Bế mạc Phiên họp thứ 5 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

23/12/2016 - 05:12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 22-12, tại Nhà Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 5 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Ngay tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự bế mạc Phiên họp thứ 5 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thực hiện quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt tại miền Trung với mức quyên góp mỗi người ít nhất là một ngày lương.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ Ủy ban thường vụ Quốc hội chia sẻ trước những mất mát, thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt gây ra đối với đồng bào miền Trung; đồng thời yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành tập trung có những giải pháp khắc phục hậu quả, giúp nhân dân vùng bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết Phiên họp thứ 5 đã hoàn thành với nhiều nội dung quan trọng. Thứ nhất là cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ hai và bước đầu chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV.

Từ thực tế diễn biến Kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, của cử tri và dư luận trên cả nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc, tiếp tục tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm cao và thể hiện rõ tính tranh luận, được cử tri đồng tình, ủng hộ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo về đánh giá kết quả Kỳ họp thứ hai gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến Chương trình kỳ họp thứ ba để xin ý kiến các cơ quan hữu quan và đại biểu Quốc hội; đồng thời đề nghị thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng thời gian cho nội dung chất vấn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp để đảm bảo tuyên truyền một cách toàn diện, hài hòa các hoạt động của Quốc hội tới cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch nước và ban hành Quy chế quy định về trình tự thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp và lấy ý kiến các cơ quan hữu quan để hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại Phiên họp sau.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng riêng nội dung Dự thảo nghị quyết về thể thức, kỹ thuật văn bản và sử dụng ngôn ngữ trong văn bản, sẽ mời thêm chuyên gia về ngôn ngữ, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam góp thêm ý kiến.

Thứ ba, Phiên họp thứ 5 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức; đề nghị Ủy ban Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.

Thứ tư, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, các quy định về cơ chế tài chính ngân sách trong dự thảo nghị định chưa thể hiện cơ chế đặc thù; đề nghị Chính phủ theo thẩm quyền cần xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội. Do đó khi ban hành nghị định nêu trên Chính phủ cần bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền, tạo động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của quy định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung này để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu.

Thứ năm, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2017-2020 và các đề án của Kiểm toán nhà nước về tổ chức biên chế, vị trí việc làm và tổ chức Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI) vào năm 2018.

Về cơ bản thống nhất với tờ trình của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề nghị Kiểm toán nhà nước phối hợp với Ủy ban pháp luật, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến phiên họp, hoàn chỉnh các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện, bảo đảm đúng đường lối, đúng chủ trương của Đảng và đúng các quy định của pháp luật. Riêng đối với đề án về tổ chức biên chế, bố trí việc làm, đề nghị Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Chính trị và tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ bảy, nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong việc triển khai tích cực, đúng định hướng và đã bám sát các nhiệm vụ, giải pháp, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 1052 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sau gần một năm thực hiện, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện của các Bộ, ngành vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần phải được khắc phục và làm rõ nguyên nhân. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tám, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn, quyết toán ngân sách nhà nước; việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng các dự án cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao. Về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ và công chức Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc vụ đến ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công về chế độ tiền lương đối với Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước để tổng hợp báo cáo, xem xét chung trong Đề án cải cách tiền lương.

Về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba về việc ban hành Nghị quyết này thay cho các dự án Pháp lệnh án phí và lệ phí tòa án; đồng thời đã xem xét thông qua chương trình hoạt động đối ngoại cũng như hợp tác quốc tế của các cơ quan Quốc hội năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau kết thúc phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ triển khai các kết luận của phiên họp và tích cực chuẩn bị các nội dung trong Chương trình Phiên họp thứ sáu, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến vào ngày 9 đến 11-1-2017.

Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; đã thảo luận về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2017-2020 và Đề án của Kiểm toán nhà nước về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ công chức của Kiểm toán Nhà nước./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN