Bầu cử địa phương vòng 2 tại Italy: Ưu thế nghiêng về phe trung tả

17/10/2021 - 18:44

Cuộc bầu cử không chỉ để lựa chọn bộ máy điều hành tại các địa phương mà còn phản ánh thực lực và uy tín của các chính đảng tại Italy, nhất là các đảng tham gia chính phủ liên minh.

Một cử tri đi bỏ phiếu tại Rome, Italy. (Ảnh: Reuters)

Một cử tri đi bỏ phiếu tại Rome, Italy. (Ảnh: Reuters)

Ngày 17-10, cử tri tại Italy bắt đầu đi bỏ phiếu vòng 2 để bầu thị trưởng của 65 thành phố và thị trấn, bao gồm cả thủ đô Rome cũng như các thành phố Turin và Trieste.

Cuộc bỏ phiếu kéo dài đến 15h (giờ địa phương) ngày 18-10 và cử tri đi bỏ phiếu không cần xuất trình thẻ xanh, chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy chứng nhận đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc được điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, 2 ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 giành chức thị trưởng thủ đô là ông Roberto Gualtieri, cựu Bộ trưởng Tài chính, đảng viên đảng Dân chủ Xã hội, và ông Enrico Michetti, người được các đảng cực hữu Liên đoàn (Lega), đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia) và đảng trung hữu Forza Italy ủng hộ.

Thị trưởng trước, bà Virginia Raggi của Phong trào Năm sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy, đã không giành đủ số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên và đã bị bỏ phiếu miễn nhiệm. Bà bị chỉ trích vì không giải quyết các vấn đề trong thành phố.

Tại Turin, 2 ứng cử viên trong vòng 2 là đều thuộc phe trung tả là Stefano Lo Russo và Paolo Damilano.

Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 3 – 4-10, để bầu thị trưởng và các thành viên hội đồng hành chính cho nhiệm kỳ 5 năm tới tại 1.349 thành phố, thị trấn thuộc 20 vùng của Italy, các ứng cử viên của đảng Dân chủ trung tả (PD) đã giành chiến thắng ở nhiều thành phố lớn.

Thắng lợi lớn nhất của đảng này là tại trung tâm tài chính Milan cũng như Bologna và Napoli, nhận được hơn 50% số phiếu bầu và do đó tránh phải tổ chức bầu cử vòng 2.

Cho đến nay, kết quả bầu cử là một bước lùi đối với hai đảng cánh hữu là đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Anh em Italy của bà Giorgia Meloni, mặc dù họ vẫn giành chiến thắng ở nhiều thị trấn nhỏ hơn.

Các cuộc bầu cử địa phương sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến chính phủ đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Mario Draghi, nhưng đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 2-2021.

Cuộc bầu cử không chỉ để lựa chọn bộ máy điều hành tại các địa phương tương ứng mà còn phản ánh thực lực và uy tín hiện có của các chính đảng tại Italy, cho thấy sự đánh giá của cử tri đối với vai trò của các chính đảng tham gia chính phủ liên minh.

Đồng thời, đây cũng là tín hiệu quan trọng về xu hướng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 2-2022 và cuộc bầu cử quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo trong năm 2023 của Italy.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN