Bệnh viện Quân y Trung đoàn 99 hết lòng phục vụ quân, dân

02/09/2012 - 15:52

Có lẽ ngành y tế tỉnh Bến Tre trong những ngày đầu chống Pháp phát triển xuống tận làng, xã. Bộ đội thì có quân y cũng từ rất sớm, khi Chi đội 19 hình thành (sau là Trung đoàn 99) thì có Bệnh viện Trung đoàn do bác sĩ Thầm làm Bệnh viện trưởng. Nói quân y chớ thật ra lúc đó bác sĩ bộ đội điều trị cho dân và bộ đội.

Năm 1947, huyện Thạnh Phú giải phóng, chợ huyện bị phá hoại chỉ còn gạch vụn, dân nhóm chợ tại lộ Mù U. Chợ chỉ nhóm ban đêm nhưng thật đông đúc, mua bán trù phú, đến 4 giờ sáng thì tan chợ, dân nghi trang để máy bay không phát hiện và tản về nhà. Bệnh viện Chi đội 19, sau là Trung đoàn 99 ở đây. Nhà lá ngăn nắp sạch sẽ; bác sĩ thì rất hiếm, phần lớn là y tá, cứu thương; đa số dùng Đông Tây y kết hợp, mua ngoài chợ Bến Tre đem về. Bác sĩ Thầm là người tài giỏi, năng nổ, hoạt bát, có tiếng thời đó. Sau này, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có về đây, mở lớp đào tạo y tá, y sĩ. Nơi đây là “lò” đào tạo cán bộ y tế cho Bến Tre và một phần cho khu 8. Ngày 2-9-1947, Trung đội 7 cỡ 300 quân của anh Tỷ về đóng quân ở xóm chợ Mù U, nhưng khi làm lễ Độc lập 2-9 thì tiến hành tại chợ Thạnh Phú, dù lúc đó đã bị san bằng. Buổi lễ rất đông vui, dân dự rất đông, ham nhứt là xem bộ đội duyệt binh. Duyệt binh xong, lúc nghỉ, anh Tỷ lấy bàn tay vịn vào họng cây đại liên, rủi ro một phát đạn nổ, tay anh bị thương. Rất nhanh nhạy, anh cầm loa kêu gọi đồng bào bình tĩnh, chỉ bị thương xoàng thôi, anh rút khăn mùi soa ra buộc bàn tay, một anh cứu thương tới băng bó rồi tiếp tục vui lễ. Sau lễ, anh Tỷ nằm ở bệnh viện điều trị. Sau một tuần, anh Tỷ xuất viện và chỉ huy đánh đồn Cầu Mống (Hương Mỹ, Mỏ Cày). Đơn vị lập công lớn, rồi cũng kéo về chợ Mù U khao quân, đốt lửa trại với dân. Chợ Mù U nhóm ban đêm, chợ quận thời này còn ghi biết bao kỷ niệm kháng chiến, Thạnh Phú lúc bấy giờ là căn cứ địa của tỉnh; rồi xã Thạnh Phong của Thạnh Phú ghi dấu biết bao sự tích oai hùng, nổi bật là đón đưa đoàn tàu không số đem vũ khí về Nam.

Nhắc tới bệnh viện hết lòng lo cho dân, nhiều sáng kiến thời thiếu thốn, cán bộ - nhân viên (không lương) hết lòng vì người bệnh, “lương y như từ mẫu”, lại nhớ mà thương kính biết bao đến Bệnh viện Trung đoàn 99 thời kháng chiến chống Pháp ở Bến Tre.

Nguyễn Hà Phan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN