Bầu cử Quốc hội Israel: Bế tắc chính trị chưa có dấu hiệu khơi thông

31/10/2022 - 22:09

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả hai phe ủng hộ và phản đối ông Netanyahu đều sẽ giành được khoảng 60 ghế mỗi phe, tương tự như 4 cuộc bầu cử trước, và khả năng bế tắc chính trị sẽ lặp lại.

Quốc hội Israel (Knesset) ngày 30-6-2022 đã bỏ phiếu thông qua dự luật tự giải tán và ấn định tổ chức bầu cử vào tháng 11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Israel (Knesset) ngày 30-6-2022 đã bỏ phiếu thông qua dự luật tự giải tán và ấn định tổ chức bầu cử vào tháng 11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1-11, trên 6,8 triệu cử tri Israel sẽ đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội (Knesset), cuộc bỏ phiếu lần thứ năm trong vòng chưa đầy 4 năm. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng bế tắc chính trị sẽ chưa sớm được khai thông sau cuộc bầu cử lần này.

Cuộc bầu cử không chỉ nhằm tìm ra 120 đại biểu đại diện cho người dân Israel để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, mà cũng quyết định ai sẽ là thủ tướng điều hành chính phủ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.

Tuy nhiên, bế tắc chính trị với các cuộc bầu cử liên miên khiến người dân không còn mặn mà thực hiện quyền cử tri.

Các cuộc thăm dò dư luận được các cơ quan truyền thông có uy tín thực hiện cách đây vài tháng cho thấy cả hai phe ủng hộ và phản đối ông Benjamine Netanyahu đều sẽ giành được khoảng 60 ghế mỗi phe.

Sát ngày bầu cử, cuộc thăm dò cử tri công bố hôm 29-10 vẫn cho kết quả tương tự. Có thể thấy, quan điểm của cử tri Israel là khá nhất quán, giống như họ đã từng bỏ phiếu trong 4 cuộc bầu cử vừa qua.

Nếu vậy, cả hai phe đều thiếu một ghế để đạt được ngưỡng quá bán cần thiết và tình thế bế tắc sẽ lặp lại. Muốn thành lập được chính phủ, các bên sẽ phải vận động được một hoặc một vài đảng ngả về phe mình.

Vòng xoáy bầu cử tại Israel bắt đầu từ năm 2019, khi các đảng phái chính trị không thể hội đủ số ghế tối thiểu cần thiết 61/120 để thành lập chính phủ.

Sau cuộc bầu cử tháng 3-2021, một liên minh đã được thành lập bao gồm các đảng pha trộn từ cánh tả, cánh hữu tới đảng của người Arab, với mục đích loại bỏ vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất Netanyahu khỏi chính trường.

Cũng vì lý do này mà chính phủ liên minh, dưới sự điều hành của hai thủ tướng luân phiên Naftali Bennett và Yair Lapid, đã không tránh khỏi tan rã sau hơn 1 năm nắm quyền.

Cũng giống các lần trước, tính chất của cuộc bầu cử lần này vẫn là cuộc đấu trí nhằm ngăn cản ông Netanyahu, thủ lĩnh phe đối lập, trở lại chiếc ghế thủ tướng.

Mặc dù đang đối mặt với các cáo buộc hình sự và mất uy tín trên chính trường, chính khách này vẫn là nhân vật sáng giá nhất hiện nay. Đảng Likud do ông làm thủ lĩnh cũng được dự báo giành được nhiều ghế nhất trong Knesset.

Các chính trị gia khác có tiềm năng trở thành thủ tướng Israel trong nhiệm kỳ tới bao gồm đương kim Thủ tướng Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid, và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, thủ lĩnh đảng Xanh-Trắng (Blue & White).

Giới phân tích cho rằng nhân tố quyết định để một phe có thể chắc chắn giành được đủ số ghế cần thiết là làm cách nào để tăng số lượng cử tri tham gia bầu cử. Nghĩa là bên nào thuyết phục được cử tri phe mình tới các điểm bỏ phiếu, phe đó sẽ giành chiến thắng.

Trong cuộc bầu cử năm ngoái, tỷ lệ cử tri đi bầu là 67%, mức thấp đối với truyền thống của Israel. Tại một số địa phương, tỷ lệ đi bỏ phiếu thậm chí chỉ khoảng 50%.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Israel ở Jerusalem ngày 17-5-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Israel ở Jerusalem ngày 17-5-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo quy định, ngưỡng tối thiểu để một đảng có chân trong Knesset là 3,25% tổng số phiếu. Một số đảng nhỏ đang có nguy cơ bị loại vì không đảm bảo đủ ngưỡng này.

Ngay cả đảng Ra’am của người Arab, năm ngoái đồng ý tham gia chính phủ liên minh, năm nay đã tan rã thành 2 đảng mới. Viễn cảnh thành lập liên minh cho đủ số ghế càng thêm phức tạp.

Trong những ngày qua, chiến dịch vận động tranh cử của các chính trị gia vẫn tập trung theo hướng thuyết phục càng nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu càng tốt.

Trên thực tế, bất chấp mật độ bầu cử dày đặc, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Israel ở mức 67% vẫn là tương đối cao.

Trong cuộc bầu cử tháng 3-2021, đại dịch COVID-19 khiến số lượng cử tri đi bầu giảm mạnh, nhưng tỷ lệ đi bầu vẫn là 67,4%.

Hai thành phần dân cư tham gia đầy đủ nhất bao gồm cộng đồng Do Thái chính thống và giới trung lưu. Như vậy, muốn tỷ lệ cử tri đi bầu tăng lên, cả hai phe ủng hộ và chống ông Netanyahu sẽ phải dựa lần lượt vào cộng đồng Do Thái có thu nhập thấp và cộng đồng Arab. Đây là hai nhóm thường có tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp.

Trong các kỳ bầu cử trước, tỷ lệ bỏ phiếu của cộng đồng Arab chống ông Netanyahu chỉ khoảng 40%. Thậm chí, sẽ không quá khi nói rằng cộng đồng Arab sẽ là người quyết định liệu ông Netanyahu có trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử tới hay không.

Tỷ lệ đi bỏ phiếu ở nhóm này cao đồng nghĩa với việc phe phản đối ông Netanyahu sẽ giành chiến thắng.

Bà Meirav Harel, chuyên gia nghiên cứu về chính trị học, nhận định: “Nhiều khả năng sẽ không bên nào có đủ số ghế. Chỉ còn một nhân tố khó đoán trong cuộc bầu cử lần này là các cử tri Arab. Dù diễn biến hướng nào họ cũng là người quyết định."

Cộng đồng cử tri Arab, vốn tụt hậu hơn về mặt kinh tế, hiện đang chiếm khoảng 20% dân số Israel. Cuộc bầu cử ngày 1-11 diễn ra trong bối cảnh lạm phát liên tục leo thang. Cơ quan Thống kê trung ương nước này vừa công bố lạm phát trong tháng 10 là 4,6%, mức cao nhất trong một thập niên.

Trong các cuộc bầu cử trước, người dân Israel thường có xu hướng bỏ phiếu dựa trên quan điểm tả-hữu liên quan đến tôn giáo, sắc tộc và cuộc xung đột tại Palestine. Lạm phát có thể sẽ là yếu tố mới ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Cử tri chỉ là bề nổi. Nguyên nhân khiến nền chính trị Israel rơi vào bất ổn nằm ở một số bất cập về quy định pháp lý và sự vận động của xã hội và hình thái nhà nước Israel trong những thập niên gần đây.

Chẳng hạn, quy định về ngưỡng tối thiểu 3,25% tổng số phiếu khiến một đảng nhỏ cũng có chân trong Knesset.

Việc thành lập mới, hợp nhất hoặc giải tán một đảng là khá phổ biến, khiến quan hệ giữa các đảng phái kém ổn định, số lượng đảng nhiều hơn và phân tán hơn.

Muốn thành lập chính phủ, các đảng buộc phải liên minh với nhau, do vậy khó có thể đạt được sự ổn định. Trong khi đó, xã hội Israel ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang chủ nghĩa dân tộc-chủng tộc.

Các đảng cực hữu hoặc thiên hữu nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều của các cử tri, khiến các đảng thiên tả và trung dung mất ưu thế. Tuy nhiên, không vì thế mà phe hữu nắm chắc chiến thắng, do nội bộ các chính trị gia lục đục.

Cuộc chiến giữa các đảng cánh hữu xung quanh thủ lĩnh đảng Likud, đảng nắm ưu thế lớn nhất hiện nay, là một ví dụ.

Không như các kỳ trước, 2 tuần trước ngày bầu cử lần này, trong khi lãnh đạo các đảng chính trị chạy đua vận động trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội, thì đường phố Israel thiếu vắng hình ảnh những đoàn người tuần hành, giương cờ quạt biểu ngữ để ủng hộ đảng này hoặc phản đối đảng kia.

Thậm chí, du khách nước ngoài tới Israel có thể sẽ không nhận thấy dấu hiệu nào của một sự kiện quan trọng sắp diễn ra.

Có thể người dân Israel vừa trải qua các kỳ nghỉ lễ kéo dài liên tục, có thể trên chính trường thiếu vắng các màn đấu đá chính trị nóng hổi giữa các đảng phái. Nhưng có một nguyên nhân chắc chắn là cử tri đã mệt mỏi với các cuộc bầu cử liên miên mà chưa nhìn thấy triển vọng lần bầu cử này sẽ giúp vấn đề được giải quyết.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN