Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển năm 1982) được 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, ký kết tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10-12-1982. Công ước gồm 17 phần, 320 điều khoản, 9 phụ lục và 4 nghị quyết. Công ước có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Hiện nay đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước.
Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 là một văn
kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng
nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, xác định rõ ràng quyền
và nghĩa vụ của mỗi quốc gia (có biển cũng như không có biển, phát triển hay
đang phát triển) về nhiều mặt như: an ninh, bảo vệ, nuôi trồng, khai thác tài
nguyên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, công nghệ… đối với các vùng
biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như đối
với các vùng biển nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán quốc gia. Công ước
cũng đã đặt ra trình tự và thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các
quốc gia bằng biện pháp hòa bình.
Công ước thể hiện sự cố gắng lớn của cộng đồng quốc tế để
điều chỉnh tất cả các khía cạnh liên quan đến biển, tài nguyên biển và việc sử
dụng biển, tạo nên một trật tự thế giới mới cho việc quản lý và sử dụng biển
của nhân loại.
Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 là một công
ước tiến bộ, thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của
tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi
phải tham gia cả gói (package deal) theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus). Nếu
phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia phải có
trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
Công ước được coi là một trong những thành tựu có ý nghĩa
nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX và Công ước đã tạo ra một trật
tự pháp lý mới trên biển, tương đối công bằng và được thừa nhận rộng rãi.
Ngay sau Lễ ký kết, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã đánh giá
“Công ước là văn bản pháp lý có ý nghĩa nhất của thế kỷ này”, còn Chủ tịch Hội
nghị Liên hiệp quốc lần thứ III về Luật Biển, ông Tommy TB Koh, gọi Công ước là
“Bản Hiến pháp cho Đại dương”.