Bến Tre ký kết bản ghi nhớ hợp tác quốc tế

15/12/2021 - 06:14

BDK - Trong 2 ngày 11 và 12-12-2021, tại Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, nhóm 16 nước khu vực Liên minh châu Âu (EU) và tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác giữa một số địa phương Việt Nam và EU”.

Ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh Bến Tre và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Ảnh: CTV

Ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh Bến Tre và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Ảnh: CTV

Nhân dịp này đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh Bến Tre và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Phái đoàn Việt Nam tại EU nhằm hỗ trợ thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư của EU và Bến Tre trong một số lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước mặn phục vụ nông nghiệp, du lịch…

Nhiều dư địa đẩy mạnh hợp tác với châu Âu

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam có vị trí quan trọng trong các chính sách toàn cầu và khu vực của Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8-2020 đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế lớn trong thúc đẩy hợp tác với EU. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN cùng với Singapore có Hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là thuận lợi và cơ hội chưa từng có để quan hệ giữa hai bên đi vào thực chất. Tuy nhiên, mức độ xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn khiêm tốn, mới chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, thu hút đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với châu Âu còn rất lớn. Tọa đàm sẽ ghi nhận đề nghị của các địa phương để Bộ Ngoại giao và các Đại sứ cùng trao đổi, hỗ trợ các địa phương triển khai. Trên cơ sở các đề xuất, cơ quan đại diện và địa phương cần cụ thể hóa thành các thỏa thuận, kế hoạch, chương trình hợp tác trung và dài hạn, thiết lập các cơ chế trao đổi thông suốt, đúng với tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra là xây dựng nền ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Tại tọa đàm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đã trình bày về những thông tin, thế mạnh của tỉnh Bến Tre đến các Đại sứ. Là một tỉnh của vùng ĐBSCL, Bến Tre nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai đề án xây dựng tuyến giao thông ven biển từ TP. Hồ Chí Minh đi qua Bến Tre và kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong tương lai, Bến Tre sẽ nằm trên trục kết nối các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong tốp 10 cả nước, thuộc nhóm điều hành tốt và rất tốt.

Với những lợi thế đó, cùng với sự quyết tâm, năng động và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Bến Tre đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn FDI, ODA, NGO và các nguồn lực khác từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 61 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc…; khoảng 30 chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài đang triển khai với tổng giá trị viện trợ gần 4 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai 4 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Bên cạnh việc thu hút vào tỉnh, tỉnh cũng có 2 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ và Công ty cổ phần XNK Bến Tre đầu tư vào thị trường Singapore với tổng vốn đầu tư gần 3 triệu USD.

Phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lực

Về xuất nhập khẩu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: EU là thị trường có sức mua lớn, nhiều tiềm năng và được tỉnh xác định là một trong những thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp địa phương. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp có xuất khẩu sang thị trường này.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41.500ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000ha, sản  lượng 114 ngàn tấn/năm, có thể nói đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong đó, việc phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lực (dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa cảnh, chăn nuôi) là mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần thực hiện. Hiện tỉnh Bến Tre có 5 chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ bao gồm: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh và cua biển.

Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong xuất khẩu dừa uống nước sang châu Âu. Ảnh: Cẩm Trúc

Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong xuất khẩu dừa uống nước sang châu Âu. Ảnh: Cẩm Trúc

Đặc biệt, Bến Tre được mệnh danh là “Xứ sở Dừa Việt Nam” với diện tích khoảng 75.000ha, tổng sản lượng gần 700 ngàn tấn/năm. Chuỗi sản phẩm dừa có các vùng nguyên liệu tập trung sản xuất hữu cơ hơn 12.000ha, trong đó diện tích chứng nhận hàng năm khoảng 4.000ha. Đây là vùng hữu cơ cao nhất nước hiện nay. Sắp tới, vườn dừa uống nước sẽ được xây dựng mã Code xuất khẩu sang Mỹ và Canada. Mục tiêu đến cuối năm 2025, Bến Tre phấn đấu xuất khẩu 1 tỷ USD sản phẩm dừa.

Chăn nuôi, tỉnh có đàn heo 450 ngàn con, đàn gia cầm gần 10 triệu con, đàn bò khoảng 250 ngàn con... Đặc biệt, từ tháng 12-2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao văn bằng bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”.

Thủy sản, với 65km bờ biển, Bến Tre có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Hiện Bến Tre có khoảng 45.500ha nuôi thủy sản các loại; sản lượng hơn 200 ngàn tấn; sản lượng khai thác gần 200 ngàn tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời cũng là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản.

Thương mại - đô thị, với dân số gần 1,3 triệu dân, đây cũng là thị trường tiềm năng để phát triển các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Với mục tiêu “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến phát triển mới ít nhất 500ha các dự án khu đô thị mới tại TP. Bến Tre và các huyện…

Nhu cầu thu hút nguồn lực

Trong 5 năm gần đây (2016 - 2020), kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường EU đạt 622,056 triệu USD, tăng bình quân 18,31%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chính sang EU là dệt may 258,164 triệu USD, chiếm 41,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU. Các sản phẩm từ dừa 183,158 triệu USD, chiếm 29,44%. Mặt hàng thủy hải sản 130,507 triệu USD, chiếm 20,98%.

Kim ngạch nhập khẩu của tỉnh sang EU đạt 2,335 triệu USD, tăng bình quân 7,42%/năm, chiếm tỷ trọng 12,12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh. Mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là nguyên phụ liệu dệt may và máy móc thiết bị.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: “Phần lớn doanh nghiệp Bến Tre gặp khó về nguồn vốn tiếp cận công nghệ tiên tiến sản xuất than hoạt tính từ gáo và xơ dừa. Do vậy, rất mong quý Đại sứ và Đại sứ quán hay Thương vụ giúp Bến Tre thu hút nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ các nước EU trong lĩnh vực này. Mặt khác, có thể giới thiệu tập đoàn có công nghệ này, đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh, như Khu công nghiệp Phú Thuận…”.

“Bến Tre cần EU hỗ trợ Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại Bến Tre trong bối cảnh kênh Mekong Connect (ABCĐ - An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Cần Thơ, An Giang đã triển khai thành công dự án này. Đại sứ tại các nước EU hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre tiếp cận, kết nối với các đối tác, nhà nhập khẩu, nhà phân phối để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bến Tre sang thị trường EU; hỗ trợ Bến Tre đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực chế biến hàng nông thủy sản (trái cây, con tôm, gia súc…), logictics…; cung cấp kịp thời các thông tin về các sự kiện xúc tiến thương mại, cơ hội kinh doanh, nhu cầu nhập khẩu, cũng như những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của các nước thuộc EU để hỗ trợ cho doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhu cầu đối với các đối tác, doanh nghiệp của EU. Cụ thể, Bến Tre cần công nghệ khử mặn bằng năng lượng gió, mặt trời để sản xuất nước ngọt cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt. Việc xây dựng khu công nghiệp, đô thị trên vùng đất bán ngập, vùng ngập mặn (3 huyện biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) phù hợp với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông.

Bến Tre cần công nghệ 4.0 của EU trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Trong thời gian tới, Bến Tre mong các Đại sứ Việt Nam tại khu vực EU tiếp tục chung sức cùng Bến Tre thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm…”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ mong muốn.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu tại tọa đàm cho rằng, các địa phương cần chủ động tìm hiểu tiềm năng về thị trường châu Âu, xác định được các lĩnh vực thế mạnh phù hợp với nhu cầu của thị trường, trao đổi cụ thể với Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU về hướng đi và cách làm cụ thể. Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, đảm bảo đúng số lượng và tiến độ, phát triển hệ thống kho lạnh, kỹ thuật bảo quản nông sản tiên tiến, thúc đẩy xây dựng hệ thống logistics một cách đồng bộ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, trong hợp tác với EU, Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nông nghiệp logistics (vận tải, nhà máy sơ chế, cảng biển); bảo quản kho lạnh; nuôi trồng chế biến thủy sản; kinh tế tuần hoàn (kinh tế bền vững); năng lượng tái tạo. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương, sở, ngành, cơ quan đại diện EU; xây dựng kế hoạch chương trình cụ thể, cơ chế chia sẻ hợp tác tốt, lâu dài.

Ông Marc Stordiau - Chủ tịch Tập đoàn IPEI tại Bỉ mong muốn có cơ hội hợp tác với Việt Nam và Bến Tre. Ông dự kiến sẽ sớm đến Bến Tre để khảo sát, tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư trong lĩnh vực bảo quản kho lạnh và một số lĩnh vực khai thác thế mạnh của tỉnh.

Các Đại sứ khẳng định, các cơ quan đại diện Việt Nam tại EU sẽ đóng vai trò là cầu nối, cung cấp thông tin hữu ích về thị trường, các dự án tiềm năng và phối hợp chặt chẽ với các địa phương thúc đẩy hợp tác với khu vực châu Âu.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư từ châu Âu; khẳng định quyết tâm cao đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực chất của công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt là công tác phối hợp trong cung cấp thông tin.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN