Ba Tri và Giồng Trôm tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

08/04/2019 - 21:37

BDK.VN - Chỉ trong quý I-2019, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri đạt tỷ lệ khá cao: Ba Tri có 144 lao động, đạt 55,38% kế hoạch năm (chỉ tiêu năm 2019 là 260 lao động), Giồng Trôm có 173 lao động, đạt 86,5% kế hoạch năm (chỉ tiêu giao là 200 lao động). Cả hai đơn vị đang có nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác này, xem đây là một trong những nhiệm vụ “tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá” trong công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững và khởi nghiệp…

Pa-nô tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại huyện Giồng Trôm.

Pa-nô tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại huyện Giồng Trôm.      

Phấn đấu vượt chỉ tiêu

Số liệu này đã chứng tỏ đây là hai địa phương có thế mạnh và nhiều năm liền dẫn đầu cả tỉnh về công tác XKLĐ. Bà Lê Thị Thanh Diệu - Chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Ba Tri (phụ trách lao động - việc làm) cho biết: Số liệu trên là theo báo cáo quý I-2019, đến nay đã khác, đã tăng lên rất nhiều. Ngay từ tháng 1-2019, Phòng LĐTB&XH huyện đã có Kế hoạch số 121 (ngày 14-1-2019) về việc tổ chức truyền thông khởi nghiệp và tư vấn việc làm, học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dành riêng cho đối tượng là bộ đội xuất ngũ. Tại buổi truyền thông này, đã có 175 bộ đội xuất ngũ tham dự, kết quả có 57 người đăng ký tham gia đi hợp tác lao động (tại thị trường Nhật Bản 50 lao động và Hàn quốc 7 lao động). Nhờ đó, công tác XKLĐ của huyện Ba Tri trong quý I đạt được những kết quả khả quan.

Tại huyện Giồng Trôm, trong số 173 lao động đã “bay” trong quý I-2019 thì có 8 lao động thuộc diện hộ nghèo, 9 lao động thuộc diện hộ cận nghèo và 15 lao động là bộ đội xuất ngũ. Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Giồng Trôm Phạm Quốc Toàn cho biết, công tác này đã được Huyện ủy, UBND huyện quán triệt cho các ban, ngành, đoàn thể huyện ngay từ buổi “Khai việc đầu năm” 2019. Địa phương cũng vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh) đến triển khai, quán triệt Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, với tinh thần “Đi học nghề, về làm chủ và khởi nghiệp”. Phấn đấu trong năm 2019, sẽ thực hiện hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu được giao.

Nhiều giải pháp để “bứt phá”

Theo bà Lê Thị Thanh Diệu, Ba Tri rất chú trọng công tác XKLĐ. Ngay từ đầu năm 2019, Phòng LĐTB&XH huyện đã kịp thời tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyên đề để truyền thông, tư vấn XKLĐ cho bộ đội xuất ngũ và đạt kết quả khá tốt. Riêng về tuyên truyền cổ động trực quan, bằng công tác xã hội hóa, phòng đã xây dựng và đặt 12 cụm pa-nô tại các xã trọng điểm trên địa bàn huyện sau khi đã rà soát và nắm chắc số lượng lao động của địa phương. Bên cạnh đó, phòng cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục tuyên truyền thường xuyên về công tác XKLĐ, nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề, chế độ cho đối tượng ưu tiên, nguồn vốn vay…

“Riêng về Kế hoạch số 1071 của UBND tỉnh, trong tháng 4-2019, sau khi tỉnh triển khai, UBND huyện Ba Tri cũng sẽ triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể huyện. Hiện nay, Phòng LĐTB&XH huyện đã trình UBND huyện kế hoạch cụ thể hóa Kế hoạch số 1071 và sẽ triển khai cho các địa phương” - bà Diệu cho biết.  Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế nhiều địa phương trên địa bàn huyện, khó khăn hiện nay cần tập trung tháo gỡ là việc giải ngân nguồn vốn vay từ ngân hàng, bởi ngành này quy định chỉ giải ngân khi lao động chính thức “bay”. Điều này làm trở ngại cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo…

Ông Phạm Quốc Toàn - Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Giồng Trôm cho biết, thời gian qua, huyện làm rất tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Đồng thời, có mối quan hệ rất chặt chẽ với đơn vị làm công tác XKLĐ. Trong thời gian tới, căn cứ vào đơn đặt hàng tuyển dụng của các công ty (đối tác tin cậy của huyện nhiều năm qua), huyện sẽ thông tin tuyển dụng, sàng lọc và chọn lao động phù hợp để cung ứng. Huyện phục vụ xe miễn phí để đưa lao động lên TP. Hồ Chí Minh. Riêng với việc giải ngân các nguồn vốn vay, khi lao động có giấy tuyển dụng thì ngân hàng sẽ giải ngân nguồn vốn vay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ cho vay tín chấp các khoản chi phí phát sinh, chỉ cần hộ gia đình có đất và nhà ở (dù diện tích nhiều hay ít).

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục được huyện đẩy mạnh để tuyên truyền, vận động và lồng ghép với công tác tuyên truyền về đề án sinh kế, thoát nghèo, sàng lọc và tuyển chọn lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

“Công tác XKLĐ của huyện nhiều năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao là có sự phối hợp và sự vào cuộc rất tích cực của các đoàn thể, các hội quần chúng trong công tác tuyên truyền, vận động” - ông Toàn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết quý I-2019 tại huyện Giồng Trôm, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác XKLĐ, bởi đây là lợi thế rất lớn của huyện trong những năm qua. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, tạo sinh kế, thoát nghèo và khởi nghiệp.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích