Ba Tri vào vụ rau màu phục vụ Tết

19/12/2022 - 06:39

BDK - Toàn huyện Ba Tri có hơn 500ha trồng rau màu, với nhiều loại hành tím, hành lá, ngò rí, cần tàu, xà lách, hẹ, rau má, cà chua, ớt, khổ qua... Rau màu được trồng tập trung ở các xã: Tân Thủy, An Hòa Tây, Vĩnh An, Bảo Thuận, Phước Ngãi, Vĩnh Hòa, An Hiệp. Canh tác rau màu tạo thu nhập hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Ông Lê Văn Tuấn đang tưới rau màu của gia đình.

Ông Lê Văn Tuấn đang tưới rau màu của gia đình. 

Thu nhập ổn định

Gần 40 năm, ông Phan Nhựt Huynh (Năm Huynh), sinh năm 1957, ấp Tân Phước, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác rau màu đạt hiệu quả. Theo ông, trước kia gia đình được Nhà nước và địa phương cấp cho 1,5 công đất để trồng lúa. Qua thời gian chuyên cần cùng cây lúa nhưng do phèn cũng như ảnh hưởng của nguồn nước, trồng lúa hiệu quả kém nên ông Năm Huynh đã chuyển sang trồng rau màu.

“Tân Phước là vùng đất có điều kiện tự nhiên cũng như thổ nhưỡng phù hợp cho trồng rau màu hơn cây ăn trái. Đất ít nên trồng lúa không mang lại thu nhập cao. Tôi chọn trồng rau màu tạo nguồn thu ổn định và thường xuyên để phát triển kinh tế gia đình. Tôi trồng rau màu 3 vụ/năm. Đợt này thu hoạch vừa rồi cho đất nghỉ dưỡng ít hôm và tiếp vụ tới. Thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng từ công việc canh tác rau màu”, ông Năm Huynh tâm sự. 

Ông Năm Huynh gắn hệ thống nước tưới vòi phun tự động hơn 2 triệu đồng và vòi tưới khoảng 3 triệu đồng giúp thuận lợi tưới tiêu rau màu. Trong canh tác, ông Năm Huynh sử dụng lượng phân DAP đến thu hoạch cho 1,5 công rau màu là khoảng 50kg. Phân bón lá sinh học Humic (Hợp trí Super Humic), ông sử dụng lần đầu khi rau phát triển được 10 ngày, khoảng 20kg/1,5 công. Đợt cuối khi rau đã trưởng thành, có thể thu hoạch được từ 30 - 35kg. Sử dụng 4 bình (bình có dung tích từ 16 - 20 lít) thuốc sinh học bồi dưỡng 5 - 7 ngày/lần, 20 - 30ml/bình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy Lê Thanh Bình chia sẻ, toàn xã trồng  rau màu với diện tích 289ha, thu hoạch khoảng 17 tấn/ha. Đa phần nhà nông trồng rau ăn lá (ngò rí, cần tàu...) và cà chua, dưa leo, khổ qua... Năm 2021, ấp Tân Phước đã chuyển đổi 9ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác rau màu đạt hiệu quả kinh tế ổn định. Ông Phan Nhựt Huynh là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Phước đầy trách nhiệm, tận tâm trong công tác hội và là nông dân sản xuất rau màu có hiệu quả ở địa phương.

Trồng xen tăng thu nhập

“Tôi trồng rau trên 20 năm, khi còn con gái và sống cùng gia đình ruột. Hiện tại, vợ chồng tôi canh tác rau màu được 7.000m2 (đất nhà ở xã Vĩnh Hòa và đất mua cặp kênh thủy lợi thuộc xã Vĩnh An), trồng lúa (9 công) và 2 công đang trồng dừa. Trồng rau màu, 3 - 4 vụ/năm và luân phiên trên cùng mùa vụ, thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/công hành lá hay ngò rí (phụ thuộc giá cả thị trường)”, bà Hồ Thị Loan (43 tuổi, ở ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa) bộc bạch.

Còn theo ông Lê Văn Tuấn (49 tuổi, Ấp 3, xã Vĩnh An), ông trồng rau màu trên 25 năm. Hiện tại, ông đang canh tác được 3,5 công đất, thu nhập trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/công. Trong 3,5 công trồng màu, có 500m2 trồng cà chua, 1.000m2 đã cải tạo đất và dự tính trồng đậu bắp và 0,5 công mới sạ giống quế đất để tạo thu nhập đón mừng xuân. 1 công đất đang trồng hành lá và xen ngò rí đến thời gian thu hoạch, trung bình thu hoạch 30 - 40kg ngò rí/ngày. 

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri Nguyễn Xuân Vinh cho biết: Đa phần nông dân sản xuất rau màu theo kiểu truyền thống. Hiện nay, tại An Hòa Tây có 1 nhóm sản xuất theo VietGAP (0,9ha) và 2 nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS (0,5ha). So với trồng lúa truyền thống hay gia đình có diện tích đất canh tác ít quyết định chuyển đổi sang canh tác rau màu đã mang lại nguồn thu nhập cao hơn trồng lúa, góp phần phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN