còn có việc làm ổn định và được tín nhiệm làm nhóm trưởng nhóm vay vốn. Còn bà Giang giờ nuôi được con bò. Hai vợ chồng bà siêng năng cắt cỏ cho bò và trồng hoa màu. Bà Sáu giờ cũng biết nuôi cá, nuôi gà ổn định kinh tế gia đình. Thấy vậy, bà Hoa an tâm hơn vì nếu họ có làm ăn thất bại cũng không sợ lỗ nhiều và cũng không đến nỗi lo toan như lúc phải chạy vạy vay, trả bạc nóng bên ngoài.
Dù tuổi cao, không còn nhanh nhẹn như hồi còn trẻ nhưng có mấy khi bà Hoa chịu ngồi yên ở nhà nghỉ ngơi đâu. Chân bà cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác. Hễ nơi nào có mất trộm, hàng xóm gây gổ, vợ chồng cãi vã là vợ chồng bà Hoa đến trước nhất để trấn an, khuyên giải.
Cảnh sống của bà Hoa còn cơ hàn, ngôi nhà lá cất lại ở tạm sau bão tuy nhỏ bé, nhưng ai ngờ rằng bên trong là cả một mái ấm tình người mà nhiều bà con nơi ấy vẫn tin tưởng, nương tựa và phấn đấu.