Nhà nó nghèo. Ba mẹ nó không có thu nhập ổn định, ai kêu gì làm nấy. Nó lại còn đến bốn anh em nữa. Mùa thi đại học đang cận kề. Nhiều người nhìn vào hoàn cảnh của nó rồi bảo: Thi đại học cho biết với người ta chứ tiền đâu mà theo học…
Mỗi lần như vậy, mặt nó cúi gằm xuống bàn để khỏi ai thấy đôi mắt đỏ hoe, long lanh nước của nó. Ai nói gì, nó cũng làm tỉnh như vẻ không nghe thấy. Có lần, những giọt nước mắt tủi thân của nó rớt xuống lấm chấm làm nhòe cả trang chữ nắn nót. Như không có gì xảy ra, nó kéo lai áo lên chậm chậm nhẹ cho khô từng con chữ rồi vội đọc bài thật lớn để không còn nghe những lời nói ngoài tai. Bạn bè chạy đôn chạy đáo để luyện thi còn nó thì ngồi ở một góc mà học. Có người lại bảo: Thi cho vui với người ta chứ không được học thêm ngày nào thì… đậu điếc gì.
Nó buồn nhưng không sợ. Buồn vì thấy người ta khinh nhà nó không tiền. Nó ghét kinh khủng khi ai đó cho rằng nó sẽ không được cha mẹ cho học đến nơi đến chốn vì gia cảnh khó khăn. Còn thi đại học ư? Thật ra nó không sợ thi rớt đến mức như các bạn nó vẫn sợ mà đúng hơn là các bậc phụ huynh của các bạn của nó sợ. Bởi, thi đậu ngay vào năm đầu thi đại học thì nó không lấy gì làm chắc chắn nhưng nó tự tin ở vốn kiến thức được học ở trường và khả năng tự học ở nhà. Bằng chứng là suốt 12 năm học qua, nó luôn đạt loại giỏi, được các bạn, thầy cô rất tín nhiệm và giao cho nó làm lớp phó học tập. Không phải nhờ nó có chỉ số thông minh cao mà nó có ý chí và cách học riêng. Nói vậy chứ có thể đó cũng là cách học chung của mấy đứa học trò con nhà khó khăn mà có cùng ý chí phấn đấu như nó. Mà dù có rớt đại học thật thì nó sẽ vừa làm vừa luyện tiếp để thi vào năm sau. Và cũng đâu nhất thiết phải vào đại học, được học ở một trường danh giá. Có thể, nó sẽ rẽ theo hướng khác là tìm một công việc phù hợp và phấn đấu lên từ công việc ấy. Khi ấy, nó có thể phụ giúp gia đình mà vẫn có điều kiện được học tiếp…
Tự tin là vốn liếng lớn nhất của nó. Nhưng không phải vì tự tin mà nó chỉ làm một hồ sơ thi vào trường duy nhất mà vì nó chỉ có đủ mấy mươi ngàn để đăng ký thi vào một trường thôi. Bất ngờ, việc nó đậu đại học ngay năm đầu đơn giản như việc được những phần thưởng học tập tốt hàng năm. Ngày đó, nó nhận được sự chia sẻ niềm vui lớn lao từ ông bà, cha mẹ, thầy cô và một số bạn bè. Đi dạy kèm là phương án đầu tiên nó thực hiện để phần nào giải quyết bài toán về tiền học phí, tiền nhà, tiền ăn, sách vở… Thỉnh thoảng, nhận được tiền của gia đình gửi lên cũng đủ an ủi, động viên tinh thần của nó. Suốt bốn năm học đại học, nó chỉ cặm cụi vào học và đi dạy kèm. Cả ước mơ được tình nguyện tham gia chiến dịch mùa hè xanh, nó cũng đành tạm gác lại.
Nhớ lại hồi đó, nó từng quả quyết: “Người ta vừa học vừa làm được thì mình cũng làm được”. Thoắt cái, nó đã tốt nghiệp đại học được mấy năm rồi và tìm được một công việc phù hợp với ngành học. Vì vậy, nó nghĩ những bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh tương tự nó đều có thể để thực hiện những ước mơ dù trong hoàn cảnh nào, bởi ranh giới giữa không thể và có thể nằm ở quyết tâm của mỗi người…