Bình Thắng là xã có thế mạnh về đánh bắt và chế biến thủy sản, trên địa bàn xã có 2 làng nghề: cá khô và đánh bắt thủy sản. Theo bà Trần Thị Hà – Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, đây là điều kiện thuận lợi cho ngư dân phát triển được ngành nghề truyền thống của mình. Hiện tại, số lượng tàu, thuyền đánh bắt xa bờ của xã là 458 chiếc, chiếm tỷ lệ 90% đoàn tàu đánh bắt xa bờ của huyện; làng nghề chế biến cá khô có 65 hộ gia đình, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 4 tấn tôm, cá các loại.
Tiếp tục phát huy hiệu quả từ Nghị quyết 08 của Huyện ủy về phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2001-2005, từ năm 2006 đến nay, kinh tế thủy sản của huyện Bình Đại không ngừng phát triển và đa dạng hóa. Huyện xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên trong công tác chỉ đạo có sự tập trung, dồn sức. Do đó, ngành thủy sản của Bình Đại trong những năm qua tăng trưởng khá.
Để việc nuôi thủy sản phát triển đúng hướng, an toàn và hiệu quả, huyện đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản, cá da trơn… Trên cơ sở đó, huyện đã và đang phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với quy hoạch đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế từng đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng và bảo vệ môi trường nuôi theo hướng an toàn và bền vững. Các công trình hạ tầng phát triển nuôi thủy sản được các cấp, các ngành và các nhà đầu tư quan tâm thực hiện như công trình cống cấp thoát nước cánh đồng Bé xã Thạnh Phước, công trình dẫn nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai qua xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước và Thới Thuận đã hoàn thành giai đoạn một…
Để giúp nông dân nắm vững về cách quản lý, chăm sóc, quy trình kỹ thuật nuôi, trong thời gian qua, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về nuôi thủy sản. Chị Đặng Thị Hồng, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Bình Đại cho biết: Công tác khuyến ngư được đầu tư khá lớn, ngoài kinh phí khuyến ngư từ ngân sách huyện, các ngành chức năng tỉnh thường xuyên xây dựng và thực hiện nhiều mô hình để khuyến cáo người dân đa dạng hóa các đối tượng nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chẻm, cá kèo, bống tượng, sặt rằn... Huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo nhằm trang bị cho người nuôi những kiến thức cơ bản về khoa học - kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và những kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào sản xuất. Huyện đã phối hợp với Ban Quản lý chương trình FSPS II triển khai 13 mô hình trình diễn nuôi cá rô đồng, cá rô phi dòng Gift, cá kèo, tôm càng xanh, cá bống tượng, cá sặt rằn cho các xã trong vùng dự án gồm: Châu Hưng, Phú Vang, Phú Long, Bình Thới, Đại Hòa Lộc.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tuy ngành nghề thủy sản ở Bình Đại trong thời gian qua phát triển đa dạng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng là ngành mũi nhọn của huyện, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi… Mặt khác, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất có lúc, có nơi diễn ra ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch, làm suy giảm môi trường sinh thái, tăng độ rủi ro trong sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ, tay nghề thấp, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa kịp thời, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán…
Trước những khó khăn và thách thức đó, trong giai đoạn tiếp theo, huyện tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản theo quy hoạch, đảm bảo theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả; phấn đấu năm 2015 ổn định diện tích vùng nuôi thủy sản của huyện đạt 16.000ha; trong đó, nuôi tôm sú và tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh: 3.800ha, nuôi cá da trơn: 100ha; vận động ngư dân khai thác xa bờ theo hướng hiện đại với trang thiết bị tiên tiến và cải hoán nâng cấp, đóng mới các tàu có công suất lớn; phấn đấu hàng năm đạt sản lượng trên 50.000 tấn - chị Đặng Thị Hồng cho biết.