Bến Tre hội thảo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống học sinh bỏ học

11/03/2012 - 15:23

Vấn đề học sinh bỏ học (HSBH) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Bến Tre nói riêng không phải là vấn đề mới mẻ, bởi cách đây 5 năm vấn đề này đã được đặt ra như một hồi chuông báo động. Để góp phần đề ra các giải pháp phòng, chống bỏ học ở học sinh phổ thông, ngày 2-3-2012, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Bến Tre đã đăng cai tổ chức hội thảo, với sự tham dự của đại biểu ngành giáo dục 13 tỉnh, thành trong khu vực.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD & ĐT đến học kỳ I năm học 2010-2011, tỷ lệ HSBH ở Bến Tre là 1,93%, thấp hơn mức bình quân chung của khu vực ĐBSCL nhưng vẫn còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tại hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng, HSBH có nguyên nhân do các em học yếu, không theo kịp chương trình, nhiều em thiếu sự quan tâm, vì gia đình nghèo khó, cha mẹ phải lo mưu sinh. Ngoài ra, còn một bộ phận phụ huynh học sinh nhận thức chưa đúng về học tập cũng như ý thức của học sinh còn kém. Ở một số trường, giáo viên thiếu sự quan tâm, gần gũi giúp đỡ các em; việc tổ chức giảng dạy chưa tạo được hứng thú học tập của học sinh. Mặt khác, do địa bàn bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch, nên các em còn khó khăn trong việc đi đến trường.

Để khắc phục tình trạng HSBH như hiện nay, hội thảo đã đưa ra hàng loạt các giải pháp, như: Tiếp tục nâng cao chất lượng, cải thiện điều kiện học tập của học sinh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm giảm bớt học sinh yếu kém, học sinh lưu ban, HSBH. Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt việc giảm tải chương trình, tổ chức các loại hình học tập linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh. Các trường học phổ thông cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, đổi mới kiểm tra đánh giá; chú trọng dạy học phân hóa theo đối tượng, tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém nhằm hạn chế học sinh có nguy cơ bỏ học. Gắn hoạt động dạy học với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, rèn luyện tính tích cực, sáng tạo, tự lập của học sinh trong học tập, biết ứng dụng kỹ năng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Giáo viên chủ nhiệm cần bám sát lớp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhất là các em học sinh yếu, có hoàn cảnh khó khăn nhằm sớm phát hiện những em học sinh có nguy cơ bỏ học, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời; phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, nội dung thiết thực thu hút học sinh tham gia nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về lợi ích thiết thực của việc học, hạn chế các em tham gia vào các hoạt động không lành mạnh dẫn đến nguy cơ bỏ học.

Hội thảo cũng đặt vấn đề các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa việc học tập của con em mình. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức khuyến học, để tổ chức này làm nòng cốt trong phong trào xây dựng xã hội học tập mà trọng tâm là góp phần hạn chế tình trạng HSBH. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, tuyên dương những em học sinh giỏi, học sinh vượt khó học tốt, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Phát triển quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài. Trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, cần có giải pháp mở rộng các cơ sở đào tạo nghề, với những ngành nghề có thể tìm được việc làm ngay. Mở rộng đào tạo nghề hệ sau trung học cơ sở, kết hợp việc học nghề với học kiến thức phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Hội thảo cho rằng, thực hiện tốt công tác phòng, chống HSBH trong nhà trường phổ thông là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và nhà trường cùng chung tay thực hiện để đạt kết quả lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó cũng cần có sự cố gắng của bản thân học sinh. Việc chống HSBH là nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

PHẠM TUYẾT

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN