Biến đổi khí hậu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở Bến Tre đến năm 2020

11/07/2011 - 07:59

Với vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội khá đặc thù và cũng rất nhạy cảm trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), Bến Tre đã đề ra phương hướng nhằm thích ứng, giảm nhẹ ảnh hưởng do BĐKH tác động như: duy trì diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung; các mô hình quản lý, khai thác nghêu, sò gắn với việc trồng và giữ rừng ven biển; chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn nhằm tăng sức chống chịu của hệ sinh thái tự nhiên trước các tác động xấu như gió bão, xâm nhập mặn, nước biển dâng cao do BĐKH gây ra...

Ở Bến Tre, theo dự báo của các chuyên gia về môi trường, hiện tượng cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn. Đặc biệt, xâm nhập mặn và hạn hán là vấn đề thời sự của tỉnh. Hiện tượng triều cường, nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc sẽ nhiều hơn. Đất vốn đã bị thoái hoá do bị lạm dụng phân vô cơ, hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa. Trong thời gian gần đây, tình hình xâm nhập mặn ở Bến Tre ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bộ phận bà con nông dân. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức độ xâm nhập mặn sâu, kéo dài trên các sông là do dòng chảy kiệt trên sông Tiền ở mức thấp, sự xuất hiện của gió chướng nhiều đợt trong mùa khô, mỗi đợt trên 5 ngày và thủy triều ở biển Đông ở mức cao.

Để chủ động thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH, khung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 nêu rõ:

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa  của tỉnh đảm bảo 78.400 ha (kể cả khoảng 6.000 ha luân canh tôm - lúa), sản lượng trên 367.000 tấn; diện tích gieo trồng rau màu: 1.950 ha màu và 7.000ha rau đậu; sản lượng 11.500 tấn màu và 112.000 tấn rau đậu; diện tích dừa 54.000ha, sản lượng 437 triệu trái năm 2020, cacao trồng xen trong vườn dừa có thể phát triển lên đến 10.000ha, sản lượng trên 30.000 tấn năm 2020; xây dựng ổn định vùng chuyên các loại cây đặc trưng cho kinh tế vườn Bến Tre với quy mô tương đối tập trung và chất lượng: bưởi da xanh (6.000 - 7.000ha), sầu riêng (3.000ha), chôm chôm (2.000ha), măng cụt (2.000ha). Để phát huy thế mạnh kinh tế mũi nhọn của địa phương, tỉnh cũng sẽ quy hoạch ổn định vùng sản xuất giống cây ăn trái Chợ Lách - Mỏ Cày Bắc từ Sơn Định đến Vĩnh Thành, Phú Mỹ, Thanh Tân, khoảng 7,5 triệu cây giống/năm.

 

Các chuyên gia cho rằng, BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, trong đó, đất chuyên canh cây lúa, đất trồng cây công nghiệp lâu năm và đất trồng cây ăn quả là những đối tượng bị mất diện tích nhiều nhất. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn, có tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn. Ngoài ra, ngành ngư nghiệp, thủy sản cũng chịu sự tác động không nhỏ từ những hậu quả trên.

 

Cùng với kinh tế vườn, nuôi thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của Bến Tre. Tuy nhiên, dưới sự tác động của BĐKH thì việc tính tới dịch chuyển vùng nuôi, các giải pháp xây dựng công trình thích ứng là điều cần thiết. Theo định hướng chung, diện tích nuôi chuyên ổn định trên địa bàn tỉnh khoảng 31.100ha, ngoài ra, có khả năng phát triển khoảng 150 bè cá quy mô trung bình (35 - 40 tấn/bè); cơ cấu theo loại thủy vực, dự kiến 28.800ha nuôi vùng mặn lợ (trong đó có 22.100ha tôm) và 2.300ha nuôi vùng ngọt hóa (trong đó có gần 2.000ha cá). Về cơ cấu theo loài, sản lượng nuôi trồng năm 2020 dự kiến 220.000 tấn cá, 31.000 tấn tôm, 22.500 tấn nghêu, 4.500 tấn sò, 6.000 tấn cua.

Mặt khác, để giảm nhẹ tác động của BĐKH, xây dựng hệ sinh thái tự nhiên được xem là việc làm hiệu quả. Cụ thể, ngành lâm nghiệp cần mở rộng diện tích rừng ngập mặn phòng hộ và rừng đặc dụng, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường ven biển, chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngặp mặn, đồng thời giảm dần diện tích nuôi tôm trong đất rừng, xúc tiến xây dựng một số khu vực rừng sản xuất xen canh tôm sinh thái. Diện tích rừng định hình trên 5.100 ha (trên 7.833ha quy hoạch đất rừng). Bảo vệ và phát triển thảm thực vật trong khu bảo tồn thiên nhiên Vàm Hồ, Lạc Địa (Ba Tri), Thạnh Hải (Thạnh Phú). Tập trung trồng mới cây phân tán, với tổng lượng cây khoảng 2,0 - 2,1 triệu cây/năm.

Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: định hướng đến năm 2020, hoàn chỉnh và mở rộng Khu Công nghiệp Giao Long, chuyển Cụm Công nghiệp An Hiệp thành Khu Công nghiệp và mở rộng quy mô, mở mới các khu công nghiệp An Phước, Giao Hòa (Châu Thành), Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc), Thành Thới (Mỏ Cày Nam), Phước Long (Giồng Trôm) và các cụm công nghiệp tại các huyện; đồng thời, phát triển các làng nghề truyền thống. Tổng số diện tích các khu cụm công nghiệp đến năm 2020 dao động trong khoảng 2.200 - 2.600ha, trong đó các khu công nghiệp tập trung trong khoảng 1.800 - 2.200ha.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung xây dựng mới cơ sở cho các cơ quan Đảng, hành chính, đoàn thể cho thành phố Bến Tre và các huyện; kiên cố hóa trường phổ thông các cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố... nâng cấp, mở rộng, tăng cường thiết bị và xây dựng mới các bệnh viện, các trạm y tế xã, phường, các trung tâm phòng chống bệnh xã hội, HIV/AIDS, truyền thông giáo dục sức khỏe, kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm; nâng cấp, mở rộng, tăng cường thiết bị và xây dựng mới trung tâm văn hóa tỉnh, sân vận động tỉnh, khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh, trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao các huyện, thành phố, sân vận động cấp xã... Diện tích xây dựng mới năm 2020 dự kiến là 1,7 triệu m2/năm; diện tích sửa chữa khoảng 1,2 triệu m2/năm.

 

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN