Đúng 8 giờ, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hoài Phong (sinh năm 1993, ngụ ấp Hưng An Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) về tội “Giết người” được khai mạc.
Có khá đông thân nhân của bị hại và của bị cáo tham
dự. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Phong cúi gằm mặt. Có tiếng xầm xì bàn
tán: “Thằng này còn nhỏ… mặt lầm lì vậy mà đáng sợ thật”. Ở hàng ghế phía dưới,
cha và mẹ của bị hại nhòe nước mắt khi nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân
(KSND) tỉnh đọc bản cáo trạng. Phong bị truy tố về tội “Giết người”, quy định tại
điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng có tính chất
côn đồ (mức định khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử
hình).
Khoảng 19 giờ ngày 11-2-2016 (nhằm mùng 4 Tết Bính Thân
2016), Nguyễn Hoài Phong lấy cây xăm gạo tới nhà ông Nguyễn Văn Thái để đòi số
tiền 2 triệu đồng, tiền này do ông Thái mượn dùm cho người quen để đánh bài. Tại
đây, 2 người xảy ra cự cãi. Vợ ông Thái gọi điện báo cho con trai là Qui biết sự
việc. Qui chạy xe mô-tô chở Trần Thanh Hoàn về nhà để can ngăn. Thay vì giảng
hòa làm lành, nhưng cả hai người Hoàn và Phong đã không làm được và án mạng đã
xảy ra…
Tại tòa, bị cáo Phong thành khẩn khai nhận tội của mình.
Tòa hỏi: “Bị cáo tới nhà ông Thái để làm gì?”. Phong trả lời nhanh: “Dạ… để đòi
tiền”. “Vậy bị cáo đem theo cây xăm gạo làm gì?”. “Dạ… để dọa ông Thái”. Lúc tới
nhà ông Thái, Phong để xe mô-tô ở lộ bê-tông rồi đi bộ vào nhà ông để đòi tiền,
ông Thái xin khất lại vào ngày mai nhưng Phong không đồng ý nên 2 người to tiếng
với nhau. Phong bỏ ra về với với thái độ bực tức. Đúng lúc Phong vừa ra tới lộ
thì Qui (con ông Thái) chở Hoàn về tới. Vừa xuống xe, Hoàn (là bà con với Phong)
ngoắc tay gọi Phong để nói chuyện phải quấy: “Tết nhất mày xuống nhà người ta
mày quần, bây giờ mày muốn gì?”. Thái trả lời: “Không muốn gì. Ông Thái thiếu
tiền không trả nên tôi xuống đòi”. Hoàn nói: “Thiếu tiền thì từ từ ổng trả, mày
làm gì dữ vậy. Bây giờ mày muốn gì?”. Phong khăng khăng nói muốn ông Thái phải
trả tiền. Hoàn tiếp: “Mày có sợ tao không, mày là thằng sứt môi”. Vừa dứt câu,
Hoàn tiến đến gần Phong. Phong hỏi: “Ông muốn đánh tôi hả?”. “Ừ tao đánh mày
luôn”. Hoàn vừa xông tới đánh thì Phong đã lấy cây xăm gạo tấn công, đâm liên
tiếp vào vùng bụng của Hoàn.
Trong lúc bị đâm, Hoàn đã phản kháng dùng tay đánh trúng
vào vai phải của Phong làm Phong mất thăng bằng té ngã xuống mương vườn. Phong
leo lên bờ và chạy xe mô-tô về nhà, kể lại sự việc cho gia đình biết. Sau khi
được động viên, Phong tới Công an xã Tân Hưng đầu thú. Nạn nhân Trần Thanh Hoàn
được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Tòa giải thích với ông Thái (người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan vừa là nhân chứng trong vụ án) và cảnh báo chung: Pháp luật nghiêm cấm
việc đánh bạc ăn thua bằng tiền dưới mọi hình thức. Sự việc xảy ra một phần do
lỗi của ông Thái, chính ông là người đã tham gia đánh bạc và ông cũng là người
đứng ra mượn nợ số tiền 2 triệu đồng cho người quen (tên Tợn) để đánh bạc, sau
đó gây mất an ninh trật tự và đã xảy ra án mạng.
Tại tòa, cha của bị hại Hoàn cũng là người đại diện hợp
pháp của gia đình bị hại, yêu cầu xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật; đồng
thời, yêu cầu bị cáo bồi thường tiền mai táng phí, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng
nuôi con của bị hại, cấp dưỡng cho cha mẹ của bị hại.
Sau khi nghị án, xét nhân thân bị cáo Nguyễn Hoài Phong
có nhiều tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, có con nhỏ, đã
khắc phục một phần hậu quả…), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã
tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoài Phong 16 năm tù về tội “Giết người”. Đồng thời,
tuyên phạt bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền mai táng phí 34 triệu đồng;
cấp dưỡng cho cháu Trần Trọng Hiên (con của bị hại, 2 tuổi) mỗi tháng 1 triệu đồng,
kể từ ngày 11-2-2016 cho đến khi cháu Hiên đủ 18 tuổi; cấp dưỡng cho cha và mẹ
của bị cáo mỗi tháng 600 ngàn đồng/người cho đến khi ông bà qua đời.
Phiên tòa kết thúc, khi lực lượng cảnh sát bảo vệ dẫn giải
bị cáo lên xe về nhà giam, vợ của bị cáo đứng lặng người với hai hàng nước mắt
lăn dài. Một số người tỏ ý thương hại cho bị cáo tuổi còn nhỏ và nông nổi nên
hành xử không đúng, gây hậu quả đáng tiếc.