Báo chí góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19

11/04/2020 - 06:57

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Ngày 10-4-2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Buổi giao ban được tổ chức tại 3 điểm cầu: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế. 

Báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.

Theo Phó thủ tướng, việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.

Chia sẻ với những khó khăn của cơ quan báo chí, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và cho rằng, chúng ta phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.

Chúng ta luôn chủ động, chưa bao giờ hốt hoảng

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó thủ tướng nêu rõ, với dân số đông gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh COVID-19), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Nhưng những con số biết nói (hiện số ca nhiễm bệnh đứng 103 trên thế giới, chưa có người tử vong…) đã chứng tỏ chúng ta đã có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng,… và khi đã đúng thì chúng ta có lòng tin trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, khi chưa ai nói gì về khả năng dịch lây nhiễm vào Việt Nam, Bộ Y tế đã họp bàn, mời các chuyên gia, thảo luận kỹ càng về công tác phòng, chống dịch. Đến giờ phút này, sau 3 tháng cho thấy chúng ta đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động, chưa bao giờ hốt hoảng trong công tác phòng chống dịch bệnh và luôn làm sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta luôn lường tình huống xấu hơn để đề phòng không xấu đi và tình huống xấu nhất để không bao giờ xảy ra. Chúng ta đã xây dựng đầy đủ các kịch bản ứng phó. Tất cả các diễn biến dịch bệnh trong nước đều đã được dự liệu và có phương án phù hợp.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã kiên định các nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là kiến thức được đúc kết từ những lần chống dịch trước có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đặc biệt là được điều hành thống nhất, đồng bộ.

Nhân dân là lực lượng quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch

Phó thủ tướng cho biết, chúng ta đã phân tích rất sâu điểm yếu, điểm mạnh của hệ thống y tế và nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta xác định đầu tiên phải ngăn không để nhiều người nhiễm bệnh, đã nhiễm thì ngăn không để nặng lên. Điểm mạnh của chúng ta là cơ cơ chế phòng chống thiên tai với nguyên tắc “4 tại chỗ” đã có sự vận hành rất tốt nhiều năm qua ở các địa phương. Chúng ta có hệ thống chính trị tuyệt vời. Lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch ngay từ đầu.

Đặc biệt, chúng ta xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, các lực lượng khác là nòng cốt. Từ đó, chúng ta có kế hoạch tuyên truyền vận động, người dân rất tin tưởng, ý thức cùng tham gia phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đã vào cuộc tích cực, đưa ra các giải pháp công nghệ hết sức thiết thực, quan trọng để phục vụ công tác truy vết, giám sát các ca bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, y tế… trong mùa dịch.

Cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước

Về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế.

Phó thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.

Ngay trong chống dịch SARS năm 2003, phác đồ điều trị của Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận. Hiện nay, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam cũng rất tốt, số người khỏi bệnh nhiều.

Tuy nhiên, phác đồ mới chỉ là kiến thức trên giấy còn bác sĩ mới là người điều trị trực tiếp cho từng bệnh nhân. “Chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Hiện nay các cơ sở điều trị đều được kết nối, được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia giỏi nhất” – Phó thủ tướng bày tỏ.

Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, chúng ta đã áp dụng triệt để các biện pháp ngăn chặn, phát hiện cách ly, khoanh vùng và dập dịch và điều trị. Toàn bộ lực lượng y tế được chỉ đạo bài bản từ giám sát, điều trị, phân tuyến điều trị. Đồng thời, Bộ Y tế mới ban hành tình huống ứng phó cấp độ 3 trở lên, trên cơ sở đó xây dựng, chỉ đạo các biện pháp hiệu quả.

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Thanh Long khẳng định, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc quyết liệt như lần này (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội). Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến với công chúng, để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh. Dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; người dân tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng; đồng thời báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; tuyên truyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch… để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”.

Đại diện các cơ quan báo chí tham dự buổi giao ban đều khẳng định sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trong phòng chống đại dịch COVID-19, qua đây góp phần nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan báo chí đều có chuyên mục, chuyên trang dành thời lượng lớn tuyên truyền về dịch bệnh, đồng thời các nhà báo đều phát huy tinh thần chiến sỹ, xung kích, tác nghiệp trên khắp các địa bàn phòng, chống dịch. Nhiều ý kiến đề nghị cần có sự động viên, khuyến khích để báo chí giữ vững tinh thần làm nghề…

Nguồn: ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN