Bên dòng kinh Song Mả

20/01/2022 - 11:05

BDK - Sau buổi biểu diễn cho 11 thương binh ở vàm Ba Vong, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, đoàn chúng tôi vượt lộ 26 (Bến Tre - Ba Tri) về Châu Thành Đông ở xã Tam Phước trụ quân tại đây, dùng cây lá cất tạm 2 ngôi nhà trên 2 nóc hầm công sự. Trước mặt chúng tôi là kinh Song Mả, một con kinh rộng khoảng 8 - 10m của xã Tam Phước. Con kinh là một nhánh thuộc sông Ba Lai, phía bờ kinh bên kia là nơi đóng quân của Ban Tuyên Văn giáo Huyện ủy Châu Thành, cùng đơn vị pháo binh và một số cơ quan khác.

Soạn giả Lê Huỳnh (Huỳnh Văn Cam - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh) - tác giả vở “Cây dừa đỏ” (thứ hai, phải sang) cùng tác giả bài viết (bìa phải) nhận bức trướng do Tỉnh ủy trao tặng năm 2012. Ảnh: CTV

Soạn giả Lê Huỳnh (Huỳnh Văn Cam - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh) - tác giả vở “Cây dừa đỏ” (thứ hai, phải sang) cùng tác giả bài viết (bìa phải) nhận bức trướng do Tỉnh ủy trao tặng năm 2012. Ảnh: CTV

Khoảng hơn mười ngày lo liệu việc nơi ăn, nghỉ xong, đoàn có việc tiếp xúc với nhiều cơ quan, chi bộ, du kích các xã Tam Phước, Sơn Đông, Sơn Hòa, An Hiệp, An Khánh và các cơ quan khác của tỉnh, huyện... Được sống ở đây rất lý thú và thoải mái. Chúng tôi đến vào đầu mùa mưa của vùng đất trước đây nước ngọt quanh năm, dù phải đương đầu với “dàn nhạc Tân Tây Lan”  từ Bình Đức, nhưng cường độ bom đạn có lẽ ít hơn những huyện khác. Những vườn chuối xanh rờn, những thân dừa cụt ngọn đã làm trụ cho các thứ dây leo, trong đó có đậu rồng và nhiều loại rau rừng như lá cách, cải trời, rau muống, rau mơ, nhất là ớt hiểm mọc đầy vườn, trái chín đỏ rực, có cây cao hơn đầu người. Trước nhà chúng tôi ở là một ao tôm thiên nhiên của kinh Song Mả. Sau lưng là vô số ao hồ được Mỹ “đào” bằng bom đìa, đầy vườn chuối chín và đặc biệt nấm mối vô phương kể sau đầu mùa mưa… Chỉ có tiền mua gạo, nước mắm là đời sống phủ phê do thiên nhiên mang lại.

Anh chị em đoàn đâu biết mò tôm bắt cá, nhưng rồi cuộc sống đã dạy dỗ, buộc phải thích nghi và trở thành người giỏi giang nữa là khác.

Con kinh Song Mả chảy cặp sông Ba Lai đổ ra sông lớn. Nơi đây đã trở thành hồ nuôi tôm mà thiên nhiên đã ban tặng. Cứ nước ròng giựt bãi, vài anh em mang vào eo ếch một dây kẽm nhảy ùm xuống kinh, đi một lát là bắt được mỗi người một xâu tôm. Có lần anh Ba Sơn và Huỳnh Hiệp dí bắt được kỳ đà 5 ký, Hiệp trói nó lại và mang về như mang súng FM vậy.

Có lần, một buổi sáng sau khi phòng động xong khoảng 8 giờ, anh Vĩnh Xuân cùng Xuân Hòa đi đổ trúm lươn. Hồi ấy, ở Giồng Trôm, chúng tôi làm lọp để đặt cá bống dừa. Khi hành quân, Xuân Hòa tháo bỏ lọp, chỉ mang theo hom về đây lấy bẹ chuối ốp lại và làm thành ống trúm để đặt lươn.

Hôm ấy, bỗng nghe tiếng vui cười rôm rả ở phía hố bom, anh Vĩnh Xuân phấn khởi giở một ống trúm bằng bẹ chuối lên không có nước mà là nhớt lươn, lươn, lươn quá trời lươn, chúng đã chui vào đầy trong trúm. Rồi vài ngày sau đó, anh em chúng tôi nói vui, hồi nào tới giờ mình mới “lãnh lươn”, nhìn thấy lươn mà phát sợ vì hết nấu canh chua rồi kho, hết kho rồi nướng...

Sáng hôm ấy, tôi lén chui vào một gốc cây cỏ um tùm để đi “ị”, vừa với tư thế ngồi xổm, tôi nhìn qua bên kia bờ chợt thấy một bãi nấm mối nở trắng hết. Xử lý xong “công việc” của mình, tôi vào nhà lấy tấm vải ni-lông trải ra giữa bờ và anh em chúng tôi nhổ nấm. Không phải ở đầu bờ mà là một bờ nấm mối. Nhổ xong, phải túm 4 góc tấm ni-lông khiêng vào nhà. Thế là hết lươn rồi lại nấm mối làm sao ăn cho xuể. Chị Việt Bình có sáng kiến đem phơi nấm đầy nhà để dự trữ.

Tuy không ác liệt như các huyện khác, nhưng địch tiếp tục càn quét đánh vào Tam Phước, An Khánh. Có một chuyện vui nhưng rất xúc động, anh Bảy Đoàn Hùng là người lớn tuổi nhất đoàn và anh cũng là người nhát nhất. Hôm ấy, hơn 8 giờ, tình hình có vẻ ổn định, anh nói với chúng tôi: “Tao đi ra cầu tre để trả mấy cái lọp đặt cá mà đoàn đã mượn của bà con trong những ngày mới đến”.

Anh đi khoảng nửa tiếng, súng bắn báo động giặc càn vào cứ, mọi người đã chuẩn bị chạy càn. Mãi chờ đợi nhưng anh Bảy không trở về. Các đồng chí địa phương báo phải chạy càn ngay không thể chậm trễ được. Không cách nào khác, chúng tôi phải chạy theo hướng dẫn của địa phương, thế là anh Bảy Đoàn Hùng phải kẹt ở lại không về kịp. Khi về đến chỗ đoàn ở thì không còn ai hết, anh còn có trái lựu đạn và chui xuống hầm tự thủ. Mai là ngày hôm ấy địch đi hướng khác, không vào chỗ ở của đoàn. Chiều lại, anh tìm đoàn và gặp lại anh em, anh ôm và khóc như trẻ con, mếu máo nói: “Tao kể lần này không gặp lại tui bây, cầm trái lựu đạn mà tao không dám rút nhíp”.

Lại một trận càn khác nữa khi được tin địch rút quân ra khỏi địa bàn đã quá nửa trưa. Chú Mười Hoạt ở Ban Tuyên Văn giáo huyện ngồi nhìn thấy bên kia bờ có mấy gốc cà trái dài tươi tốt, cùng lúc bụng đã đói, chú Mười lội qua mương định hái vài trái về để nướng, chẳng may cánh pháo binh đã gài trái mà anh em chưa kịp gỡ, chú Mười đã đá trúng trái gài nổ tung và bị thương nặng. Anh em đưa chú về trạm dân y, hồi ấy do anh Bảo Quốc phụ trách.

Đến gần chiều tối, anh Bảo Quốc báo với Ban Tuyên Văn giáo rằng phải chuyển chú Mười về Quân y, cánh của Chín Minh để điều trị. Được tin báo, chú Sáu Nam - Trưởng ban Tuyên Văn giáo, có phần lúng túng, nhưng rồi ông phân công 3 cán bộ nam ở ban gồm: Quốc Thủy, Tư Nguyên và Biển Xanh đến trạm dân y để chuyển chú Mười về Quân y. Trời nhá nhem tối, trăng non soi lờ mờ, trên đường, 3 anh đi vào trạm dân y, nhưng nhầm đường lại đi vào một con đường mòn, mà trước đây lính đi càn. Nơi đây lực lượng bảo vệ của trạm dân y lại đem gài trái. Các anh lại vấp phải trái làm cả 3 người đều bị thương, trong đó có anh Biển Xanh bị thủng ruột. Khi nhận được hung tin, chú Sáu Nam bối rối, ngồi chòm hổm trên ghế đẩu, đầu gối cao khỏi đầu và lập bập buông ra một câu rất triết học: “Từ một… một việc nhỏ mà phát… phát triển thành một việc lớn”.

Vậy là trong một trận càn địch không đánh tới mà Ban Tuyên Văn giáo Huyện ủy đã có 4/9 người bị thương, cơ quan chỉ còn 3 cô gái, 1 bảo vệ và đồng chí Trưởng ban. Trong tình huống ấy, anh Lê Huỳnh đã ra tay, cử tôi và đồng chí Vĩnh Xuân chở thương binh về Quân y. Thế là chúng tôi đã dùng ghe đưa Biển Xanh qua sông Ba Lai về An Khánh. Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi đã đến trạm. Lúc bấy giờ, anh em quân y chạy càn vừa về đến và toàn bộ trang thiết bị, thuốc men đã cất giấu chưa lấy về, nghe có chuyến thương, các anh mới thay phiên nhau để gom y cụ. Đến nửa giờ sau, cuộc giải phẫu bắt đầu, bệnh nhân được nằm trên tấm vải mủ trải trên nắp công sự. Khi ấy trạm chỉ có 3 người, các đồng chí yêu cầu chúng tôi phải cử 1 người ở lại để giúp trong ca mổ này. Tôi đành ở lại thực hiện nhiệm vụ “đèn sĩ” vì mổ ban đêm nên cần một người rọi đèn. Thật tình từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ thấy mổ lần nào, hồi hộp và lo lắng… Ca mổ không biết mấy giờ nhưng cái đèn 3 pin tôi phải thay 2 lần pin, vì một mảnh đạn găm vào thủng ruột. Các bác sĩ phát hiện mùi phân, nhưng không tìm được vết thủng nên có lúc phải moi cả ruột ra ngoài để tìm. Đây rồi, đã phát hiện lỗ thủng nhỏ bằng đầu đũa. Các anh đã làm vệ sinh rồi khâu lại, sau đó tôi thấy khui 2 hủ Penicillin đổ trực tiếp vào vết thương rồi đưa ruột trở vào, may lại thành bụng. Tôi không hiểu vì sao sức mạnh của con người trong chiến tranh thật kỳ lạ, mổ không có gây mê, chỉ gây tê, thế mà anh Biển Xanh lại vượt qua cơn nguy hiểm đến thế! Sáng hôm sau, về tới cơ quan, tôi mắc võng và cứ nằm lơ mơ không sao ngủ được, dù phải trải qua một ngày chạy càn và một đêm làm “đèn sĩ”. Anh Biển Xanh hiện nay vẫn khỏe, có lúc anh làm Phó đoàn ca múa Bến Tre sau giải phóng.

Cũng nơi đây còn có nhiều kỷ niệm đẹp. Em Huỳnh Hiệp phát hiện và bắt được một con sóc con đem về nuôi. Rất lạ, một con vật từ xưa tới nay ít ai nuôi và huấn luyện bao giờ, nhưng con sóc “văn công” rất khôn ngoan, anh em ăn gì thì cho nó ăn nấy (nó ăn cả cơm), cột một dây xích và máng trên góc cây trứng cá, nó tung tăng nhảy múa và làm quen bất cứ ai đến chọc phá nó. Lúc hành quân, Huỳnh Hiệp búng tay, nó liền nhảy lên ba lô và đi suốt với đoàn. Có những trận chạy càn vài ba ngày mới trở về được căn cứ, Hiệp mở dây thả nó chạy và phóng lên cây trứng cá biến mất. Khi trở về tưởng là nó đã nhập bầy rồi, ai dè Hiệp búng tay một lúc, bất thình lình từ đâu nó phóng nhanh trên ngọn trứng cá, vui tươi nhảy múa khoe khuẩy đuôi vô cùng mừng rỡ và vồ lấy một cục cơm gặm ngon lành. Con sóc “văn công” đã thật sự chia vui với chúng tôi trong những năm tháng gian nan này.

Gần đến Tết âm lịch, anh Bảo Quốc rủ chúng tôi đi tát hố bom để kiếm “mồi” tổ chức liên hoan. Anh bảo: “Tôi quen sẽ mượn cái máy Kohler (máy bơm nước). Hố bom này tui để dành lâu lắm, cá lóc to đùng”. Để tát hố bom, anh chị em chúng tôi sau phòng động, kẻ đi khiêng máy, mua xăng, lấy thùng, rổ ra một hố bom đầy lục bình và cỏ dại giữa một miếng ruộng hoang. Anh em chia nhau đắp mặt đập, đặt máy bơm, dọn cỏ, kéo lục bình rất khẩn trương và sôi nổi. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, xung quanh hố bom đã có bầy cá chạy và chúi đục nước. Mọi người phấn khởi chắc chuyến này sẽ thu hoạch to, tự nhiên máy đang chạy bỗng vụt tắt, anh em la lên:

“Hết xăng. Hết xăng rồi”!

Có tiếng trả lời:

 “Đâu có, tôi mới châm đầy bình đây mà”!

Anh em ráp lại thay phiên nhau giật máy. Ban đầu nó còn xịt xịt vài cái, sau đó im ru và lúc đó kiểm tra lại hố bom mới cạn hai phần ba nước. Từ phấn khởi chuyển sang thối chí, lúc ấy chị em nữ và bộ phận hậu cần đem cơm ra tới. Một số anh em tiếp tục sửa máy, còn lại kéo lục bình xung quanh hố bom mà phần nước đã cạn và bắt đầu bắt những con cá chúi ở đó. Có một sáng kiến bẻ nhánh tre xỏ cá lóc vừa bắt được đốt lá chuối nướng trui tại hố bom, vừa mệt, vừa đói nhưng một bữa cơm bên miệng hố bom được ăn cá lóc nướng chấm muối ớt với đậu rồng ngon ơi là ngon! Ăn cơm xong, máy bơm không chạy nữa và không sao tát cạn nổi hố bom. Cả bọn ùa nhau xuống mò bắt, tiếng la hét vang dội vì mò đạp cá quá lớn nhưng không bắt được. Thỉnh thoảng tóm được một ít cá rô mề, có con to bằng bàn tay và bắt được cả chục rắn rằn ri cá... Thế rồi nước hố bom ngấm trở lại và chiều xuống đành kéo về đầy luyến tiếc. Có người nói vui và an ủi: “Không sao, mình không bắt được nhiều cá nhưng còn có cả chục con rắn bằm sả được rồi”. Đem rắn về rọng trong thùng quên không đậy nắp, sáng lại chúng đã đi đâu mất. Cùng ngày hôm đó, nhận được tin cái máy đuôi tôm hôm qua do để lâu không xài, phần nhớt cũ và đã cạn nên nó bị lột dên. Thế là ăn một cái Tết hụt, thôi thì năm tới vậy!

Trời ơi! Chuối!

Sau những ngày Tết, mùa nắng bắt đầu, địch thường càn và đóng quân nên bà con tản cư không về vườn được. Nhiều vườn chuối trái sai oằn, thường từ 5 đến 7 nải. Chuối chín đầy vườn mặc cho chim, sóc no nê thỏa chí nhưng ăn làm sao hết, chủ vườn không dám về đốn. Thế là chúng tôi đi xin chuối mà không gặp chủ, đốn về treo đầy vách. Chị Việt Bình là đầu bếp chế biến hết nấu rồi lại chưng, hết xào dừa rồi nấu canh chuối và cuối cùng còn một cách nữa là ép chuối phơi khô.

Trong một trận càn tại đây, địch đã phát hiện và lấy hết nhạc cụ của đoàn. Lúc ác liệt này, hai anh nhạc công cổ của đoàn lại xin về Y4. Thế là đoàn đang dựng vở cải lương mà không ai đàn cả. Trước tình thế đó, đoàn cử bé Hòa xuống Châu Thành Tây gặp Đoàn Văn công Quân đội để các anh hướng dẫn và Hòa đã dịch thành nhạc solfer các bài bản trong vở cải lương. Rất may khi anh Vĩnh Sang, lúc ấy làm Bí thư Chi đoàn xã Sơn Đông biết chúng tôi không còn nhạc cụ, anh đã vận động và mua tặng cây đàn ghi-ta để đoàn hoạt động. Cây đàn này đã theo chúng tôi về hát mừng mùa Xuân đại thắng tại thị xã Bến Tre vào đêm 2-5-1975.

Trong tình thế khó khăn và ác liệt ấy lại có một kỷ niệm không bao giờ quên bên dòng kinh Song Mả này. Buổi sáng địch không kích nặng nề và tối lại là đêm phúc khảo kịch bản “Cây dừa đỏ” của anh Lê Huỳnh. Một tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc được ra đời từ mùa Xuân 1970.

Bút ký của Vũ Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN