Bất cập chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối

13/11/2009 - 15:21
NH thừa ngoại tệ cho vay nhưng thiếu ngoại tệ để bán.

Theo các chuyên gia kinh tế, cách điều hành tỷ giá, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hơi bảo thủ, cứng nhắc; việc minh bạch thông tin cũng không được thực hiện tốt…

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các biện pháp điểu chỉnh tỷ giá hối đoái để rút ngắn khoảng cách thị trường tự do và thị trường chính thức. Thế nhưng, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng vọt, lên đến gần 19.000 đồng/USD. Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế này phản ánh cung cầu về ngoại hối gặp vấn đề, xuất phát từ cán cân thanh toán chung.

Cách điều hành bảo thủ

TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN từ xưa đến nay hơi bảo thủ. Điều này có lợi cho đầu những năm 2000 vì mình neo vào đồng USD, mà USD mất giá nên tốt cho thị trường không gây lạm phát, ổn định cho xuất khẩu. Nhưng bảo thủ ấy làm cho điều hành hơi cứng nhắc, đáng lẽ năm nay điều chỉnh tỷ giá mạnh mẽ hơn, tốt hơn là vào tháng 3, còn bây giờ thì hơi muộn.

Theo quan sát của TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), công cụ duy nhất để điều hoà thị trường ngoại tệ là tung ngoại hối ra và nới lỏng biên độ hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật về tiền tệ.

Ông Lê Xuân NghĩaPhó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, cho rằng, dù có những ý kiến khác nhau nhưng có thể nói, điều hành tỷ giá trong 10 tháng qua của NHNN rất thành công, đảm bảo sự ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, vẫn có một số thời điểm chúng ta gặp áp lực, cung cầu ngoại tệ gặp khó khăn. Vì cán cân thanh toán 10 tháng qua và của cả năm 2009 có chiều hướng xấu đi, luồng vốn vào có sự sụt giảm so với năm 2008, đặc biệt là FDI và xuất khẩu có sự sụt giảm khoảng 10%, khiến nguồn cung ngoại tệ giảm.

Mặt khác, theo ông Nghĩa, căng thẳng trên thị trường ngoại tệ một phần do tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Người dân, DN có ngoại tệ chỉ nắm giữ, hoặc gửi NH nhưng không bán cho NH, nên NH thừa ngoại tệ để cho vay nhưng thiếu ngoại tệ để bán cho đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro dẫn đến quản lý thị trường ngoại hối cũng có những hạn chế nhất định trong việc chuyển đổi tiền tệ, kiểm soát chênh lệch kỳ hạn.

Cùng chung nhận định của các chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành thẳng thắn khẳng định: “Chế độ tỷ giá của Việt Nam có vấn đề và thị trường Việt Nam đầu cơ quá phân khúc” (tiền của dân gửi mà không thể trực tiếp cho vay hay bán được,…)”.

Theo lý giải của ông Thành, nguyên nhân đầu tiên khiến việc điều hành tỷ giá “méo mó” như thời gian qua là do sự cam kết của NHNN. Ngân hàng càng cam kết thì thị trường càng không tin, đầu tiên là hệ thống NHTM. “Cái dở là cam kết nhưng lại thiếu minh bạch thông tin (dự trữ, cán cân thanh toán quốc tế… người dân, doanh nghiệp cần những thông tin này nhưng mỗi ông nói một câu, ông thì đưa ra thông tin lượng kiều hối giảm, ông thì đưa ra FDI giảm… mà không có thông tin tổng thể). Sau một lần duy nhất NHNN công bố thông tin dự trữ ngoại tệ thì nay không thấy công bố nữa” – ông Thành nói.

Phá giá đồng Việt Nam?

Về chính sách tỷ giá cho thúc đẩy xuất khẩu, có một số ý kiến đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phá giá đồng tiền Việt Nam; hoặc đề nghị nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá, nên về bản chất chỉ khác là “phá giá có giới hạn”. Cả hai giải pháp này nhìn bề ngoài thì có thể kỳ vọng tác động phần nào đến xuất khẩu nhưng phân tích bản chất thì tăng trưởng xuất khẩu bền vững không thể trông chờ vào yếu tố tỷ giá được. Hơn nữa, việc phá giá đồng tiền Việt Nam sẽ có tác động nhiều chiều, có khi tác động ngược lại còn lớn hơn là mặt tích cực.

“Nếu phá giá đồng Việt Nam, dù chỉ là mức 4-5% thôi sẽ tạo nên một mặt bằng giá mới thị trường trong nước, tác động lên tăng chỉ số CPI. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2009 rõ ràng khó có thể đạt được” – TS Nguyễn Ngọc Thao - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia nói.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu như đồng Việt Nam mất giá 5% thôi thì mỗi năm Ngân sách Nhà nước sẽ chi thêm 26.000 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài, các doanh nghiệp cũng phải trả nợ thêm 13.000 tỷ đồng. Một tính toán khác đã được công bố cho hay, chỉ tính riêng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại số nợ nước ngoài phải trả tính ra nội tệ đã tăng thêm tới 800 tỷ đồng. Nói cách khác, phá giá đồng Việt Nam, hay để ngoại tệ tăng giá so với VND thì sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Thao, một tác động đặc biệt quan trọng khác là tạo tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và chuyển đổi từ VND sang USD, làm gia tăng thêm tình trạng đô la hoá nền kinh tế.

Thực tế, từ đầu năm tới nay tuy không tuyên bố phá giá đồng nội tệ nhưng tỷ giá diễn biến trên thị trường cũng theo hướng tăng. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng của năm 2009, tỷ giá VND/USD tăng 9,08% so với cùng kỳ năm 2008.

Cùng bày tỏ sự không đồng tình với việc phá giá đồng Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu chúng ta phá giá VND để đối phó khủng hoảng, đặc biệt là kích thích xuất khẩu,thì sẽ bất lợi sẽ nhiều hơn.

Nên theo hướng nào?

Phân tích rõ hơn về nền kinh tế Việt Nam để có hướng đi hiệu quả hơn trong điều hành tỷ giá, TS Võ Trí Thành nói: “Cái khác của Việt Nam là tiết kiệm thấp hơn đầu tư, thâm hụt ngân sách triền miên ở mức 5%, cán cân thương mại, cán cân vãng lai thường thâm hụt rất cao. Thị trường nội địa Việt Nam chưa đủ lớn để có thể thay thế được đầu tư bên ngoài”.

Chúng ta đang phát động “người Việt, hàng Việt, thị trường nội địa”. Nhưng TS Võ Trí Thành đặt giả sử bây giờ tất cả hàng hoá sản xuất ra đều bán ở Việt Nam thì chúng ta lại gặp vấn đề khác lớn hơn là cán cân vãng lai lại tăng (70% nhập khẩu nếu không xuất khẩu thì lấy gì bù vào đấy).

Ông Thành cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất với Việt Nam hiện nay là cán cân thanh toán quốc tế chứ không phải là lạm phát. Bởi áp lực lên tỷ giá của chúng ta thực sự là một câu chuyện. Đây lại là nghịch cảnh trong bối cảnh đồng USD yếu, các nước khác phải ra sức bảo vệ mình bằng việc mua vào USD.

Theo TS Vũ Đình Ánh, thị trường ngoại tệ “ngầm” không chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại ảnh hưởng đến chính sách, là tham số trong hoạch định chính sách. “Dài hạn hơn, chúng ta phải quay lại mục tiêu chuyển đổi VND và thực hiện nguyên tắc thu hẹp tới mức thấp nhất thị trường ngoại tệ tự do khi kinh tế phát triển đến độ nhất định. Tăng lãi suất huy động là mục tiêu hút ngoại tệ trôi nổi, đảm bảo khả năng thanh toán nội tệ cho ngân hàng. Nhưng chúng ta đang kết hợp chính sách hỗ trợ lãi suất nội tệ nên có thể tạo ra sự không phù hợp”-TS Ánh nói.

Ông Ánh cũng đưa ra thực tế, doanh nghiệp khi vay nội tệ thì được hỗ trợ nhưng khi quay ra mua ngoại tệ lại tạo áp lực trên thị trường tự do và áp lực với ngân hàng (dư ngoại tệ trong hệ thống nhưng không bán được).

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa nói: “Nếu thị trường ngoại hối phái sinh phát triển tốt, cơ chế chính sách thông thoáng để cho phép NHTM định giá đồng tiền một cách hợp lý thì cơ hội cho NHTM nhiều hơn trong việc phòng ngừa, kiểm soát rủi ro đồng tiền”.

Biên độ và tỷ giá tham chiếu quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định hàng đầu trong điều hành tỷ giá. Quan trọng nhất phải là phương thức điều hành. “Rất tiếc trong cách điều hành tỷ giá từ xưa tới nay, chính sách tỷ giá của NHNN hơi bảo thủ, cứng nhắc” – ông Thành bày tỏ./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN