Ba Tri chủ động ứng phó xâm nhập mặn

13/03/2024 - 05:45

BDK - Trước dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao điểm (tháng 2 đến 4-2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, các cấp chính quyền huyện Ba Tri chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất tác động của hạn mặn đến đời sống của người dân.

Gia đình ông Võ Hồ Măng (ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng) giới thiệu mô hình trữ nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt mùa mặn.

Gia đình ông Võ Hồ Măng (ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng) giới thiệu mô hình trữ nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt mùa mặn.

Chủ động ứng phó

Chuẩn bị ứng phó cho mùa hạn mặn năm 2023-2024, ông Võ Hồ Măng (ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng) đã chủ động đào ao với diện tích 1.000m2 để tích trữ gần 1.500m3 nước ngọt. Ngoài ra, gia đình ông còn 26 ống hồ chứa 30m3 nước mưa. Phấn khởi vì nguồn nước ngọt đảm bảo, ông Măng nói: “Năm nay, tôi ứng phó hạn mặn thành công. Với lượng nước còn trong ao và ống hồ thì khỏi lo thiếu nước ngọt xài”.

Ông Võ Hữu Tài (ấp An Hòa, xã An Ngãi Tây) cho hay: “Nước nhiễm mặn hơn 2 tháng nay. Gia đình tôi dùng nước máy để phục vụ tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày và cho bò uống. Nước uống, nấu ăn thì dùng nước mưa đã trữ từ mùa mưa năm 2023. Hiện tại, nước ngọt chưa quá áp lực với gia đình tôi”.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Bình cho biết: Qua các đợt hạn mặn và sự vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã, người dân có ý thức phòng chống hạn mặn. Phần lớn người dân có biện pháp tích trữ nước mưa, ngăn đê bao cục bộ trong mương vườn chứa nước ngọt để sử dụng. Tình hình nguồn nước cho sinh hoạt trên địa bàn cơ bản ổn định”.

Ngay sau khi bắt đầu vào mùa khô cuối năm 2023, UBND huyện Ba Tri đã khẩn trương chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, chủ động ứng phó. Tổ chức tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể người dân được biết tham gia cùng thực hiện.

Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tình hình hạn mặn trên địa bàn huyện chưa gay gắt, nguồn nước ngọt vẫn đảm bảo cho sinh hoạt của người dân. Toàn huyện có 13 nhà máy nước (NMN) cung cấp nước sinh hoạt với tổng công suất cấp nước là 1.400m3/h, đảm bảo cung cấp nước cho hộ dân trên địa bàn. Nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt của người dân tương đối ổn định, đảm bảo.

Kịp thời thông tin độ mặn

Hiện nay, độ mặn đo được tại các cống ngăn mặn trong huyện như: Cây Da, Vàm Hồ, Cầu Vĩ, Hai Cửa, Cái Bông từ 1,1 - 1,3 trong đồng, ngoài sông 1,2 - 14,8. Kết quả đo độ mặn tại các NMN trên địa bàn huyện cao nhất tại NMN Tân Hưng dao động 2,6 - 2,7 tùy con nước, NMN An Hiệp, Kênh Lấp 1.05 - 1,39, NMN An Phú Trung, Tân Mỹ độ mặn dưới 1%o.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri Nguyễn Hữu Học cho biết: Thời gian qua, huyện Ba Tri đã chủ động phối hợp với Chi nhánh 1 - Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (CTTL) tỉnh vận hành điều tiết nước tại các hệ thống CTTL huyện, liên huyện Ba Tri - Giồng Trôm, Ba Tri - Bình Đại đạt được kết quả tốt. Lịch đóng mở các công trình trong thời gian hạn mặn theo kế hoạch và bám sát tình hình độ mặn thực tế.

Cùng với đó, UBND huyện đã tranh thủ các nhà đầu tư xây dựng mở rộng mạng lưới nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện đảm bảo cấp nước ngọt để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Chủ động phối hợp với các ngành tỉnh, Chi nhánh 1 - Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh, các huyện có chung nguồn nước nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, điều tiết dòng chảy, ngăn ngừa các tác hại đối với các nguồn nước. Phối hợp theo dõi, đo kiểm tra độ mặn trong nội đồng; đồng thời, tổ chức đo độ mặn các điểm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện. Tuyên truyền, phổ biến trên các nhóm Zalo cộng đồng mạng, phát thanh trên Đài truyền thanh huyện cho người dân biết chủ động.

Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương cho hay, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn liên quan thường xuyên phối hợp kiểm tra định kỳ các cơ sở NMN cung cấp nước theo hướng dẫn của Sở Y tế. Triển khai có hiệu quả các thông tin quan trắc môi trường. Huyện có 6 trạm quan trắc môi trường (đặt tại: Hạt Kiểm lâm, Hợp tác xã Thủy sản Tân Thủy, Hợp tác xã Thủy sản Bảo Thuận, cầu số 2 xã Bảo Thuận, cống Giồng Trơn xã Bảo Thạnh, cống Rạch Nò xã Bảo Thạnh).

Sắp tới, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống xâm nhập mặn, ứng phó thiên tai, sạt lở, triều cường. Phối hợp với các ngành tỉnh, Chi nhánh 1 - Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh, các huyện có chung nguồn nước điều tiết nước phù hợp nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý; điều tiết dòng chảy, ngăn ngừa các tác hại đối với các nguồn nước đảm bảo nước cung cấp cho người dân sử dụng không bị ô nhiễm. Điều tiết nước sản xuất 600ha lúa vụ 3.

“Để ứng phó hạn mặn lâu dài, huyện đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống CTTL và thi công xây dựng công trình ngăn mặn trữ ngọt. Trong đó, xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng và các CTTL nhỏ… Phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, quản lý vận hành thông minh, đảm bảo bền vững. Xây dựng công trình Dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri. Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng theo kế hoạch đã đăng ký năm 2023, 2024”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN