Thưa ông, vì sao chúng ta phải thực hiện cuộc tổng điều tra thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản?
- Ông Trần Anh Tuấn: Cuộc tổng điều tra thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản nhằm phục vụ ba mục đích chính: đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; phục vụ đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn; phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực nông nghiệp và nông thôn, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ của các năm tiếp theo.
Nội dung chủ yếu sẽ tập trung điều tra là những thông tin nào, thưa ông?
- Nội dung điều tra bao gồm thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (số lượng đơn vị sản xuất; số lao động và cơ cấu lao động; quy mô sản xuất; năng lực sản xuất, tình hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tiếp cận thông tin của các đơn vị sản xuất; tác động của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tới môi trường; phát triển kinh tế trang trại; vai trò của phụ nữ… trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản); thực trạng nông thôn (thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn); thông tin về cư dân nông thôn (điều kiện sống của cư dân nông thôn; tích lũy và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn).
Điều đó có nghĩa là cuộc tổng điều tra chỉ tập trung chủ yếu ở nông thôn?
- Không hẳn vậy. Bên cạnh đối tượng chủ yếu là các hộ ở nông thôn, cuộc tổng điều tra còn tìm hiểu thông tin liên quan đến các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở thành thị. Ở khu vực nông thôn, cán bộ sẽ điều tra tất cả các hộ thường trú thuộc mọi loại hình kinh tế, kể cả các hộ nằm trong khu vực quốc phòng quản lý, các công trình của Nhà nước (trừ những người độc thân sống tập thể tại các trường học, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, nông, lâm trường, nhà chung, nhà chùa…). Ở khu vực thành thị, cán bộ chỉ điều tra các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, đối tượng điều tra còn bao gồm các cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các UBND xã.
Thưa ông, cuộc tổng điều tra sẽ được thực hiện theo phương pháp nào?
- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Hộ điều tra toàn bộ được yêu cầu cung cấp thông tin cơ bản của hộ. Hộ điều tra mẫu là hộ ở nông thôn được chọn vào mẫu điều tra để thu thập thông tin phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, gồm: tích lũy và khả năng huy động vốn của hộ ở nông thôn, hoạt động hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản, tác động của sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đến môi trường…
Vậy các hộ, trang trại có nghĩa vụ và quyền lợi gì trong cuộc tổng điều tra lần này?
- Hộ, trang trại có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin theo yêu cầu của cuộc tổng điều tra cho điều tra viên. Điều này cũng đã được quy định rõ tại điều 16 Luật Thống kê. Thông tin thu thập được sẽ giúp các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương. Đây là lợi ích lâu dài mà hộ, trang trại sẽ được thụ hưởng.
Thông tin của người dân, doanh nghiệp có được giữ bí mật?
- Những thông tin của từng hộ, từng trang trại cung cấp sẽ được bảo mật theo quy định của Luật Thống kê và chỉ dùng để tổng hợp chung cho từng địa bàn điều tra, từng ấp và từng cấp hành chính, không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Thời gian, thời kỳ thực hiện tổng điều tra đã được ấn định cụ thể?
- Thời gian thực hiện thu thập số liệu của cuộc tổng điều tra từ ngày 1-7-2011. Các đơn vị điều tra hộ toàn bộ, trang trại và UBND xã sẽ được phỏng vấn trong vòng 15 ngày (bắt đầu từ ngày 1 đến 15-7-2011); đối với các hộ điều tra mẫu sẽ được phỏng vấn trong vòng 30 ngày (từ ngày 1 đến hết ngày 30-7-2011). Số liệu sơ bộ được công bố vào tháng 12-2011 và kết quả chính thức được công bố vào quý III năm 2012. Những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin theo số phát sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra hoặc số chính thức năm 2010 tùy theo chỉ tiêu và đơn vị điều tra và được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.
Bến Tre đã sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra, thưa ông?
- Toàn tỉnh có 2.139 địa bàn điều tra toàn bộ, 76 trang trại và 43 địa bàn điều tra mẫu. Có 2.901 điều tra viên và đội trưởng được trưng tập. Bến Tre cũng đã hoàn tất việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, huyện, xã. Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai tập huấn lập bảng kê danh sách hộ điều tra cho cấp huyện vào ngày 9-4-2011 và tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra cho Ban Chỉ đạo các huyện và tổ thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh (từ ngày 25 đến 29-5-2011). Ban Chỉ đạo cấp huyện tổ chức tập huấn lập bảng kê danh sách hộ điều tra cho cấp xã từ ngày 13 đến 19-4-2011 và tập huấn nghiệp vụ điều tra cũng đã được thực hiện trong tháng 6-2011. Nói chung, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và Bến Tre sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản như đã định.
Xin cảm ơn ông!