Bão số 7 đã gây thiệt hại cho nhiều tỉnh miền trung

01/10/2008 - 13:39

* Chủ động phòng chống bão Higos

Liên tiếp 2 cơn bão số 6 và 7 trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Bão số 7 vừa suy yếu thì lại xuất hiện cơn bão mới có tên Higos, nhiều khả năng cơn bão này sẽ vào biển Đông.

Tại Quảng Bình: Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình đến chiều 30/9 toàn tỉnh có 5 người chết, 8 người mất tích, 16 tàu bị chìm, 3.000 ha lúa và hoa màu bị nhấn chìm, hơn 3.000 ngôi nhà bị đổ sập và tốc mái.

Riêng ở huyện Quảng Trạch có 14 tàu bị chìm, 5 tàu bị vỡ, tàu số 34 còn có 2 người chưa tìm được, tàu số 26 ở xã Quảng Liên còn 7 người chưa tìm được; có 1 nhà bị sập, hơn 2.000 nhà tốc mái; 35 ha lúa bị ngập.

Tại huyện Quảng Ninh, có166 nhà bị tốc mái, 7 cột điện cao thế bị đổ; cây ăn quả bị hư hỏng 80ha; cây lâm nghiệp bị hư hỏng 15ha.

Ở huyện Lệ Thuỷ, phải di dời 891 hộ dân ra khỏi vùng ngập, 200 hộ ra khỏi vùng hạ lưu đập, hồ và 180 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống. Đường quốc phòng nối các xã vùng bãi ngang bị chia cắt cục bộ tại xã Ngư Thuỷ Bắc.

Huyện Tuyên Hoá có mưa lớn từ chiều ngày 29/9 nên nhiều trục đường giao thông và công trình thuỷ lợi bị xói lở, 100ha lúa hè thu chưa thu hoạch đang bị đe dọa.

Các xã Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá thuộc huyện Minh Hoá bị ngập lụt cục bộ gây chia cắt nhiều thôn bản. Nặng nhất là xã Tân Hoá, có tới 123 nhà bị tốc mái.

Tại Quảng Trị: Tính đến 18h ngày 30/9, 5 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Thiệt hại ban đầu của tỉnh Quảng Trị ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Quảng Trị. Do ảnh hưởng của bão số 7, từ đêm 29 đến sáng 30/9, ở Quảng Trị có mưa to và rất to. Trên địa bàn có 10 tàu, thuyền bị đắm và hư hỏng nặng, trong đó có 2 chiếc của Đà Nẵng, 1 chiếc của Đồn BP 214 Cồn Cỏ trú ở âu tàu Cồn Cỏ; 5 tàu của ngư dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị chìm, mới trục vớt được 4.

Tại Quảng Trị Thiệt hại nặng nề nhất là ở huyện đảo Cồn Cỏ. Nhiều công sở và công trình công cộng bị tốc mái, gần 100% nhà dân và các điểm dịch vụ, cở sở chăn nuôi bị tốc mái, các lán trại công trình xây dựng bị sập đổ hoàn toàn, hơn 30 tấn xi măng và 2 tấn gạo bị hỏng ướt. Rất may, chưa có thiệt hại về người.

Ngoài ra, còn có 60 ha cao su ở 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh bị gãy đổ. Chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích lúa bị ảnh hưởng.

Hiện, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng Bộ đội Biên phòng đang tích cực trục vớt các tàu và tìm những người mất tích.

Tại Hà Tĩnh: Theo Báo cáo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh, đã có 3 người bị chết, 5 người bị thương nặng.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 tàu gặp nạn do bão. Tàu của ông Thạch mang BKS 2017 bị chìm tại Cửa Sót, trên thuyền có 6 thuyền viên. Sau khi được sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, đã đưa được tàu và người vào bờ an toàn.

Đối với tàu Phú Hưng bị chìm ở chân Đèo Ngang thì đến thời điểm này đã đưa được 10 thuyền viên lên bờ, có 4 người bị thương, trong đó có một người bị gãy xương bả vai, đang nằm điều trị tại Bệnh viện huyện Kỳ Anh.

Thiệt hại về tài sản là 483 nhà bị tốc mái, 16 phòng học bị hư hỏng. Mưa bão đã gây thiệt hại 15 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Diện tích lúa hè thu và mùa sớm đã bị đổ, ngập 941ha, rau màu bị hỏng 100ha, sắn bị đổ 2.100ha, ngô, lạc vụ đông bị hư hỏng gần 1000ha.

Diện tích ao đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập sâu hơn 400ha, tôm, cá bị mất. Không chỉ vậy, hệ thống truyền tải điện có 220 cột bị đổ gãy, 750m đường dây bị đứt; đê điều bị sạt lở trên chiều dài 3km, đường giao thông bị sạt lở 5.000m3 đất đá và 5.500m2 mặt đường nhựa bị hư hỏng. Tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng: Sáng 30/9, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Đà Nẵng cho hay, hai tàu đánh cá của ngư dân TP bị nạn trên biển ngày 29/9 hiện đã được an toàn. Tàu ĐNa 90019 của chủ tàu Ngô Thị Lành (thường trú tại phường Xuân Hoà, quận Thanh Khê) với 26 lao động đã vào đến khu vực bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Tàu ĐNa 90349 của chủ tàu Trần Văn Minh (thường trú tại phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu) với 25 lao động được tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâmPhối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) tiếp cận và kéo vào khu vực đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) lúc 22g50 ngày 29/9.

Do ở đây có rất nhiều tàu thuyền đang neo đậu tránh bão, tàu SAR 412 không đưa tàu bị nạn cập cầu cảng được nên đã thả canô để đưa người vào bờ, còn tàu thì neo bên ngoài. Đến 9g30 sáng 30/9, SAR 412 đã bàn giao toàn bộ 29 thuyền viên trên tàu ĐNa 90349 cho Đồn Biên phòng 276 Cù Lao Chàm và quay về tiếp tục ứng trực tại Đà Nẵng.

TạiQuảng Ngãi: Chiều 30/9, tin từ BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cứu nạn của Hải Quân vùng 3 (Đà Nẵng) đã tiếp cận và lai dắt tàu của ông Phạm Văn Bình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn mang số hiệu QNg 96525-TS về vũng neo đậu tàu thuyền của huyện đảo Lý Sơn.

Chiếc tàu này có 13 lao động, trong lúc tìm đường chạy tránh bão vào chiều 29/9 thì bị hỏng máy. BĐBP cũng đã liên lạc được với ba tàu của các ngư dân ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gồm: Tàu của ông Lê Văn Lộc (QNg 6137-TS, với 16 lao động); tàu của ông Lê Đức (QNg 96554-TS, 11 lao động) và tàu của ông Phạm Mùi (QNg 96309- TS, 14 lao động).

Tại Nghệ An: Bão số 7 gây mưa to, gió lớn. Tại TP Vinh, nhiều cây cối bên đường bị gãy gục. Biển quảng cáo lớn 30m2 của Công ty quảng cáo Thủ Đô dựng trên sân thượng lầu bốn của Trung tâm Phát hành sách Bắc Trung bộ (đối diện bưu điện tỉnh) bị bão quật đổ khiến anh Sơn - một trong ba thanh niên lái xe thồ (được Công ty quảng cáo Thủ Đô thuê lên dỡ tấm bạt trên biển quảng cáo) - bị thương nặng do gãy chân trái và tay trái. Sau gần 30 phút gầm rú tại Nghệ An, cơn bão chuyển hướng sang miền thượng Lào.

Chiều tối 30.9, bão số 7 sau khi vào khu vực các tỉnh miền Trung đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão tan các địa phương cần đề phòng lũ. Hiện mực nước các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Trị tiếp tục lên nhanh. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo đêm 30.9 và ngày 1.10, lũ các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 1, riêng vùng thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 2. Cần chú ý đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng vùng trũng ven sông ở các tỉnh trên.

Cơn bão số 7 vừa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới thì phía Đông quần đảo Philippin xuất hiện áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Higos. Nhiều khả năng, tối nay bão sẽ vào biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tối qua 30/9, vị trí tâm bão Higos ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Xama (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.

Trong ngày hôm nay, bão Higos di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 19 giờ ngày 1/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 8. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Do ảnh hưởng của bão, chiều và đêm nay, khu vực phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh.

Để chủ động ứng phó với cơn bão mới này, BCĐ phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; BCĐ Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải kịp thời ứng phó với bão.

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN